Viêm màng não mủ hay còn gọi là viêm màng não vi trùng, là tình trạng nhiễm khuẩn màng não ( bao gồm màng não và khoang dưới nhện) do các tác nhân gây bệnh có khả năng gây viêm và sinh mủ (chủ yếu là vi khuẩn)
Hậu quả của viêm màng não mủ có thể rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, thần kinh và vận động của người bệnh.
Nhiều người thường nghĩ viêm màng não mủ là “bệnh của trẻ con” vì bệnh thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người lớn cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Vi khuẩn gây bệnh không phân biệt lứa tuổi, chúng có thể tấn công bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Do đó, người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mủ và có thể gặp biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các triệu chứng của viêm màng não mủ thường khởi phát đột ngột như: sốt cao, đau đầu, nôn ói, cứng gáy, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng…
Những người bị viêm màng não mủ nặng thường có biểu hiện như lú lẫn, mê sảng, kích thích hoặc co giật và có nguy cơ cao rơi vào tình trạng nguy kịch. Bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh, dẫn đến các biến chứng như viêm não, áp xe não, mất thính lực, động kinh… Những di chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có thể tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Việc phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị nhằm hạn chế tử vong và dị chứng.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ kể trên, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán như công thức máu, CRP, điện giải đồ, cấy máu và quan trọng nhất là chọc dò dịch não tuỷ để xét nghiệm sinh hoá và vi sinh.
Chọc dò dịch não tủy là thủ thuật mang tính quyết định để chẩn đoán xác định. Đây là một thủ thuật xâm lấn và vô trùng. Cần tiến hành chọc dịch não tuỷ sớm ngay khi thăm khám có nghi ngờ viêm màng não mủ. Vị trí chọc dịch não tủy hay sử dụng nhất trên lâm sàng là vùng cột sống thắt lưng ngang mức L4- L5. Bác sĩ sử dụng kim chuyên biệt chọc vào khoang dịch não tủy để lấy dịch não tủy.
Dịch não tủy sẽ được đánh giá qua quan sát bằng mắt thường, xét nghiệm sinh hoá và vi sinh. Trong viêm màng não mủ, dịch não tuỷ đục như nước vo gạo hoặc như mủ. Soi hoặc cấy dịch não tuỷ xác định được vi khuẩn gây bệnh.
Ba loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ hay gặp nhất là: phế cầu (Streptococcus pneumonia), Haemophilus influenza tuýp b, não mô cầu (Neisseria meningitidis). Ngoài ra còn có thể gặp các vi khuẩn khác: Escherichia coli, Listeria monocytogenes, streptococcus nhóm B, tụ cầu (Staphylococcus aureus)…
Tác nhân gây viêm màng não do vi khuẩn theo nhóm tuổi
Nhóm tuổi | Vi khuẩn |
---|---|
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ | Liên cầu nhóm B, đặc biệt là Streptococcus agalactiae
Escherichia (E.) coliEscherichia coli Listeria monocytogenes, Staphylococcus aureus |
Trẻ sơ sinh lớn tuổi, trẻ em và thanh niên | Neisseria meningitidis
Streptococcus pneumoniae Staphylococcus aureus* Haemophilus influenzae (hiếm gặp ở các nước phát triển nhưng vẫn thấy ở các nước chưa được tiêm vaccin H. influenzae nhóm B một cách rộng rãi) |
Người lớn trung niên | S. pneumoniae
S. aureus* N. meningitidis (ít phổ biến ở nhóm tuổi này) |
Người cao tuổi | S. pneumoniae
S. aureus* L. monocytogenes Vi khuẩn gram âm |
* S. aureus đôi khi gây viêm màng não nghiêm trọng ở mọi lứa tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm màng não ở những bệnh nhân có vết thương xuyên thấu ở đầu.
Viêm màng não mủ cần tiến hành điều trị sớm, theo dõi chặt chẽ để thay đổi điều trị thích hợp và xử trí nhanh chóng các biến chứng. Điều trị gồm có hai phần chính: điều trị đặc hiệu và điều tị nâng đỡ.
Điều trị đặc hiệu: sử dụng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Cần kết hợp chẩn đoán căn nguyên và điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh sớm. Kháng sinh thường được chỉ định ngay sau khi chọc dịch não tủy nếu nghi ngờ viêm nàng não mủ. Một số tình trạng bệnh nhân chưa cho phép chọc dịch não tủy thì vẫn tiến hành điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm được lựa chọn dựa vào tần suất gây bệnh của các loại vi khuẩn, khả năng thấm qua hàng rào máu não, ít gây tác dụng phụ. Sau khi có kết quả kháng sinh đồ thì điều trị theo kháng sinh đồ. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 10 ngày đến 3 tuần tùy theo tác nhân gây bệnh.
