Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cúm mùa là nguyên nhân của 9,3 triệu – 41 triệu ca bệnh, 100.000 – 710.000 ca nhập viện và 4.900 – 51.000 ca tử vong hằng năm từ năm 2010 đến 2023.
Hiện, trung bình có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm hằng năm, trong đó có từ 3 đến 5 triệu trường hợp diễn tiến nặng. Cúm mùa vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, với gần 650.000 ca tử vong hằng năm. Cứ mỗi phút trôi qua lại có một người tử vong do cúm. Cúm không phân biệt tuổi tác, giới tính, bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm cúm mùa. Trẻ nhỏ, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, dễ gặp biến chứng nguy hiểm và có mức độ lây truyền cao hơn cho người khác.
90 triệu trường hợp mắc cúm xảy ra ở trẻ em trên toàn thế giới mỗi năm với nguy cơ biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim. Cúm có khả năng tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 14 tuổi, dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng trẻ. Cúm ở người cao tuổi có thể gây suy giảm chức năng, ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thống đa cơ quan làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 10 lần sau nhiễm cúm.
Người có bệnh lý nền mạn tính cần thận trọng với cúm mùa vì khi mắc bệnh có thể làm nặng hơn các bệnh lý nền sẵn có như tim mạch, hen, COPD, đái tháo đường; tăng gấp 6 lần nguy cơ nhập viện, gấp 6 lần nguy cơ tử vong do biến chứng trên bệnh nhân đái tháo đường; châm ngòi cho tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Tại Việt Nam, cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng có xu hướng tập trung vào mùa đông, xuân. Các chuyên gia cảnh báo, đỉnh điểm mùa cúm tại nước ta có thể rơi vào khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10 hằng năm.
Hầu hết mọi người phục hồi hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong số các nhóm đối tượng nguy cơ cao bao gồm trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người đang mắc các bệnh nặng khác.
Những biến chứng cúm mùa như nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai là mức độ nhẹ, trong khi viêm phổi là một biến chứng nặng có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc nhiễm đồng thời virus cúm và vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể bao gồm viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ và suy đa cơ quan (ví dụ như suy hô hấp và suy thận).
Tiêm vaccin phòng cúm mùa hằng năm là phương pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Vaccin cúm có hiệu quả phòng bệnh lên đến 90%, giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ biến chứng, diễn tiến nặng khi đồng nhiễm cúm và các tác nhân gây bệnh khác. Các chủng virus cúm thường xuyên thay đổi mỗi năm. Các nhà sản xuất sẽ căn cứ vào dữ liệu khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các chủng cúm lưu hành mỗi năm, để sản xuất vắc xin mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Vaccin cúm an toàn, hiệu quả, có sẵn đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Miễn dịch ở những người tiêm vaccin theo thời gian vì vậy nên tiêm vaccin hàng năm để phòng bệnh cúm mùa. Tiêm vaccin phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ bị biến chứng của bệnh cúm và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao.
WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:
– Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ
– Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
– Người cao tuổi (trên 65 tuổi)
– Người mắc bệnh mãn tính
– Nhân viên y tế.
Ngoài tiêm chủng phòng bệnh, Các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng trong phòng cúm mùa như:
– Rửa tay thường xuyên và lau khô tay đúng cách
– Vệ sinh hô hấp tốt – che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, sử dụng khăn giấy đúng cách
– Tự nguyện cách ly sớm những người cảm thấy mệt mỏi, sốt và có các triệu chứng cúm khác
– Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
– Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
Vaccin cúm gồm 4 loại: Ivacflu-S (Việt Nam), GC Flu (Hàn Quốc), Influvac Tetra (Hà Lan), và Vaxigrip Tetra (Pháp).
