Thông thường, hệ thống miễn dịch của người khỏe mạnh có vai trò cân bằng số lượng lợi khuẩn và hại khuẩn trong cơ thể. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp hệ miễn dịch suy yếu khiến nấm men phát triển quá mức và gây nhiễm trùng.
Nấm thực quản là trình trạng bệnh nhiễm trùng do nấm Candida gây ra tại thực quản, dẫn đến những tổn thương ở vùng niêm mạc thực quản. Có khoảng 20 loài nấm Candida có thể gây bệnh và Candida albicans chiếm hơn 80% trường hợp bị nấm thực quản. Nấm Candida thường phát triển trong thực quản, khoang miệng, ruột và âm đạo khi đủ điều kiện và sức đề kháng suy yếu.
Những triệu chứng của bệnh:
Nấm thực quản (Candidal Esophagitis) thường gây triệu chứng khó nuốt, đau khi nuốt, hình thành nhiều mảng trắng bên trong thực quản. Mảng trắng có thể lan lên ở niêm mạc trong miệng, trên lưỡi và cổ họng Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan sâu vào ống tiêu hóa, đến các cơ quan khác, gây nhiễm nấm máu (sự hiện diện của nấm Candida trong máu), nhiễm khuẩn huyết và nguy hiểm đến tính mạng..
– Nôn ra máu ở những trường hợp nặng
– Số ít có thể sốt, tiêu chảy, sụt cân không rõ nguyên nhân
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Sinh lý: Trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai, …
- Bệnhlý: Người bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, vừa mới phẫu thuật, điều trị ung thư, người mắc bệnh tiểu đường, suy tuyến thượng thận, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng sinh…
+ Người dùng kháng sinh và hoặc corticosteroid, bao gồm cả corticosteroid dạng hít để kiểm soát bệnh hen suyễn.
- Thói quen sinh hoạt ăn uống: Người hay ăn nóng, ăn cay, uống rượu bia,
– Ngoài ra, thường xuyên sử dụng chất kích thích, lạm dụng thuốc ( ức chế bơm proton), hút thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị nấm thực quản.
Nấm thực quản nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến biến chứng loét, rò thực quản, hẹp thực quản… Hơn thế, nấm có thể tấn công vào nội tạng và toàn thân rất nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh
Cận lâm sàng để chẩn đóan bệnh
Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng
Xét nghiệm vi nấm nuôi cấy định danh
Xét nghiệm cấy máu
Xét nghiệm Fungi (1,3) -β-D-glucan
Theo KODSI’S mức độ viêm thực quản do nấm Candida thông qua nội soi tiêu hóa trên được phân thành 4 mức độ, bao gồm:
Độ I: rải rác các đốm trắng trên bề mặt niêm mạc thực quản, kích thước ≤ 2mm, không phù nề, không loét.
Độ II: nhiều đốm trắng trên bề mặt niêm mạc thực quản, kích thước > 2mm không có loét.
Độ III: các mảng nhô cao nối với nhau thành hàng dọc.
Độ IV: các mảng nhô cao nối với nhau thành hàng dọc kèm theo niêm mạc dễ tổn thương và làm hẹp lòng thực quản.
Điều trị bệnh
Đối với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ
– Sử dụng thuốc kháng nấm đường uống như nystatin, fluconazole, itraconazole hoặc ketoconazole trong thời gian từ 7 đến 14 ngày.
– Thực hiện vệ sinh miệng và răng miệng hàng ngày.
Đối với bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc không phản ứng với thuốc kháng nấm đường uống
– Sử dụng thuốc kháng nấm tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch như amphotericin B hoặc caspofungin.
– Thực hiện vệ sinh miệng và răng miệng hàng ngày.
Đối với các trường hợp tái phát nhiều lần
– Sử dụng thuốc kháng nấm đường uống như fluconazole hoặc itraconazole trong thời gian dài từ 6 đến 12 tháng.
– Thực hiện vệ sinh miệng và răng miệng hàng ngày.
Ngoài ra, để ngăn ngừa sự tái phát của nấm thực quản, bệnh nhân cần tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch bằng cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân đúng cách.
Chế độ ăn dành cho người mắc bệnh nấm thực quản
Để quá trình điều trị bệnh tiến triển và đạt hiệu quả cao người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, làm việc và ăn uống hợp lý.
- Nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa,…
- Bổ sung đa dạng các thực phẩm loãng có chứa nhiều đạm, tinh bột, protein, chất xơ,…
- Uống nhiều nước, bổ sung các chất điện giải, chất khoáng cho cơ thể.
- Tránh ăn đu đủ xanh vì đu đủ xanh có chứa men papain có tác dụng như pepsin của dạ dày, khiến các tổn thương niêm mạc thực quản trở nên nghiêm trọng hơn.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa chất kích thích mạnh gây bài tiết axit như chất béo, sô-cô-la, caffeine và đồ uống có cồn.
BS Trần Thị Xuân Hương, khoa Nội Tiêu hoá- Huyết học