Bệnh thuỷ đậu (trái rạ) ở người lớn có nguy hiểm không?

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra tình trạng nhiễm trùng ngoài da với triệu chứng điển hình là các phát ban, mụn nước, phỏng rộp chứa đầy dịch mủ gây ngứa ngáy, vô cùng khó chịu. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, bất kỳ đối tượng nào chưa có miễn dịch với thủy đậu do chưa từng mắc bệnh thủy đậu trước đây hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin ngừa bệnh thủy đậu đều có khả năng lây nhiễm và mắc bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh thủy đậu có khả năng lây lan và phát triển vô cùng mạnh mẽ, chúng có thể xuất hiện ở mọi nơi trên toàn thế giới. Ở những quốc gia thuộc vùng khí hậu ôn đới, có ít nhất 90% trẻ dưới 15 tuổi bị mắc thủy đậu và tỷ lệ này ở người lớn thậm chí có thể lên đến 95%.

Tại Việt Nam và các quốc gia nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới khác, mùa thủy đậu thường bắt đầu từ giữa tháng 3 và tháng 5 hàng năm, là giai đoạn thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường phát triển, lây lan và bùng phát mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu là do virus Varicella Zoster (VZV), cũng là tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh (hay còn được gọi là bệnh giời leo). Những điều kiện thuận lợi và đường lây nhiễm của virus: Thủy đậu chủ yếu lây truyền thông qua đường hô hấp, khi một người vô tình hít phải những giọt bắn chứa VZV trong không khí của người bệnh khi nói chuyện/ho/hắt hơi/… Một số ít các trường hợp khác, thủy đậu có thể lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp với nốt mụn phỏng rộp trên da của người bệnh, dịch mủ viêm nhiễm có thể chứa virus và lây nhiễm nhanh chóng với những người tiếp xúc với chúng. Ngoài ra, thủy đậu cũng có thể lây truyền theo chiều dọc từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, trong quá trình sinh và sau khi sinh con, gây ra tình trạng thủy đậu sơ sinh vô cùng nguy hiểm.


Hình ảnh phụ nữ mang thai bị mắc bệnh thuỷ đậu

Bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm virus và mắc bệnh thủy đậu. Nguy cơ lây nhiễm VZV và mắc bệnh cao hơn khi một người:

  • Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu hoặc zona thần kinh: VZV có thể lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch mủ trên vùng da tổn thương do thủy đậu/zona thần kinh. Do đó, việc việc xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc thủy đậu/zona thần kinh có nguy cơ cao lây nhiễm VZV, gây ra bệnh thủy đậu.
  • Trong gia đình có người mắc bệnh thủy đậu: Theo nhiều nghiên cứu, vì khả năng lây nhiễm vô cùng khủng khiếp khi tiếp xúc gần với mầm bệnh nên nguy cơ lây nhiễm VZV trong gia đình là rất cao, thậm chí cao hơn nguy cơ lây nhiễm ở môi trường bệnh viện.
  • Người bị suy yếu hệ thống miễn dịch: Những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch do tuổi tác, bệnh tật, đang điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp can thiệp gây ức chế hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai,… có thể dễ dàng lây nhiễm VZV và mắc bệnh thủy đậu. Hệ thống miễn dịch yếu khiến khả năng chống lại virus kém, tạo điều kiện thuận lợi cho virus tấn công và gây bệnh.

Triệu chứng thuỷ đậu ở người lớn

Triệu chứng thủy đậu ở người lớn cũng giống với trẻ em, nhưng chúng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi biến chứng. Bệnh tiến triển thông qua các triệu chứng ban đầu từ 1-3 tuần sau khi tiếp xúc với vi rút như là: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ thể và đầu. Những triệu chứng này thường bắt đầu một hoặc hai ngày trước khi phát ban xuất hiện. Và tiếp theo sẽ xuất hiện các đốm đỏ sau đó lây lan ra toàn thân. Những đốm đỏ này là mụn nước ngứa sau đó trở thành vết loét rồi hình thành lớp vảy. Với người lớn thì số mụn nước dao động từ 250-500 nốt.

Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?

Thủy đậu là một căn bệnh có bản chất lành tính, bệnh có thể khỏi và phục hồi nhanh chóng sau 7 – 10 ngày mà không gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thủy đậu có thể biến chứng nghiêm trọng, phải nhập viện và thậm chí tử vong, nếu may mắn vượt qua các biến chứng của bệnh vẫn có nguy cơ rất cao di chứng kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý người bệnh. Một số biến chứng của bệnh thuỷ đậu:

  • Nhiễm khuẩn da, mô mềm hoặc xương nhiễm trùng huyết.
  • Nhiễm trùng vi khuẩn trong máu hoặc các vấn đề về xuất huyết.
  • Mất nước.
  • Viêm não hoặc viêm phổi.
  • Hội chứng Reye.
  • Hội chứng sốc độc.

