Tinh thần thái độ phục vụ và y đức

Gần đây dư luận có khuynh hướng tập trung “ném đá” vào những sai sót trong chuyên môn tại các bệnh viện. Tôi suy nghĩ về từ “ném đá” này và liên tưởng đến biện pháp xử tội của một số sắc dân thời xa xưa ! Suy nghĩ có vẻ cường điệu nhưng hành động “ném đá” ngày nay đôi khi cũng dẫn đến tổn thương trầm trọng cho con người không kém biện pháp hành quyết ngày xưa. Xưa và nay, những người bị ném đá đều có những nỗi đau mà những người đang say sưa ném đá không  ý thức được.

Không nói tới những tiêu cực nhức nhối ở tầm vóc và quy mô cao chính là nguồn gốc sinh ra và dung chứa cho nhiều tệ hại thấy được trong hoạt động hàng ngày tại các bệnh viện; tôi nhìn nhận những sai sót trong chuyên môn y tế gần đây không phải ít và nhiều khi cũng đáng là tội… khiến nhiều nhân viên ngành y có lương tâm đã phải chua xót trăn trở. Dư luận bức xúc vì những sai sót chuyên môn trong các bệnh viện thì phải rồi, nhưng phê phán xử lý trừng trị thì cần phải công bằng, nghiêm minh, đúng người đúng tội tùy trường hợp.

Thành kiến sinh cố chấp. Chẩn đoán tử vong sản phụ do “Thuyên tắc ối”  thường bị dư luận nghi ngờ là bệnh viện tìm cách tránh tội. Lời nói “Đẻ thì phải đau chứ !” sẽ được suy diễn là thái độ lơ là thiếu trách nhiệm của người nữ hộ sinh trước cơn đau của sản phụ… Những phán xét do thành kiến như thế sẽ có nhiều cơ hội thiếu công bằng.

Khi có khiếu nại của thân nhân hay của chính người bệnh,  những sai sót về chuyên môn đã có các hội đồng chuyên môn khoa học của bệnh viện hay của cấp cao hơn phán xét. Thông thường hiện nay kèm theo vấn đề về chuyên môn, báo chí và dư luận hay “thổi” thêm và chú trọng vào nhóm chữ  “tinh thần thái độ phục vụ” để đánh giá đạo đức của người làm ngành y. Như thế là rất thiếu sót và không công bằng. Câu trên chỉ thể hiện cách đánh giá một giai đoạn làm việc rất ngắn của thầy thuốc lúc tiếp xúc với người bệnh (và thân nhân), hoàn toàn không đủ để làm bằng chứng đánh giá y đức là giá trị cả đời người của thầy thuốc.

Ngoài ra còn phải thấy về ý nghĩa, nhóm chữ  trên còn có hẳn hai nội dung khác nhau, đó là “tinh thần phục vụ” (có liên quan về ngữ nghĩa với y đức) và “thái độ phục vụ” (liên quan nhiều đến cách quan hệ giao tiếp hành xử, thể hiện ở bên ngoài hơn là có ý nghĩa thật sự về y đức). Trong hai nội dung này, thông thường hiện nay khi phê phán một hành động nào đó của nhân viên y tế, người ta chỉ chú ý nhiều về mặt “thái độ”… (mà thái độ biểu hiện trong một khoảnh khắc nào đó lại bị chi phối rất nhiều bởi hoàn cảnh và môi trường làm việc lúc ấy)- có nghĩa là một chú ý đánh giá mang nhiều tính chủ quan – vì thế  có một độ sai số khá lớn khi muốn từ “thái độ” đó suy ra “tinh thần phục vụ” để dùng nó đánh giá y đức.

Một khi đã có thành kiến thì người ta dễ “bắt” những  lỗi dầu nhẹ “bên lề”. Khi không “bắt” được lỗi chuyên môn người ta càng có khuynh hướng tìm lỗi trong tinh thần thái độ phục vụ. Theo tôi, lời nói, cách nói, cách giao tiếp, cách ứng xử… (có nghĩa là các thái độ) của nhân viên y tế không làm vừa lòng người bệnh và thân nhân – được đưa lên làm bằng chứng cho việc kết luận là thầy thuốc “thiếu y đức” để công luận “ném đá” –  là thiếu công bằng.