1. Vaccin tam giá
Trước đây Việt Nam có vắc xin cúm tam giá chỉ chứa 3 chủng gồm 2 chủng cúm A là A/(H3N2), A/(H1N1) và một chủng cúm B (hoặc Yamagata hoặc Victoria). Mỗi năm, các nhà sản xuất phải dự đoán 1 chủng cúm B sẽ lưu hành trong mùa cúm tới để đưa vào sản xuất vắc xin tam giá, tuy nhiên việc dự đoán này rất khó khăn và thường không chính xác. Các kết quả nghiên cứu dịch tễ học về sự thay đổi kháng nguyên bề mặt cũng sự phân bố các chủng virus cúm trên toàn cầu cho thấy, sự lưu hành các chủng virus cúm không giống nhau. Trong khi virus cúm A bùng phát vào tháng 2-3, thì virus cúm B lại phát triển mạnh hơn vào tháng 11-3.
Vaccin Ivacflu-S (Việt Nam)
- Vaccin Ivacflu-S 0,5ml là loại vắc xin phòng bệnh cúm mùa hiệu quả, được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa cúm ở người lớn từ 18 đến 60 tuổi.
- Phác đồ tiêm: Người lớn (từ 18 tuổi đến 60 tuổi): Tiêm 1 liều 0,5 ml và sau đó nhắc lại hằng năm.
Vaccin GC Flu (Green Cross Corporation – Hàn Quốc)
- Vaccin GC Flu là loại vắc xin phòng cúm mùa được sử dụng rộng rãi cho trẻ em từ 36 tháng tuổi và người lớn.
- Phác đồ tiêm chủng vắc xin GC Flu được khuyến cáo:
- Trẻ từ 36 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được tiêm ngừa trước đó:
- Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
- Trẻ trên 9 tuổi và người lớn chưa được tiêm ngừa trước đó: Tiêm 1 mũi và sau đó tiêm nhắc lại hằng năm.
2. Vắc xin tứ giá
Vaccin cúm Tứ giá Vaxigrip tetra (Pháp)
Vaccin Vaxigrip Tetra do tập đoàn dược phẩm hàng đầu Sanofi Pasteur (Pháp) nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng từ năm 2016, cho đến nay vắc xin này đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên toàn Thế giới. Vắc xin có hiệu quả bảo vệ lên đến 80% phòng bốn chủng virus cúm gây gánh nặng bệnh tật lớn hiện nay là chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và chủng cúm B (Yamagata, Victoria).
Vaccin Vaxigrip Tetracó duy nhất 1 hàm lượng 0,5 ml cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn với lịch tiêm được khuyến cáo như sau:
- Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được tiêm ngừa trước đó: 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm.
- Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn chưa được tiêm ngừa trước đó: Tiêm 1 mũi và tiêm nhắc lại hàng năm.
Vaccin cúm Tứ giá Influvac Tetra (Hà Lan)
Vaccin cúm Tứ giá Influvac Tetra là loại vắc xin Tứ giá thế hệ mới được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi hãng Abbott – Hà Lan, được sử dụng phổ biến để ngăn ngừa bệnh cúm mùa có nguy cơ cao bùng phát vào thời điểm giao mùa như Xuân – Hè hoặc Thu – Đông. Hiện nay, vắc xin cúm Tứ giá thế hệ mới Influvac Tetra có khả năng phòng được 4 chủng virus cúm nguy hiểm, bao gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria) với hiệu quả bảo vệ cao, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh, dẫn đến biến chứng, nhập viện và tử vong.
Vaccin cúm Tứ giá Influvac Tetra được chỉ định sử dụng liều lượng 0,5 ml dành cho
Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi chưa tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi với lịch tiêm sau:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 4 tuần và tiêm nhắc hàng năm.
Đối với các đối tượng là trẻ em từ 9 tuổi trở lên, áp dụng lịch tiêm 01 mũi duy nhất và tiêm nhắc lại hằng năm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ cần tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm, luôn cách tối thiểu 12 tháng so với mũi trước.
Tài liệu tham khảo
- CDC. (2024, October 7). About Estimated Flu Burden. Flu Burden. https://www.cdc.gov/flu-burden/php/about/index.html
- Mohsen Moghadami. (2017). A Narrative Review of Influenza: A Seasonal and Pandemic Disease. Iranian Journal of Medical Sciences, 42(1), 2. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5337761/
- World. (2023, October 3). Influenza (Seasonal). Who.int; World Health Organization: WHO. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal).
BS DƯƠNG QUỐC HIỀN
TRƯỞNG KHOA TRUYỀN NHIỄM- BVĐKTT AN GIANG