Những người có nguy cơ cao gặp phải biến chứng do bệnh thuỷ đậu:

  • Phụ nữ mang thai mà chưa từng bị mắc bệnh thủy đậu.
  • Người dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch chẳng hạn như hoá trị.
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu bởi các bệnh khác chẳng hạn như HIV.
  • Người đang thuốc steroid chẳng hạn nhưviêm khớp dạng thấp.
  • Người có hệ miễn dịch thấp do ghép tạng hoặc ghép tuỷ xương từ trước đó.

Điều trị bệnh thủy đậu như thế nào?

1. Điều trị triệu chứng

Theo Bộ Y tế, việc điều trị thủy đậu ở những người có hệ miễn dịch bình thường chủ yếu tập trung vào việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị các triệu chứng như làm hạ sốt, giảm ngứa, giảm đau, giảm viêm, chăm sóc vùng da bị tổn thương, giảm thiểu tối đa thời gian mắc bệnh. Các phương pháp điều trị được khuyến cáo thực hiện khi bị thủy đậu như sau:

  • Sử dụng Acyclovir qua đường uống với liều lượng 800mg 5 lần mỗi ngày trong vòng 5 – 7 ngày, đặc biệt hiệu quả khi bắt đầu sử dụng trong 24 giờ đầu sau khi bắt đầu xuất hiện những phát ban đầu tiên. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, liều lượng có thể điều chỉnh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể là 20 mg/kg và sử dụng mỗi 6 giờ một lần.
  • Đối với những người bệnh thủy đậu có khả năng phản ứng của hệ miễn dịch bị suy giảm nặng hoặc chẳng may bị mắc biến chứng viêm não do thủy đậu, cần ưu tiên sử dụng Acyclovir qua đường tĩnh mạch, với liều lượng điều chỉnh hợp lý theo tỷ lệ cơ thể là 10 – 12,5 mg/kg mỗi 8 giờ trong ít nhất 7 ngày để giảm nguy cơ biến chứng nội tạng. Đối với những người mắc thủy đậu bị suy giảm miễn dịch nguy cơ thấp, chỉ cần sử dụng thuốc kháng virus uống.
  • Ngoài ra, việc sử dụng paracetamol hoặc Tylenol để hạ sốt được khuyến nghị để điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng do thủy đậu gây ra. Đồng thời, tránh sử dụng aspirin để ngăn ngừa hội chứng Reye.
  • Chăm sóc vùng da bị tổn thương bằng cách làm ẩm da hàng ngày thông qua việc chườm mát hoặc thoa kem dưỡng dịu nhẹ, lành tính. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại thuốc chống ngứa tại chỗ để giúp cải thiện cảm giác ngứa ngáy khó chịu và có thể ngăn ngừa sự bội nhiễm vi khuẩn bằng cách sử dụng thuốc xanh methylen sát khuẩn tại chỗ.
  • Trong trường hợp người bệnh mắc viêm phổi do thủy đậu, cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được các bác sĩ thực hiện điều trị hỗ trợ hô hấp tích cực.
  • Các trường hợp thủy đậu bội nhiễm, cần được các bác sĩ hỗ trợ điều trị bằng kháng sinh.

2. Điều trị biến chứng

Các biến chứng thủy đậu xuất hiện khi tình trạng bệnh lý trở nặng, VZV phát triển và tấn công mạnh mẽ, xâm nhập sâu hơn và lan rộng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể như hệ thần kinh, mạch máu,… Do đó, biến chứng thủy đậu hầu như không thể tự điều trị tại nhà và hầu hết các biến chứng thủy đậu như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, zona thần kinh… rất khó để điều trị dứt điểm, chỉ có thể hỗ trợ điều trị giảm triệu chứng, không thể chữa khỏi hoàn toàn, có thể để lại nhiều di chứng kéo dài lên hệ thần kinh và hô hấp của người bệnh, nhiều trường hợp có thể tái phát biến chứng, vô cùng nguy hiểm.

Do đó, khi nhận thấy hoặc nghi ngờ cơ thể người bệnh xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý trở nặng, có nguy cơ biến chứng, cần đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xác định biến chứng và chỉ định phác đồ điều trị từ sớm, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nặng, đe dọa đến sức khỏe và ngăn ngừa di chứng.

