Chảy máu mũi: hiểu rõ để xử trí và phòng bệnh

Chảy máu mũi là một cấp cứu thường gặp trong tai mũi họng do vỡ mạch máu trong hốc mũi. Chảy máu mũi thường xuất hiện đột ngột có thể xảy ra vào buổi sáng hoặc tối nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Có 2 vị trí chảy máu mũi là chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. 90% chảy máu mũi trước từ đám rối mạch Kiesselbach là nơi hội tụ của 5 nhánh mạch máu cung cấp máu cho mũi. Chảy máu mũi trước thường mức độ nhẹ, dễ tái phát nhưng dễ cũng cầm máu. Chảy máu mũi sau thường ở mức độ trung bình đến nặng, kéo dài, khó kiểm soát và cần phải nhập viện để điều trị.

Chảy máu mũi thường gặp ở trẻ em 2 đến 10 tuổi và người lớn 50 đến 80 tuổi. Mùa chảy máu mũi thường gặp khi thời tiết lạnh hoặc quá nóng làm cho niêm mạc mũi khô dễ chảy máu.

Chảy máu mũi có thể do nhiều nguyên nhân do chấn thương hay do bệnh lý.

Các nguyên nhân gây chảy máu mũi:

  1. Toàn thân

– Bệnh lý tim mạch: tăng huyết áp, dị dạng mạch máu… Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân toàn thân thường gặp nhất gây chảy máu mũi mức độ nặng.

– Bệnh lý về máu: suy tủy, rối loạn chức năng đông cầm máu…

– Bệnh lý mạn tính: xơ gan, suy thận

– Do dùng thuốc: thuốc chống đông máu, thuốc kháng viêm không steroid kéo dài, thuốc xịt mũi steroid tại chổ…

– Nhiễm siêu vi: sốt xuất huyết, cúm, sởi.

  1. Tại chỗ

– Viêm nhiễm: viêm mũi xoang cấp, viêm mũi xoang dị ứng nhiễm trùng…

– Chấn thương: ngoáy mũi, va đập, tai nạn, sau phẫu thuật mũi xoang…

– Do khối U: u mao mạch, U hốc mũi, Ung thư vòm mũi họng, ung thư sàng hàm…

– Do dị vật: thường gặp ở trẻ em, để lâu dẫn đến viêm loét hoại tử…

– Giải phẫu bất thường: dị dạng mạch máu, dị dạng vách ngăn…

– Nhiễm độc: hít phải các hóa chất độc hại

  1. Chảy máu mũi vô căn: chiếm 70% không tìm thấy nguyên nhân.

Cách xử trí khi chảy máu mũi:

* Xử trí ban đầu khi có chảy máu mũi:

Ngồi thẳng: Ngồi thẳng người, hơi cúi đầu về phía trước để máu không chảy xuống họng và không được nuốt máu vì sẽ gây kích thích nôn.

Đè ép mũi: Dùng ngón cái và ngón trỏ ép chặt hai cánh mũi trong khoảng 10-15 phút.

Đặt túi đá: Đặt túi đá lên sống mũi để làm co mạch máu.

Tránh hắt hơi, xì mũi mạnh: Điều này có thể làm cho máu chảy nhiều hơn.

* Nếu tình trạng chảy máu không cầm cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị. Bác sĩ Tai mũi họng khám nội soi mũi xác định nguyên nhân và vị trí chảy máu. Qua nội soi tiến hành cầm máu bằng cách đặt meche mũi trước, meche mũi sau hoặc đốt cầm máu.

* Nếu các biện pháp không hiệu quả thì tiến hành thắt động mạch hoặc thuyên tắc mạch bằng can thiệp nội mạch.

Trong 2 tháng cuối năm do khí hậu lạnh nhiều hơn, khoa Tai mũi họng đã tiếp nhận nhiều trường hợp chảy máu mũi đến bệnh viện. Khoa Tai mũi họng đã thực hiện cầm máu mũi qua nội soi sử dụng công nghệ đông mô bằng sóng cao tần Coblator giúp cầm máu rất hiệu quả và không cần phải đặt vật liệu mũi giúp giảm đau đớn cho người bệnh.

Phòng ngừa chảy máu mũi:

– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước.

– Giữ ẩm và ấm niêm mạc mũi tránh tiếp xúc không khí khô hoặc lạnh.

– Tránh ngoáy mũi vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi.

– Hạn chế thuốc lá, tiếp xúc hóa chất.

– Điều trị các bệnh lý về mũi xoang theo hướng dẫn của Bác sĩ.

– Hạn chế lo âu, giảm căng thẳng.

– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường và điều trị kịp thời.

Tóm lại, chảy máu mũi có thể không nguy hiểm nếu xử trí kịp thời nhưng có thể là nguy cơ tiềm ẩn của ung thư. Do đó, cần đi khám Bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời khi chảy máu mũi kéo dài, tái phát nhiều lần.

Bs CKII Ngô Vương Mỹ Nhân

Trưởng khoa Tai mũi họng

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)