Xơ gan có nguy hiểm không? Cách điều trị như thế nào?

1/ Định nghĩa: Xơ gan là một bệnh mạn tính của gan được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ, sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến mất chức năng gan. Các nguyên nhân thường gây ra xơ gan bao gồm: uống và nghiện rượu, viêm gan siêu vi B và C và gan nhiễm mỡ.

Theo tổ chức Y Trên thế giới mỗi năm có hơn 20.000 người chết vì bệnh gan mạn tính và xơ gan, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 10 đối với đàn ông và thứ 12 đối với phụ nữ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang hàng năm tiếp nhận hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến gan như: Viêm gan B, viêm gan C, gan nhiễm mỡ, xơ gan…Trong số những nguyên nhân gây xơ gan thì xơ gan do rượu chiếm hơn một nửa số ca tử vong. Hiện nay rượu và virút viêm gan là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh xơ gan. Xơ gan gây ra rất nhiều biến chứng trong đó có khoảng 30% người xơ gan bị biến chứng chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản. Ngoài ra, xơ gan còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như nhiễm trùng dịch ổ bụng, bệnh não do gan, ung thư gan…

Các nguyên nhân gây bệnh xơ gan

2/ Các giai đoạn tiến triển của bệnh Xơ gan:

Ở mỗi giai đoạn xơ gan lại có những triệu chứng khác nhau:

Giai đoạn 1: Giai đoạn này không có dấu hiệu gan bị tổn thương. Tuy nhiên, gan đã bắt đầu bị viêm. Do các tế bào gan bị viêm liên tục nên gan tự cố gắng đảo ngược lại quá trình này và hình thành sự xơ hóa. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng tại giai đoạn này, rất khó để hiểu vấn đề gì đang xảy ra với gan. Mặc dù gan bị tổn thương nhưng bệnh nhân thường không có dấu hiệu đáng chú ý vì sự xơ hóa là chưa nhiều. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nếu được điều trị đúng cách gan vẫn có thể hồi phục và trở lại như bình thường.

Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này áp lực tĩnh mạch cửa đang tăng dần. Các mô xơ hóa xuất hiện nhiều hơn. Cần phải loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể làm tăng cơ hội khỏi bệnh.

Giai đoạn 3: Tại giai đoạn 3, bệnh nhân xuất hiện hiện tượng “cổ trướng”. Lượng dịch tại ổ bụng tăng nhanh báo hiệu gan đã bị xơ hóa rất nhiều. Giai đoạn này gan không thể trở lại bình thường, ghép gan thường được đề xuất để chữa khỏi bệnh nhưng thực tế rất hiếm có trường hợp thực hiện “ghép gan” tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, có rất nhiều dấu hiệu đáng chú ý bao gồm: Ăn không ngon. sụt cân nhanh, mệt mỏi, bối rối, da vàng, nhợt nhạt, thở nhanh. Viêm da, ngứa không hồi phục. Đường huyết tăng giảm thất thường. Phù chân, mắt cá. Dấu hiệu sang giai đoạn cuối.

Giai đoạn 4: Bước vào giai đoạn này, quá trình xơ hóa đã xảy ra hoàn toàn trên gan. Các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan hay tăng áp lực tĩnh mạch cửa (xuất huyết tiêu hóa do dãn vỡ tĩnh mạch thực quản – nôn ra máu là một trong những biến chứng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân). Một vài triệu chứng khác có thể gặp như: Mệt mỏi về tinh thần, rất buồn ngủ, lòng bàn tay son, tính cách thay đổi, suy thận và dẫn tới thiểu niệu, sốt cao…

Ảnh minh họa về bệnh xơ gan

3/ Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh Xơ gan?

–  Phát hiện qua triệu chứng

Bệnh nhân thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Nhưng theo thời gian khi gan bị tổn thương nặng hơn, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng bệnh xơ gan. Bệnh nhân còn có những sự thay đổi về trí tuệ, ví dụ như gặp các vấn đề về sự tập trung hay trí nhớ. Nếu phụ nữ mắc bệnh xơ gan, bệnh nhân có thể không còn kinh nguyệt. Nếu bệnh nhân là nam giới, có thể mất khả năng quan hệ tình dục, giảm ham muốn…

Một số triệu chứng khác bệnh nhân có thể gặp như: Nôn ra máu yếu cơ, nước tiểu màu vàng sậm, sốt. Bệnh về xương, chảy máu chân răng… Khám sức khỏe định kỳ là phương pháp tốt nhất phát hiện các vấn đề về gan.