Đối với các biến chứng đáng tiếc trong thai kỳ đối với mẹ bầu và cả thai nhi, hầu như không có phương pháp điều trị và khắc phục. Vì thế, phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất để tránh các biến chứng nguy hiểm do thủy đậu gây ra, trẻ em và người lớn cần tiêm ngay vắc xin ngừa thủy đậu, đặc biệt với phụ nữ mang thai cần hoàn thành lịch tiêm trước khi mang thai tốt nhất 3 tháng.

3. Chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại nhà

Thủy đậu được coi là bệnh lý truyền nhiễm lành tính, ít gây ra các tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh nếu được thực hiện chăm sóc và hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà đúng cách, khoa học:

  • Uống nhiều nước từ nước lọc, nước ép trái cây, canh, cháo và súp, đặc biệt khi bệnh nhân mắc thủy đậu có hiện tượng sốt, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, khó chịu. Nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ em, trẻ sơ sinh đang bú mẹ, nên cho trẻ bú sữa nhiều hơn và thường xuyên hơn để thúc đẩy quá trình hydrat hóa, giúp hồi phục năng lượng và tăng cường sức đề kháng hiệu quả cho người bệnh
  • Giữ móng tay ngắn gọn và sạch sẽ, đối với trẻ em nên đeo bao tay hoặc tất khi ngủ để hạn chế tối đa trường hợp cào/gãi/cấu/chà xát lên da khi cảm thấy ngứa ngáy. Điều này có thể khiến tình trạng vết thương trở nên nghiêm trọng hơn, nhiễm trùng khó phục hồi.
  • Mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và thường xuyên tắm rửa cơ thể sạch sẽ, nhẹ nhàng với nước mát để cơ thể luôn sạch sẽ, hạn chế tích tụ mồ hôi và bụi bẩn gây viêm nhiễm tổn thương. Có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc  kết hợp thêm các loại thuốc bôi giúp giảm ngứa, hỗ trợ quá trình điều trị thủy đậu tại nhà hiệu quả và thuận lợi hơn.
  • Khử khuẩn sạch sẽ và cẩn thận những vật dụng cá nhân có tiếp xúc với vết thương ngoài da của người bệnh như chăn, ga giường, gối, nệm, dụng cụ ăn uống, quần áo, không gian sinh sống và tĩnh dưỡng,… để ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác và hạn chế tình trạng nhiễm trùng phụ lên vết thương khi những vật kém vệ sinh tiếp xúc với thương tổn ngoài da của người bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách hiệu quả, Bộ Y tế khuyến nghị cộng đồng thực hiện các biện pháp sau:

  • Tránh tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh thủy đậu để ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh từ người bệnh sang người lành, vì thủy đậu có khả năng lây lan vô cùng nhanh chóng thông qua đường hô hấp và qua các tiếp xúc lên dịch viêm trên các vùng da sang thương do thủy đậu gây ra.
  • Những người mắc bệnh thủy đậu cần nghỉ học hoặc nghỉ làm, chú ý cách ly với cộng đồng, không tiếp xúc với người khác từ 7 – 10 ngày kể từ khi phát hiện những dấu hiệu ban đỏ đầu tiên trên cơ thể để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với những vật thể nghi ngờ có chứa mầm bệnh và tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt là khi không biết rõ ràng về tình trạng sức khỏe của người đó. Chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý để vô khuẩn cho đường hô hấp trên và vùng niêm mạc họng, giúp hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh thủy đậu.
  • Duy trì thói quen vệ sinh môi trường sống và sinh hoạt cùng các vật dụng thường xuyên tiếp xúc bằng các chất sát khuẩn chuyên dụng ít nhất 2 tuần/lần để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường xung quanh.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi (đối với vắc xin Varilrix) hoặc trẻ từ 12 tháng tuổi (đối với vắc xin Varivax và Varicella) và người lớn, phụ nữ mang thai để chủ động kích thích cơ thể sinh miễn dịch đặc hiệu với VZV, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thủy đậu hiệu quả lên đến 90%. Nếu chẳng may mắc bệnh, diễn biến bệnh lý cũng nhẹ hơn rất nhiều, xuất hiện rất ít các phát ban và mụn nước thủy đậu, thời gian hồi phục nhanh chóng và hầu như không xảy ra tình trạng biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo

  1. http://vnvc.vn
  2. http://bvbnd.vn
  3. http://vncdc.gov.vn

BS DƯƠNG QUỐC HIỀN

Trưởng khoa Truyền nhiễm- BV ĐKTT An Giang

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)