Khi Đột Quỵ Không Còn Là Bệnh Của Tuổi Già

BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG TRẺ HÓA ĐỘT QUỴ

Ngày 27/05/2025, tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang có tiếp nhận một bệnh nhân nữ Nguyễn Thị Huỳnh N 17 tuổi quê ở Thoại Sơn, An Giang  trong tình trạng co giật toàn thân.  Kết quả chụp CT sọ não của bệnh nhân ghi nhận kết quả Nhồi máu não lan rộng vùng nhân bèo, thùy trán và thùy đỉnh hai bên – tổn thương nặng nề thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi.
Vào ngày 30/05/2025, một bệnh nhân nữ Dương Thị Tuyết M 45 tuổi quê Long Xuyên An Giang cũng nhập Khoa Hồi sức tích cực với tình trạng nôn ói dữ dội rồi đột ngột rơi vào hôn mê.  Kết quả chụp CT scan sọ não của bệnh nhân xác định bệnh nhân bị Xuất huyết não vùng bán cầu tiểu não – một dạng đột quỵ dễ gây chèn ép thân não và tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.

Hình ảnh CT sọ não bệnh nhân xuất huyết tiểu não. Vùng tăng tỷ trọng ở bán cầu tiểu não phải cho thấy ổ xuất huyết nội sọ, có nguy cơ chèn ép thân não và ảnh hưởng đến chức năng sống nếu không được xử trí kịp thời.

Hai ca bệnh xảy ra ở người trẻ tuổi là lời cảnh báo rõ ràng rằng:
Đột quỵ không còn là căn bệnh của người già. Người trẻ – thậm chí rất trẻ – đang trở thành nạn nhân ngày một nhiều hơn.

1.   Vậy Đột quỵ là gì và vì sao lại nguy hiểm?

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng máu không thể đến nuôi não do tắc mạch (nhồi máu não) hoặc vỡ mạch (xuất huyết não). Trong vòng vài phút sau khi lưu thông máu bị gián đoạn, hàng triệu tế bào não sẽ chết, gây tổn thương vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

2.   Tại sao đột quỵ ở người trẻ lại gia tăng?

  • Lối sống hiện đại nhưng thiếu lành mạnh:

Ngồi nhiều – ít vận động, thức khuya, stress kéo dài, chế độ ăn nhiều muối – mỡ – đường nhưng thiếu chất xơ, rau xanh.

  • Tăng các bệnh nền ở người trẻ:

Nhiều người trẻ đã mắc tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu hoặc béo phì – các yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.

  • Lạm dụng chất kích thích:

Thuốc lá, thuốc lá điện tử, rượu bia, steroid tăng cơ, ma túy tổng hợp… làm tăng nguy cơ co thắt mạch máu và vỡ mạch.

  • Biến chứng hậu COVID-19:

Tăng đông máu sau khi nhiễm COVID-19 có thể kéo dài nhiều tháng, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

  • Thiếu tầm soát sức khỏe định kỳ:

Người trẻ thường chủ quan, ít đi khám sức khỏe, không biết mình đang mang yếu tố nguy cơ.

3.   Vậy làm sao để nhận biết sớm đột quỵ :

Hãy ghi nhớ nguyên tắc FAST để phát hiện đột quỵ:
F (Face): Một bên mặt bị lệch, méo miệng hoặc khó cử động.
A (Arm): Yếu hoặc tê tay chân một bên
S (Speech): Nói khó, nói đớ, nói không rõ hoặc không thể nói.
T (Time): Phát hiện dấu hiệu nào hãy gọi cấp cứu 115 ngay lập tức vì thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là rất ngắn. (3 đến 6 giờ đầu là ‘thời gian vàng’ để điều trị. Sau mốc này, khả năng phục hồi sẽ giảm mạnh, và nguy cơ tàn tật suốt đời tăng cao)

4.    Chúng ta cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ từ khi còn trẻ?

  • Tập thể dục thường xuyên – ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Ăn uống lành mạnh – giảm muối, đường, chất béo bão hòa
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, không dùng chất kích thích
  • Ngủ đủ, sống điều độ, giảm stress
  • Khám sức khỏe định kỳ – tầm soát huyết áp, mỡ máu, đường huyết

Lời kết

Khi đột quỵ không còn là bệnh của tuổi già, thì việc chủ động phòng ngừa ở người trẻ không còn là lựa chọn – mà là điều bắt buộc.
Hai ca bệnh từ An Giang là minh chứng rõ ràng cho sự trẻ hóa của bệnh lý từng được cho là “của người già”. Sức khỏe mạch máu não không phụ thuộc vào tuổi tác – mà vào lối sống và ý thức chăm sóc sức khỏe mỗi ngày.
Bs Trần Ngọc Trâm- Khoa Hồi sức BVĐKTT An Giang

Attachments

    TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

    1900585888 (bấm phím 1)