NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH DO NÃO MÔ CẤU
BS.CKII. Dương Quốc Hiền
Trưởng khoa Truyền Nhiễm – Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang
Bệnh do não mô cầu (Neisseria meningitides) là một bệnh nhiễm vi khuẩn cấp tính, đưa đến nhiễm trùng máu và viêm màng não. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, khuyết tật do mất chi. Tỷ lệ tử vong có thể từ 5 – 15%.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Tại các tỉnh phía Nam,trong năm 2024 ghi nhận 12 trường hợp mắc, tuy nhiên chỉ 4 tháng đầu năm 2025 con số này là 12 trường hợp.
Não mô cầu được chia thành 4 nhóm: A, B, C và D. Ngoài 4 nhóm bệnh điển hình trên, còn có các nhóm huyết thanh gây bệnh như W-135, X, Y và Z. Mặc dù các nhóm này ít độc lực nhưng nếu người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu hay được điều trị chậm trễ, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Đường lây: Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu do hít phải dịch tiết mũi, hầu họng từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Tỷ lệ người lành mang trung là 10-20%, có thể lên đến 40-50% trong các vụ dịch.
Đối tượng dễ mắc bệnh: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, thanh, thiếu niên từ 14-20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư, doanh trại …) và người suy giảm miễn dịch.
Biểu hiện lâm sàng rất đa dạng từ Viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não … với hai triệu trứng thường gặp: sốt và ban xuất huyết hoại tử (còn gọi là tử ban):
- Sốt cao đột ngột có thể rét run, có thể kèm theo ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, nôn, cứng gáy.
- Ban hoại tử xuất huyết hình bản đồ, màu đỏ thẩm, có thể kèm hoại tử trung tâm hoặc kèm bóng nước, ban xuất hiện ở vùng hông, chi dưới lan ra toàn thân.
Chẩn đoán: bệnh dựa vào dịch tể, lâm sàng kết hợp với công thức máu, soi, cấy (máu, tử ban, dịch não tủy…) cùng với các cận lâm sàng khác: Xquang phổi, CT scanner, MRI… nhằm đánh giá mức độ nặng của bệnh.
Chẩn đoán phân biệt với: Bệnh do liên cầu lợn (Streptococcus suis), nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn khác, ban xuất huyết Henoch- Scholein …
Điều trị: Chọn một trong các kháng sinh (Ceftriaxon, Cefotaxim, Penicillin G), nếu dị ứng với Beta- lactams thì chọn (Ciprofloxacin, Chloramphenicol).
Dự phòng:
Chủ động tiêm vắc- xin phòng não mô cầu:
Vắc xin VA-Mengoc BC là vắc xin phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B, C được Finlay Institute nghiên cứu và sản xuất tại Cuba với công nghệ túi màng ngoài. Đây là loại vắc xin được sử dụng để phòng chống vi khuẩn não mô cầu nhóm B+C từ năm 1980 và được áp dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Đối tượng được chỉ định tiêm là trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi. Lịch tiêm vắc xin VA-Mengoc BC bao gồm 2 mũi cách nhau 6-8 tuần. Vắc xin VA-Mengoc BC chứa 1 thành phần kháng nguyên nhóm B, phổ bảo vệ hẹp hơn so với vắc xin Bexsero.
Vắc xin não mô cầu nhóm B (Bexsero) là vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới do hãng dược phẩm hàng đầu thế giới GSK sản xuất tại Ý. Một trong những điểm nổi bật của vắc xin Bexsero đó là đối tượng tiêm chủng rộng, bé từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi đã có thể tiêm phòng bệnh với hiệu quả bảo vệ lên đến 95%. Lịch tiêm vắc xin Bexsero cụ thể như sau:
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tháng tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng, mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 6 tháng khi trẻ >=12 tháng tuổi.
- Trẻ tròn 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi:2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng, và mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 2 tháng khi trẻ >= 12 tháng tuổi.
- Trẻ từ tròn 1 tuổi đến dưới 2 tuổi:2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng và mũi nhắc lại sau mũi 2 là 12 tháng.
- Người từ 2 tuổi đến 50 tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 01 tháng.
Vắc xin não mô cầu nhóm A, C, Y, W (Menactra). Vắc xin Menactra (Mỹ) là vắc xin phòng ngừa bệnh do vi khuẩn não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135 do hãng dược uy tín thế giới Sanofi Pasteur sản xuất tại Mỹ. Khi trẻ đến 9 tháng tuổi, ba mẹ cần đưa bé đi tiêm vắc xin Menactra để bảo vệ toàn diện cho bé. Lịch tiêm vắc xin Menactra cụ thể như sau:
*Tiêm chủng cơ bản:
- Trẻ từ 9 tháng đến 23 tháng tuổi tiêm 2 liều cách nhau 3 tháng.
- Trẻ tròn 24 tháng đến 55 tuổi tiêm 1 liều duy nhất.
*Tiêm chủng nhắc lại: Liều nhắc lại có thể được áp dụng cho nhóm tuổi từ 15 – 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu khuẩn và cách liều tiêm trước ít nhất 4 năm
Phòng bệnh chung:
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp: ho, hắc hơi, sổ mũi …
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên với xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh, thông thoáng khí nơi ở, nơi làm việc.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập nâng cao thể trạng.
Dự phòng sau tiếp xúc với bệnh nhân não mô cầu cho người tiếp xúc gần (sống chung nhà, cùng phòng trọ, làm việc chung…) với một trong kháng sinh sau:
- Ciprofloxacin 500 mg liều duy nhất (>12 tuổi)
- Azithromycine 500 mg liều duy nhất hoặc 10mg/kg cho trẻ em
- Rifampicin:
< 12 tháng: 5mg/kg x2 lần/ ngày x 2 ngày
1-12 tuổi : 10mg/kg x2 lần/ ngày x 2 ngày
>12 tuổi: 600mg x 2 lần/ngày x 2 ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO