Cochrane Database Syst Rev. 2013 Mar 28;3:CD008481. doi: 10.1002/14651858.CD008481.pub2.
Continuous versus intermittent infusions of antibiotics for the treatment of severe acute infections.
Shiu J, Wang E, Tejani AM, Wasdell M.
Source: Alberta Health Services, Edmonton, Canada.
Đặt vấn đề:
Kháng sinh phổ rộng tiêm tĩnh mạch được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của bệnh nhiễm trùng gây ra bởi các vi khuẩn đa kháng thuốc và thiếu các thuốc kháng sinh mới đã thúc đẩy việc tìm các chiến lược dùng thuốc thay thế để cải thiện hiệu quả lâm sàng và khả năng dung nạp. Để tối ưu hóa các thông số dược động học và dược lực học của kháng sinh, việc truyền kháng sinh liên tục được so sánh với truyền kháng sinh ngắt quảng truyền thống.
Mục tiêu:
Để so sánh hiệu quả lâm sàng và tính an toàn của truyền tĩnh mạch liên tục các thuốc kháng sinh phụ thuộc nồng độ và phụ thuộc thời gianvới truyền tĩnh mạch ngắt quảng truyền thống ở người lớn với bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nặng.
Phương pháp tìm kiếm:
Cơ sở dữ liệu điện tử sau đây được tìm kiếm trong tháng 9 năm 2012: Đăng ký chuyên ngành thuộc nhóm chấn thương trong Cochrane, các Thử nghiệm đối chứng (Thư viện Cochrane), MEDLINE (OvidSP), EMBASE (OvidSP), CINAHL, ISI Web of Science: SCI mở rộng, ISI Web of Science: Kỷ yếu Hội nghị Citation Index-Khoa học (CPCI-S). Các tài liệu tham khảo cho tất cả các tài liệu liên quan, Internet và các thử nghiệm đăng ký www.clinicaltrials.gov các nghiên cứu đã hoàn tất cũng như các nghiên cứu đang thực hiện cũng được tìm kiếm.
Tiêu chí lựa chọn:
Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên so sánh giữa truyền liên tục so với ngắt quảng ở người lớn với bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn được thu nhận. Cả hai loại thuốc kháng sinh phụ thuộc thời gian và phụ thuộc nồng độ đều được xem xét.
Thu thập và phân tích:
Ba tác giả độc lập thực hiện khai thác dữ liệu của các nghiên cứu. Tất cả các dữ liệu đã được kiểm tra chéo và sự bất đồng được giải quyết bằng sự đồng thuận. Phân tích kiểu phân bổ ngẫu nhiên ban đầu (intention-to-treat) và sử dụng mô hình ảnh hưởng biến thiên.
Kết quả chính:
Có 29 nghiên cứu thỏa tiêu chuẩn thu nhận với tổng cộng hơn 1.600 bệnh nhân. Đa số các nghiên cứu được cho là không rõ ràng hoặc có nguy cơ sai lệch cao trong khâu phân bổ ngẫu nhiên, làm mù, các dữ liệu với kết cục không đầy đủ, báo cáo kết cục chọn lọc, và các mối nguy cơ về đánh giá hiệu lực. Không nghiên cứu nào được đánh giá là có nguy cơ sai lệch thấp về chất lượng phương pháp nghiên cứu.
Không có khác biệt trong tất cả các nguyên nhân tử vong (n = 1241, RR 0,89, KTC 95%: 0,67 – 1,20, p = 0,45), nhiễm trùng tái phát (n = 398, RR 1.22, KTC 95%: 0,35 – 4,19, p = 0,76) , khỏi bệnh lâm sàng (n = 975, RR 1.00, 95% CI 0,93-1,08, p = 0,98), và bội nhiễm sau điều trị (n = 813, RR 1,08, KTC 95%: 0,60 – 1,94, p = 0,79). Không có khác biệt về tính an toàn bao gồm các tác dụng phụ (n = 575, RR 1,02, KTC 95%: 0.94 – 1.12, p = 0.63), các tác dụng phụ nghiêm trọng (n = 871, RR 1,36, KTC 95%: 0.80 – 2.30, p = 0,26), và phải ngưng dùng thuốc do tác dụng phụ (n = 871, RR 2.03, KTC 95%: 0,52 – 7,95, p = 0,31). Khi phân tích phân nhóm giữa bệnh nhân (BN) có và không có nhiễm khuẩn huyết cho thấy truyền tĩnh mạch ngắt quảng có cải thiện lâm sàng tốt hơn trong nhóm BN có nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, hiệu quả này không thống nhất khi phân tích bằng 2 mô hình ảnh hưởng cố định và biến thiên và cũng không có sự khác biệt khi phân tích bằng độ nhạy.
Kết luận của tác giả:
Không có khác biệt về tỷ lệ tử vong, nhiễm trùng tái phát, khỏi bệnh lâm sàng, bội nhiễm sau điều trị, và tính an toàn khi so sánh giữa truyền liên tục thuốc kháng sinh và truyền tĩnh mạch ngắt quảng. Tuy nhiên, khoảng tin cậy rộng vì vậy không thể xác định về lợi ích của việc truyền tĩnh mạch liên tục. Do đó, bằng chứng hiện nay là không đủ để khuyến cáo áp dụng rộng rãi việc truyền kháng sinh liên tục thay thế cho truyền kháng sinh ngắt quảng. Cần có nhiều thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với qui mô lớn hơn, với các báo cáo phù hợp và đầy đủ các kết cục lâm sàng, tiến hành nghiên cứu đồng thời về dược động học và dược lực học trong các quần thể đặc biệt để xác định xem việc truyền kháng sinh liên tục có được đảm bảo trong các quần thể này.
Người dịch: BS Rạng, BV An giang