Viêm phổi mắc phải cộng đồng

VIÊM PHỔI MẮC PHẢI CỘNG ĐỒNG

BS.CKII.Trương Văn Lâm

(Trưởng Khoa Nội tổng hợp-BVĐKTTAG)

I. ĐẠI CƯƠNG

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng (VPMPCĐ) là tình trạng nhiễm khuẩn của nhu mô phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện, tổn thương chủ yếu là viêm, xuất tiết ở nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận cùng hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi, căn nguyên do vi khuẩn, virus, nấm, nhưng không phải do trực khuẩn lao. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 450 triệu người mắc viêm phổi và có khoảng 4 triệu người chết do bệnh này. Ở Việt Nam, VPMPCĐ là một bệnh nhiễm trùng có xu hướng tăng nhanh dần theo thời gian .
Hiện nay việc chẩn đoán và điều trị viêm phổi đang trở nên phức tạp do sự tăng lên của các yếu tố nguy cơ gây bệnh, sự xuất hiện của những tác nhân gây bệnh mới trong cộng đồng và sự biến đổi và sự kháng thuốc của vi khuẩn thường gặp (như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Staphylococcus aureus…). Việc phân lập vi khuẩn và tìm hiểu đặc điểm vi khuẩn học trong VPMPCĐ có giá trị định hướng căn nguyên gây bệnh, giúp chọn kháng sinh hợp lý và hiệu quả hơn; qua đó nâng cao chất lượng khám chứa bệnh và điều trị VPMPCĐ cho bệnh nhân.

II. NGUYÊN NHÂN

Viêm phổi chủ yếu là vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác. Thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng),  Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae,Legionella pneumophila trực khuẩn Gram âm đường ruột…

Ngoài ra, virus như virus cúm thông thường, virus cúm gia cầm… cũng đều có thể là nguyên nhân gây viêm phổi nặng

III. TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN VIÊM PHỔI

Theo hiệp hội lồng ngực Mỹ và hội nhiễm trùng Mỹ năm 2009

– Một tổn thương mới xuất hiện trên phim chụp xquang ngực, tổn thương 1 hoặc 2 bên phổi

– Bệnh nhân có kèm theo một hoặc nhiều các biểu hiện cấp tính của đường hô hấp như:

+ Ho: mới xuất hiện hoặc gia tăng, có thể ho khan hoặc ho đàm

+ Khạc đàm với sự thay đổi tính chất và màu sắc của đàm (đục, xanh, vàng)

+ Khó thở

+ Sốt trên 38oC hoặc có thể hạ nhiệt độ (36oC)

+ Khám phổi có hội chứng đông đặc hoặc có ran ẩm, ran nổ.

* Viêm phổi mắc phải cộng đồng:  Là những trường hợp nhiễm khuẩn phổi xảy ra ở ngoài cộng đồng, hoặc không ở bệnh viện trong vòng ít nhất 2 tuần lễ trước đó, mới xuất hiện.

IV. TIÊU CHUẨN PHÂN LOẠI NẶNG

1. Xếp loại ngay khi nhập viện: bệnh nhân được xếp loại nặng dựa CURE 65 theo các tiêu chuẩn sau

  • Tuổi trên 65.
  • Giảm tri giác mới xuất hiện: ý thức u ám, nói chuyện lẫn lộn, tiểu không tự chủ.
  • Nhịp thở tăng > 30 lần/phút
  • Huyết áp tối đa < 90mmHg, hoặc huyết áp tối thiểu < 60mmHg.
  • Urê > 7mmol/l.

2. Phân nhóm bệnh nhân:

Nhóm 1:Viêm phổi nhẹ CURB 65:0-1:Có thể điều trị ngoại trú Nếu không có triệu chứng nào kể trên.

Nhóm 2:Viêm phổi trung bình CURB 65: 2: điều trị tại khoa nội.

Nhóm 3:Viêm phổi nặng CURB 3-5: điều trị tại khoa ICU

V. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc chung:

  • Xử trí tùy theo mức độ nặng
  • Điều trị triệu chứng
  • Điều trị Nguyên nhân: lựa chọn kháng sinh theo căn nguên gây bệnh, nhưng ban đầu thường theo kinh nghiệm lâm sàng.

Thời gian dùng kháng sinh: 7-10 ngày các tác nhân điển hình, 10-14 tác nhân không

VI. PHÒNG NGỪA VIÊM PHỔI

Bệnh viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Chính vì thế, việc phòng ngừa bệnh là hết sức cần thiết. Sau đây là một số cách phòng ngừa viêm phổi đơn giản, hiệu quả:

  • Xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày cân bằng và đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe cho cơ thể
  • Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài giúp tránh hít phải bụi bẩn, khói xe, không khí ô nhiễm…
  • Giữ phòng, nhà cửa luôn sạch sẽ để vi khuẩn, nấm mốc không có điều kiện sinh sôi, phát triển
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc lá, khói bụi
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính
  • Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp
  • Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã
  • Tiêm vắc xin phế cầu phòng ngừa viêm phổi, tiêm vắc xin phòng cúm, đặc biệt người cao tuổi có bệnh lý mạn tính như COPD, suy tim mạn…
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)