Điều trị nâng đỡ bao gồm: Bảo đảm thông khí: tư thế phù hợp, hút đờm dãi, cung cấp đủ oxy; Hạ sốt: cởi bớt quần áo, lau mát, sử dụng thuốc paracetamol, thuốc an thần (nếu có sốt co giật); Chống phù não; Cân bằng nước-điện giải; Đảm bảo dinh dưỡng, đề phòng và chống loét tì đè do nằm lâu, tập vật lý trị liệu.
Một số trường hợp viêm màng não mủ có biến chứng nặng như áp xe não cần được xử trí bằng phương pháp phẫu thuật.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh Viêm màng não mủ:
- Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh nhiễm trùng tai – mũi – họng.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nơi ở thoáng mát, sạch sẽ
- Vệ sinh tai – mũi – họng hằng ngày
- Tiêm phòng vắc xin viêm màng não mủ. Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc xin viêm màng não mủ do não mô cầu, phế cầu khuẩn và Haemophilus influenzae type B.
Vắc xin phế cầu: Hiện có 3 loại vắc xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn được sử dụng chủ yếu tại nước ta là Synflorix (phế cầu 10), Prevenar 13 (phế cầu 13) và vắc xin Pneumovax 23 (Mỹ). Lịch tiêm các loại vắc xin phế cầu như sau:
Tên vắc xin | Vắc xin Synflorix (Bỉ) | Vắc xin Prevenar 13 (Bỉ) | Vắc xin Pneumovax 23 (Mỹ) |
Hãng sản xuất | Glaxosmithkline (GSK) | Pfizer (Mỹ) | MSD (Mỹ) |
Đối tượng | Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và trước sinh nhật lần thứ 6 | Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn | Trẻ em từ 2 tuổi trở lên, thanh thiếu niên và người lớn |
Lịch tiêm trẻ em | Vắc xin phòng bệnh do phế cầu dành cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tháng tuổi có lịch tiêm:
* Lịch tiêm gồm 4 mũi:
Hoặc:
Vắc xin phòng bệnh do phế cầu dành cho trẻ từ 7-11 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó) có lịch tiêm: *Liệu trình tiêm gồm 3 mũi:
Vắc xin phòng bệnh do phế cầu dành cho trẻ từ 12 tháng đến trước sinh nhật lần thứ 6 (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó) có lịch tiêm: *Liệu trình tiêm gồm 2 mũi:
|
Từ 6 tuần tuổi đến dưới 7 tháng tuổi: Lịch tiêm gồm 4 mũi:
(Mũi 4 cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng, khi trẻ 11-15 tháng tuổi). Từ 7 tháng đến dưới 12 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó): Lịch tiêm gồm 3 mũi:
(Mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng, khi trẻ trên 1 tuổi) Từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tuổi (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó): Lịch tiêm gồm 2 mũi:
Với trẻ từ 24 tháng đến người lớn (chưa từng được tiêm phòng vắc xin trước đó hoặc chưa từng tiêm vắc xin Pneumo 23) có lịch tiêm 01 mũi. |
Lịch tiêm cơ bản:
Lịch tiêm chủng lại: Người có nguy cơ cao mắc bệnh phế cầu xâm lấn (≥2 tuổi): tiêm chủng lại 5 năm sau liều cơ bản hoặc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
|
Mỗi loại vaccine phế cầu có ưu điểm riêng. Phế cầu 10 có tác dụng đặc hiệu hơn trong phòng ngừa bệnh lý viêm tai giữa ở trẻ nhỏ. Trong khi phế cầu 13, người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi tiêm duy nhất để phòng ngừa hiệu quả các bệnh nguy hiểm do phế cầu: viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… Nếu bé đã tiêm đầy đủ vắc xin phế cầu 10 trước đây, khi lớn lên vẫn có thể tiêm tiếp vắc xin phế cầu 13 để phòng được 3 chủng huyết thanh còn lại có trong vắc xin.
Ai nên tiêm vắc xin phế cầu?
Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn nên tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm do phế cầu. Vắc xin phế cầu dành cho nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nhiễm trùng do phế cầu khuẩn cần được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các bệnh lý, biến chứng, di chứng do phế cầu gây ra. Các đối tượng đó bao gồm: người cao tuổi trên 65, người có hệ miễn dịch yếu, người có bệnh nền tim mạch, tiểu đường, viêm phổi, hen suyễn, hoặc người suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS, do cấy ghép tạng, bệnh nhân ung thư, người nghiện rượu nặng.
Bên cạnh chú trọng tiêm phòng cho các đối tượng nguy cơ cao, cần tiêm vắc xin đầy đủ cho mọi thành viên trong gia đình, từ trẻ nhỏ, ba, mẹ, thậm chí người trông trẻ cũng nên tiêm phế cầu để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ. Đó là cách xây dựng miễn dịch cộng đồng. Vào mùa lạnh, phế cầu khuẩn hoạt động mạnh, tỷ lệ mắc bệnh cao, cần tăng cường tiêm phòng phế cầu cho các đối tượng chưa được tiêm trước đó.
