Xét nghiệm máu dương tính với Helicobacter Pylori có ý nghĩa gì?

Ngày nay, cùng với sự phát triển của internet và nhiều lĩnh vực khoa học khác, y tế cũng có nhiều bước phát triển đáng kể trong chẩn đoán, điều trị cũng như các vấn đề liên quan truyền thông, giáo dục sức khoẻ. Người bệnh ngày một quan tâm hơn đến sức khoẻ của bản thân và dễ tiếp cận những nguồn thông tin khổng lồ. Chính vì vậy, để hiểu đúng một vấn đề sức khoẻ, tránh gây lo lắng không cần thiết đôi khi còn rất nhiều khó khăn. Một trong số đó có vấn đề “xét nghiệm máu dương tính với Helicobacter Pylori”.

Kháng thể là một protein miễn dịch được cơ thể tạo ra “sau” khi tiếp xúc với sinh vật gây hại, giúp bắt giữ và tiêu diệt vi khuẩn có hại, bảo vệ cơ thể. Kháng thể sẽ tồn tại lâu dài trong cơ thể người bệnh mặc dù vi khuẩn đã không còn.

Trong các phương pháp chẩn đoán nhiếm Helicobacter Pylori, xét nghiệm mẫu máu của bệnh nhân là một trong những test “không xâm lấn” nhầm tìm ra “kháng thể IgG kháng Helicobacter Pylori”. Kháng thể này xuất hiện khoảng sau 3 tuần bị nhiễm HP

(Helicobacter Pylori) và vẫn có thể phát hiện nhiều năm sau đó. Trước khi đi sâu hơn, chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về các phương pháp chẩn đoán nhiễm HP.

Các phương pháp chẩn đoán nhiễm HP có 2 nhóm:

  1. Test xâm lấn: tất cả các test xâm lấn đều cần phải nội soi dạ dày để thực hiện

Test urea nhanh: đây là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Người bệnh được nội soi dạ dày, lấy sinh thiết và dựa vào sự thay đổi màu sắc của chất chỉ thị pH khi phản ứng với ammoniac được tạo ra bởi men urease của HP. Các nghiên cứu đã chỉ ra độ nhạy và độ đặc hiệu cao ≥90% và tạo ra kết quả nhanh chóng (trong vòng 5 phút ở một số thử nghiệm). vì tính chất dễ sử dụng nên đây là phương pháp chẩn đoán đầu tiên khi kết hợp với nội soi

a.Mô bệnh học: cần nội soi làm sinh thiết 6 mẫu mô ở các vị trí khác nhau kể cả vị trí nghi ngờ tổn thương hoặc loét. Đây là xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu chênh lệch khá xa nhau ~60-100% và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: (1) phương pháp nhuộm, (2) vị trí, (3) kích thước, (4)chất lượng mẫu bệnh phẩm, (5) kinh nghiệm phân tích của nhà giải phẫu bệnh.

b.Nuôi cấy vi khuẩn: độ đặc hiệu 100%, tuy nhiên rất khó thực hiện và độ nhạy thấp so với test urea nhanh, đòi hỏi phòng thí nghiệm phải có trang thiết bị tốt. Chủ yếu áp dụng trong trường hợp vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân thất bại với 02 phác đồ điều trị HP

c.Sinh học phân tử (PCR): ít được sử dụng do đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và chi phí cao. Có thể thực hiện qua xâm lấn (lấy mô dạ dày) hoặc không xâm lấn (nước bọt, phân…)

2. Test không xâm lấn: không cần phải nội soi dạ dày

a. Test ure hơi thở: đây là phương pháp khá phổ biến hiện nay, dễ thực hiện và có độ nhạy độ đặc hiệu ~95%. Người bệnh sẽ được đo sự khác biệt về tỷ lệ 13C/14C trong hơi thở trước và sau khi uống ure được đánh dấu bằng carbon phóng xạ.

b.Xét nghiệm kháng nguyên HP trong phân: đây được xem là một phương pháp chẩn đoán chính xác và chi phí thấp, tuy nhiên độ nhạy không cao

c.Xét nghiệm huyết thanh: đây là vấn đề chính mà chúng ta đang bàn. Do tính chất “không xâm lấn” và “ không bị ảnh hưởng bởi PPI và kháng sinh gần đây” nên có thể sử dụng xét nghiệm bất kỳ khi nào. Người bệnh có thể dễ dàng đến cơ sở xét nghiệm tư nhân hoặc trong 1 lần tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khoẻ. Do đây là xét nghiệm tìm kháng thể kháng lại HP, nên chỉ mang ý nghĩa “bệnh nhân đã từng nhiễm HP”, điều đó không nói lên rằng hiện tại HP đang có mặt tại dạ dày của chúng ta và không phải tất cả những người nhiễm HP đều phải điều trị. Do đó, không dùng xét nghiệm này để đưa ra quyết định điều trị cũng như theo dõi hiệu quả điều trị HP.

Qua đó, bạn sẽ cần phải làm gì khi tình cờ trong lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ, nhận một kết quả xét nghiệm máu dương tính với HP? Đừng vội quá lo lắng, đừng tự ý mua các bộ KIT điều trị HP, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn rõ hơn, làm thêm xét nghiệm (nội soi dạ dày làm test urea nhanh hoặc test hơi thở đánh dấu carbon phóng xạ – 2 phương pháp phổ biên nhất hiện nay) nhầm tránh điều trị không cần thiết, tăng mức độ kháng thuốc với HP và tăng tỷ lệ ung thư dạ dày.

BS CKI NGUYỄN PHONG PHÚ

KHOA NỘI TIỆU HOÁ HUYẾT HỌC

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)