Ung thư thanh quản: Nhận biết và phòng ngừa

Ung thư thanh quản là một bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng nói và nuốt của người bệnh. Tuy nhiên, với kiến thức đúng đắn và sự quan tâm đúng mức, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này.

Thanh quản là một phần của hệ hô hấp trên, có vai trò quan trọng trong việc tạo ra âm thanh. Bệnh thường gặp nam nhiều hơn nữ chiếm trên 90% và tuổi từ 50-70 tuổi (72%).

Diagram of a human body with labeled anatomy

Description automatically generated with medium confidence

Nguyên nhân

  • Hút thuốc lá: là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư thanh quản.
  • Uống rượu: sử dụng rượu bia quá mức làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường 15 lần. Người vừa hút thuốc vừa uống rượu thì nguy cơ tăng gấp 25-50 lần.
  • Tiếp xúc với các chất độc hại: như Nikel, Amian, hóa chất công nghiệp.
  • Virus HPV: một số loại virus HPV cũng liên quan đến ung thư thanh quản, các type HPV 16,18 có nguy cơ cao hơn type 6, 11.
  • Bệnh mạn tính: viêm thanh quản mạn tính như tăng sản, tăng sừng hóa, bạch sản là thể dễ bị ung thư hóa. Các u lành tính của thanh quản như u nhú thanh quản cũng dễ bị ung thư hóa.
  • Yếu tố di truyền: có nguy cơ ung thư thanh quản cao hơn.

Triệu chứng

  • Khàn tiếng: là dấu hiệu sớm và phổ biến nhất.
  • Ho dai dẳng: ho không dứt, có thể kèm theo đờm lẫn máu.
  • Khó nuốt: cảm giác vướng mắc khi nuốt thức ăn.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau họng: cảm giác đau rát ở vùng họng kéo dài.
  • Hạch vùng cổ: hạch vùng cổ 2 bên to dần.
  • Khó thở: khi bệnh tiến triển nặng, khối u lan rộng che lấp thanh quản.

Các phương pháp để phát hiện ung thư thanh quản

Nội soi hạ họng – thanh quản: Dùng ống nội soi cứng hoặc mềm để quan sát trực tiếp, xác định vị trí, tính chất tổn thương và qua nội soi có thể sinh thiết để chẩn đoán xác định bản chất tổn thương. Đây là phương pháp giúp phát hiện sớm ung thư thanh quản.

Chụp CT scan và MRI vùng cổ – thanh quản: giúp đánh giá mức độ xâm lấn của tổn thương vào tổ chức xung quanh và hạch cổ.

Close-up of a human body

Description automatically generated

Hình ảnh nội soi thanh quản

Điều trị

Phương pháp điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp điều trị gồm

  • Phẫu thuật: Cắt bỏ khối u.
  • Xạ trị: Sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Hóa trị: Sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư.

Phòng ngừa

  • Bỏ thuốc lá: Đây là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Hạn chế rượu bia và nước uống có chứa cồn.
  • Vệ sinh răng miệng: tránh khả năng lây nhiễm virus HPV.
  • Bảo vệ đường hô hấp: tránh tiếp xúc với các chất độc hại.
  • Hạn chế ăn thức ăn chiên, đồ ăn nhanh, đồ muối (rau, củ, quả muối). Ăn các thực phẩm tươi, nhiều rau xanh và thực phẩm giàu vitamin.
  • Khám sức khỏe định kỳ: để phát hiện sớm bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời. Khàn tiếng quá 2-3 tuần phải đi khám bác sĩ Tai Mũi Họng.

Tóm lại, ung thư thanh quản là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Hãy bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ.

Bs CKI Nguyễn Xuân Nguyện

TLTK

    1. Cummings Otolaryngology – Head and Neck Surgery
    2. PDQ Adult Treatment Editorial Board. Laryngeal Cancer Treatment (PDQ®): Patient Version. 2023 Mar 31. In: PDQ Cancer Information Summaries [Internet]. Bethesda (MD): National Cancer Institute (US); 2002–. PMID: 26389298.
    3. Powles J. Basic Otorhinolaryngology – A Step-By-Step Learning Guide. The Journal of Laryngology & Otology. 2006;120(6):515-515. doi:10.1017/S0022215106211034

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)