Vắc xin não mô cầu:
Vắc xin VA-Mengoc BC là vắc xin phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B, C được Finlay Institute nghiên cứu và sản xuất tại Cuba với công nghệ túi màng ngoài. Đây là loại vắc xin được sử dụng để phòng chống vi khuẩn não mô cầu nhóm B+C từ năm 1980 và được áp dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Đối tượng được chỉ định tiêm là trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi. Lịch tiêm vắc xin VA-Mengoc BC bao gồm 2 mũi cách nhau 6-8 tuần. Vắc xin VA-Mengoc BC chứa 1 thành phần kháng nguyên nhóm B, phổ bảo vệ hẹp hơn so với vắc xin Bexsero.
Vắc xin viêm màng não não mô cầu nhóm B (Bexsero) là vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới do hãng dược phẩm hàng đầu thế giới GSK sản xuất tại Ý. Một trong những điểm nổi bật của vắc xin Bexsero đó là đối tượng tiêm chủng rộng, bé từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi đã có thể tiêm phòng bệnh với hiệu quả bảo vệ lên đến 95%. Lịch tiêm vắc xin Bexsero cụ thể như sau:
- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tháng tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng, mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 6 tháng khi trẻ >=12 tháng tuổi.
- Trẻ tròn 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng, và mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 2 tháng khi trẻ >= 12 tháng tuổi.
- Trẻ từ tròn 1 tuổi đến dưới 2 tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 02 tháng và mũi nhắc lại sau mũi 2 là 12 tháng.
- Người từ 2 tuổi đến 50 tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau 01 tháng.
Vắc xin viêm màng não não mô cầu nhóm A, C, Y, W (Menactra). Vắc xin Menactra (Mỹ) là vắc xin phòng ngừa bệnh do vi khuẩn não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135 do hãng dược uy tín thế giới Sanofi Pasteur sản xuất tại Mỹ. Khi trẻ đến 9 tháng tuổi, ba mẹ cần đưa bé đi tiêm vắc xin Menactra để bảo vệ toàn diện cho bé. Lịch tiêm vắc xin Menactra cụ thể như sau:
*Tiêm chủng cơ bản:
- Trẻ từ 9 tháng đến 23 tháng tuổi tiêm 2 liều cách nhau 3 tháng.
- Trẻ tròn 24 tháng đến 55 tuổi tiêm 1 liều duy nhất.
*Tiêm chủng nhắc lại: Liều nhắc lại có thể được áp dụng cho nhóm tuổi từ 15 – 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu khuẩn và cách liều tiêm trước ít nhất 4 năm
Vắc xin Haemophilus Influenzae type B, hiện tại có các loại vắc xin phòng bệnh do HIB như sau:
- Vắc xin Pentaxim 5 trong 1, phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi-viêm màng não do HIB.
- Vắc xin Infanrix Hexa 6 trong 1, phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB.
Cả 2 loại vắc xin Pentaxim, Infanrix Hexa đều được tiêm vào thời điểm trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc vào lúc trẻ 16-18 tháng. Các loại vắc xin phối hợp sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ và tiết kiệm thời gian cho gia đình trẻ.
- Vắc xin Quimi-Hib (được dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi).
Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay dịch vụ đều có các vắc xin phối hợp 5 trong 1 (Quinvaxem, Pentaxim) hoặc 6 trong 1 (Infanrix Hexa), trong đó đã có thành phần HIB. Do đó, vắc xin Quimi-Hib ngừa tiêm màng não mủ chủ yếu được sử dụng làm vắc xin tiêm nhắc lại cho trẻ trên 1 tuổi (trường hợp trẻ trên 1 tuổi đã được tiêm nhắc lại mũi thứ 4 bằng vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thì không cần phải tiêm Quimi-Hib)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bush, L. M., & Vazquez-Pertejo, M. T. (2023, May 3). Pneumococcal Infections. MSD Manual Professional Edition; MSD Manuals. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/gram-positive-cocci/pneumococcal-infections
- CDC. (2024). Pneumococcal Vaccination. Pneumococcal Disease.
- de Almeida SM, Furlan SMP, Cretella AMM, et al. Comparison of Cerebrospinal Fluid Biomarkers for Differential Diagnosis of Acute Bacterial and Viral Meningitis with Atypical Cerebrospinal Fluid Characteristics. Med Princ Pract. 2020;29(3):244-254. doi:10.1159/000501925
- NHS Choices. (2024). Pneumococcal vaccine. https://www.nhs.uk/vaccinations/pneumococcal-vaccine/
- https://www.cdc.gov/pneumococcal/vaccines/index.html
- https://vnvc.vn.
- https://www.msdmanuals.com.
- Tunkel AR, Hasbun R, Bhimraj A, et al. 2017 Infectious Diseases Society of America’s Clinical Practice Guidelines for Healthcare-Associated Ventriculitis and Meningitis. Clin Infect Dis. 2017;64(6):e34-e65. doi:10.1093/cid/ciw861
BS DƯƠNG QUỐC HIỀN
TRƯỞNG KHOA NHIỄM- BVĐKTT AN GIANG