– Phát hiện qua nguyên nhân

Bệnh gan tiến triển thành xơ gan phải trải qua một thời gian dài. Những nguyên nhân gây bệnh xơ gan thường gặp bao gồm: Uống rất nhiều rượu, viêm gan mạn tính như viêm gan B hay viêm gan C, gan nhiễm mỡ…

– Qua các xét nghiệm

Do bệnh gan khi đã tiến triển thành xơ gan thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và thường tiên lượng bệnh sẽ rất xấu. Do đó, cách tốt nhất là nên Sàng lọc gan mật định kỳ 1 năm ít nhất 2 lần. Chi phí bỏ ra cho việc khám định kỳ sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc điều trị bệnh về gan. Phát hiện ra nguyên nhân gây tổn thương gan sẽ đóng vai trò quan trọng trọng việc định hướng điều trị.

  • Kiểm tra máu: Xét nghiệm máu (men gan) có thể sẽ cho bác sĩ biết bệnh nhân đang gặp vấn đề gì về gan.
  • Hình ảnh: Siêu âm bụng tổng quát là phương tiện chẩn đoán hình ảnh phổ biến sẽ chỉ ra gan bị tổn thương hay không.
  • Sinh thiết gan: Bác sẽ sẽ lấy một mô mẫu từ gan, sau đó mang đến phòng thí nghiệm rồi phân tích mẫu sinh thiết gan đó của bệnh nhân. Đây là một xét nghiệm có độ tin cậy rất cao.

4/ Điều trị bệnh xơ gan:

  • Điều trị bệnh xơ gan phụ thuộc vào tình trạng tổn thương gan của bệnh nhân. Mục tiêu của việc điều trị là làm chậm quá trình xơ quá tại gan, giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng của xơ gan. Điều trị bệnh xơ gan thường theo nguyên nhân gây bệnh.
  • Điều trị xơ gan do rượu: Bệnh nhân mắc xơ gan do uống quá nhiều rượu nên dừng việc uống rượu. Nếu việc ngừng uống rượu là quá khó đối với bệnh nhân, bác sĩ có thể tư vấn liệu trình cai rượu.
  • Giảm cân: Nếu bệnh nhân xơ gan không do rượu mà do gan nhiễm mỡ, tình trạng bệnh có thể cải thiện nếu bệnh nhân giảm được cân và kiểm soát được lượng đường huyết.
  • Thuốc điều trị bệnh gan: Một số thuốc có thể làm ngăn ngừa quá trình tổn thương tế bào gan do viêm gan B và viêm gan C.
  • Thuốc kiểm soát triệu chứng xơ gan: Một số thuốc có thể làm chậm quá trình diễn biến bệnh xơ gan.

5/ Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân Xơ gan.

          – Xơ gan còn bù:

Protid (đạm): Nên dùng các loại đạm có giá trị sinh học cao, đạm quý, ít béo như: Thịt lợn nạc, gà nạc, cá nạc, trứng, sữa bột tách bơ. Đặc biệt là các loại đỗ và chế phẩm từ đậu đỗ.

 Giảm chất béo: Người bệnh gan cần giảm các chất béo động vật, hạn chế ăn các món rán. Nên dùng dầu thực vật, bơ (không nấu ở nhiệt độ cao).

Glucid (đường): Tăng cường chất bột, đường dễ hấp thu như gạo, khoai củ, đường glucose, mật ong, các loại quả ngọt. Tránh các loại bánh kẹo nhiều bơ sữa béo, mứt, nước ngọt.

 Tăng cường các loại rau xanh và quả chín: Mỗi ngày cần cung cấp đủ 300 – 400g rau xanh và 200g quả chín: nên chọn các loại lá xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau cải, rau dền, cà rốt, cà chua, bí đỏ, giá đỗ, các loại quả như cam, quýt, xoài, đu đủ chín… Bổ sung đầy đủ lượng nước: 1,5-2l/ngày.

– Xơ gan cổ trướng: Giảm lượng đạm, tăng đạm quý (có acid amin mạch nhánh- BCAAs), giảm muối, tăng chất xơ trong rau xanh, trái cây hay chất xơ thô để nhuận tràng sao cho đi ngoài 2-3 lần/ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây còn làm tăng kali cho bệnh nhân. Đảm bảo lượng nước uống 1-1,2l/ngày nên dùng các thức uống, đồ ăn có tính lợi mật, nhuận gan như: lá trà xanh, lá cây nhọ nồi, nhân trần, Actiso… Táo bón ở bệnh nhân xơ gan mất bù: là triệu chứng thường xảy ra ở bệnh nhân xơ gan và gây hậu quả nặng nề, đó là hội chứng não – gan (hôn mê gan).

Bệnh xơ gan hay xảy ra biến chứng và việc điều trị biến chứng trên nền bệnh nhân xơ gan rất phức tạp và đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị cũng như làm tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc để các bệnh lý về gan phát triển thành bệnh xơ gan là việc rất nguy hiểm và gây rất nhiều khó khăn cho các bác sĩ để điều trị. Cách tốt nhất là phát hiện sớm về điều trị triệt để các vấn đề về gan khi còn chưa phát triển quá nhanh.

BS. Nguyễn Thị Thủy Ngọc, Khoa Nội tiêu hóa huyết học

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)