Hiện nay văn hóa giao tiếp nói chung của người mình vẫn còn nhiều nét hạn chế, nhất là ở nơi công sở và ở nơi có tính “nhạy cảm” cao như bệnh viện.  Việc xây dựng một nề nếp văn hóa cao trong các mối quan hệ xã hội là một điều rất cần dầu chắc chắn phải mất nhiều thời gian để chuyển đổi. Những  năm gần đây, các bệnh viện đã đua nhau tổ chức các lớp học tập về quan hệ giao tiếp ứng xử, kết quả là ai cũng có ý thức về việc này nhưng khi va chạm thực tế, phản xạ tự nhiên luôn luôn thể hiện ra lẹ hơn là các hành động khôn ngoan được cân nhắc bởi ý thức ! Vì thế người bệnh và thân nhân cứ phải còn cơ hội than phiền cái đúng ra chỉ là “thái độ” nhưng lại được “mắng xéo” là “y đức” !

Phạm trù “y đức ” có nội hàm rất rộng thể hiện một thứ giá trị thiêng liêng mà thầy thuốc phải “tu luyện” gian khổ, lâu dài mới hình thành được. Y đức của người thầy thuốc phải được đánh giá ngay từ khi  bước vào trường y, thông qua thái độ rèn luyện, học tập về tình người, về tư cách  và đặc biệt về chuyên môn. Y đức của người thầy thuốc phải được đánh giá trong suốt cuộc đời hành nghề của thầy thuốc thông qua sự tận tụy với công việc chuyên môn, trăn trở trước nỗi đau của người bệnh và chân thành nghiên cứu rút kinh nghiệm chuyên môn khoa học để tiếp tục không ngừng tiến bộ. Tôi cho rằng thái độ học tập tích cực suốt đời để có nhiều kinh nghiệm tốt, hạn chế những sai sót làm tổn hại người bệnh… – là sự cố gắng để có thể là một thầy thuốc giỏi –  chính là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá y đức của một thầy thuốc. Một lời ăn tiếng nói cộc lốc, một thái độ lạnh lùng dửng dưng… trong một thời khắc nào đó, không đủ kết thành yếu tố phê phán cái giá trị thiêng liêng y đức của thầy thuốc.

Tôi nghĩ y đức là một thứ ý thức nhân bản hình thành tự thân trong suốt quá trình học làm người, học nghề y và hành nghề thuốc của thầy thuốc; do đó mỗi người thụ đắc được một dáng vẻ và một mức độ y đức khác nhau. Sẽ có người có y đức rất cao nhưng cũng đáng buồn là có người rất tệ và thường khi chính họ cũng không nhận ra là mình thiếu y đức! Tuy nhiên nhiều người có y đức rất tệ mà thái độ giao tiếp của họ lại rất đẹp nên được lòng của người bệnh!  Muốn “nhìn ra” được y đức của một thầy thuốc, không phải chỉ với vài thái độ biểu lộ bên ngoài của họ mà có thể nhìn ra và đánh giá đúng họ được.

Nếu bình tĩnh đặt câu hỏi “Người bệnh thật sự cần gì ở thầy thuốc” thì tôi không chắc thái độ đon đả xăng xái với cái miệng “ngọt xớt” của nhân viên y tế… là cái mà người bệnh thật sự cần.

                Dầu sao việc xây dựng một nề nếp văn hóa cao trong các mối quan hệ xã hội là một điều rất cần nhưng  phải biết là không thể nhanh được khi muốn chuyển đổi một nếp văn hóa. Dư luận đang có chiều hướng thiếu thiện cảm  thì việc chấn chỉnh thái độ cho tốt hơn khi giao tiếp với người bệnh và thân nhân vẫn là điều các thầy thuốc cần lưu ý để giữ mình.

BS Sửu

Tháng 9/ 2013

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)