Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân nằm viện lâu ngày. vấn đề nguy hiểm mà các bác sĩ chưa thật quan tâm.

Thời gian gần đây nhiều bệnh nhân vào Khoa Hồi sức trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng suy đa cơ quan sau đó tử vong, mà một trong những nguyên nhân là do có huyết trong tĩnh do bệnh nhân nằm viện lâu ngày ít vận động. Cục huyết khối sau khi về tim sẽ tỏa đi nhiều nơi và gây bệnh lý nơi đó như lên não sẽ gây đột quỵ não, lên phổi gây thuyên tắc phổi bệnh tử vong rất nhanh, cục máu đến chi gây tắc mạch nếu không phát hiện sớm chi sẽ hoại tử và phải cắt bỏ.

Tắc động mạch phổi cấp và/hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu là một biến chứng nặng của bệnh nhân điều trị ở các chuyên khoa khác nhau. Nguy cơ này đặc biệt tăng cao khi bệnh nhân phải nằm điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực. Biến chứng tắc động mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu làm tăng nguy cơ tử vong, tàn phế và chi phí điều trị của bệnh nhân lên cao hơn. Tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở khoa Hồi sức tích cực (HSTC) từ 28-32%, tỷ lệ này cao hơn ở nhóm bệnh nhân chấn thương 60%, và đặc biệt cao ở bệnh nhân đột quị 70%.

Ở Việt Nam, tác giả Huỳnh Văn Ân và cs làm khảo sát huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới bằng siêu âm Duplex trên 54 bệnh nhân nhập viện điều trị tại khoa Hồi sức tích cực vì một bệnh lý nội khoa cấp tính, kết quả siêu âm Duplex lần một sau một tuần nằm viện phát hiện 46% bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu, siêu âm lần hai sau một tuần phát hiện thêm 17% bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Tuy nhiên chẩn đoán tắc động mạch phổi / huyết khối tĩnh mạch sâu ở khoa HSTC rất khó khăn do việc khai thác và phát hiện triệu chứng bị ảnh hưởng bởi các lí do khác như: bệnh nhân thở máy, bệnh nhân sử dụng thuốc an thần, bệnh nhân hôn mê.
Theo Crowther MA, Cook DJ, Griffith LE và cộng sự, có tới 95% các trường hợp HKTMS ở khoa HSTC không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Một nghiên cứu của William Geerts và Rita Sellby về dự phòng huyết khối tĩnh mạch ở khoa ICU chỉ ra tỷ lệ tử vong do huyết khối tĩnh mạch sâu ở khoa Hồi sức tích cực được báo cáo từ 7- 27%.

Vì thế dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu luôn cần được lưu ý trong thực hành lâm sàng tại khoa HSTC. Một số nghiên cứu khảo sát tại một số đơn vị cấp cứu trong nước cho thấy việc điều trị dự phòng huyết khối với số lượng bệnh nhân còn ít cho thấy dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở các bệnh nhân ở Việt Nam còn bị coi nhẹ.

Trên thế giới, dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch đã là thường quy và nhiều hướng dẫn điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối đã được đưa ra như: khuyến cáo hội lồng ngực Mỹ năm 2012 (ACCP 2012), khuyến cáo của hội tim mạch châu Âu (ESC).

Tại Việt Nam, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng đã được hội tim mạch Việt Nam đưa ra năm 2011 và mới được cập nhật năm 2016. Vì vậy các Bác sĩ nên quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu để tránh những biến chứng nặng nề cho người bệnh như tàn phế thậm chí tử vong.

BsCKII Phạm Ngọc Kiếu

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)