VI KHUẨN HP (Helicobacter Pylori) là gì?
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Ở môi trường acid như dạ dày, vi khuẩn HP tồn tại bằng cách tiết ra enzyme Urease giúp nó trung hòa acid trong dạ dày.
Vi khuẩn HP có thể gây đau dạ dày, biểu hiện: Đau vùng thượng vị, đau nóng rát, ợ hơi ợ chua, khó tiêu, đầy bụng, rối loạn đi tiêu. Tình trạng viêm-loét kéo dài nhiều năm sẽ có một tỷ lệ rất nhỏ bị ung thư dạ dày. Theo nghiên cứu, có khoảng 1% những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
VI KHUẨN HP LÂY QUA ĐƯỜNG NÀO?
Thông thường chúng lây qua 3 con đường sau:
Đường miệng – miệng: Đây là đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP, lây lan do tiếp xúc nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người mắc bệnh và người lành. Nếu trong gia đình có người nhiễm HP thì khả năng những người khác cũng nhiễm rất cao.
Đường phân – miệng: Vi khuẩn đào thải qua phân và là nguồn lây lan sang cộng đồng, do thói quen sinh hoạt ăn đồ sống nên có thể bị nhiễm vi khuẩn HP.
Đường khác: Có thể bị lây nhiễm do khám chung các thiết bị y tế như nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa,… Nên việc vệ sinh tiệt trùng các thiết bị y tế sau mỗi lần sử dụng cho các đối tượng khác nhau là cần thiết.
AI CÓ NGUY CƠ NHIỄM VI KHUẨN HP?
Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP. Hiện nay ước tính trên thế giới có khoảng 50% dân số nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Điều này có nghĩa rằng không phải nhiễm vi khuẩn HP đều sẽ gây bệnh dạ dày, chính vì thế không nhất thiết điều trị cho tất cả người nhiễm vi khuẩn HP.
LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH NHIỄM VI KHUẨN HP ?
Bác sĩ sẽ chỉ định cho các bạn làm một trong những xét nghiệm sau:
Nội soi dạ dày – tá tràng kèm làm phản ứng Clo test .
Test hơi thở C13.
Xét nghiệm tìm kháng nguyên vi khuẩn HP trong phân.
Xét nghiệm tìm kháng thể HP trong máu (ít được áp dụng).
Hiện bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang có đầy đủ các phương pháp có thể giúp mọi người xác định mình có nhiễm vi khuẩn HP hay không. Trong đó, phòng nội soi có thực hiện phương pháp nội soi dạ dày có sử dụng thuốc an thần, còn gọi là “nội soi không đau”, giúp quý bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn trong lúc thực hiện nội soi.
VẬY KHI NÀO CẦN ĐIỀU TRỊ DIỆT VI KHUẨN H.P ?
Theo khuyến cáo của thế giới những trường hợp dưới đây có nhiễm H.P thì cần điều trị diệt:
− Loét dạ dày
− Loét hành tá tràng
− Chứng khó tiêu: Đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị
− Thiếu máu thiếu sắt
− Xuất huyết giảm tiểu cầu không không rõ căn nguyên
− Ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật
− Ung thư dạ dày sớm được cắt hớt (Endoscopic Mucosal Resection- EMR) hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi (Endoscopic Sumucosal Dissection- ESD)
− Những người có bố, mẹ, anh em ruột bị ung thư dạ dày
− Khối u dạ dày: adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc
− Viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày
− Người làm ở môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày:khai thác than, quặng….
− Mặc dù sau khi đã được bác sỹ giải thích kỹ mà người bệnh quá lo lắng về nhiễm vi khuẩn H.P thì có thể cân nhắc diệt vi khuẩn H.P.
Có nhiều phác đồ để bác sĩ lựa chọn điều trị HP cho các bạn. Các bạn sẽ được tư vấn điều trị và lựa chọn phác đồ phù hợp với dịch tể, tình hình kháng thuốc tại địa phương. Tiêu diệt HP bằng các kháng sinh và thuốc ức chế acid dạ dày. Nếu các bạn tuân thủ theo phác đồ điều trị, vấn đề diệt HP cũng khá đơn giản.
BS NGUYỄN PHONG PHÚ
KHOA TIÊU HÓA-HUYẾT HỌC