Sắt là một trong những chất vi lượng có vai trò quan trọng bậc nhất để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến các mô trong cơ thể. Ở người bình thường, 90- 95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra, có 5 – 10% (1 – 2mg) lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để bù lại lượng sắt mất đi, cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng. Thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới nhưng phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn.
Nguyên nhân thiếu sắt: Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt trong đó hay gặp nhất là do:
Không cung cấp đủ nhu cầu sắt:
– Do tăng nhu cầu sắt: Trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…
– Do cung cấp thiếu: Ăn không đủ, ăn kiêng, chế độ ăn không cân đối, chế độ ăn uống của người nghiện rượu, người già…
– Do cơ thể giảm hấp thu sắt: Viêm dạ dày, viêm ruột, cắt đoạn dạ dày ruột. Do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như tanin, phytat trong chè, cà phê; nước uống có gas…
Mất sắt do mất máu mạn tính:
– Loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, polyp đường ruột… viêm chảy máu đường tiết niệu mất máu nhiều qua kinh nguyệt, sau phẫu thuật, sau chấn thương, U xơ tử cung…
– Tan máu trong lòng mạch: Bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm.
Triệu chứng:
Thiếu máu thiếu sắt xảy ra tiềm tàng, bệnh nhân có thể không biết tình trạng này cho đến khi các triệu chứng nghiêm trọng.
- Chóng mặt, tim đập nhanh.
- Móng tay dễ gãy.
- Da có màu nhạt hơn bình thường.
- Đau ngực, đau đầu.
- Khó thở.
- Tay chân lạnh.
- Đau hoặc viêm lưỡi.
- Thèm những thứ không dinh dưỡng, kỳ lạ, chẳng hạn như bụi bẩn, tinh bột hoặc nước đá… (gọi là hội chứng pica).
- Kém ăn, đặc biệt là ở trẻ em.
Xét nghiệm:
– Xét nghiệm xác định mức độ và tính chất thiếu máu: Số lượng hồng cầu, lượng huyết sắc tố và tỷ lệ hematocrit giảm, hồng cầu nhỏ, nhược sắc.
– Xét nghiệm đánh giá mức độ thiếu sắt: Sắt huyết thanh giảm, ferritin giảm, transferrin tăng, khả năng gắn sắt toàn thể tăng, độ bão hòa transferrin giảm.
– Một số xét nghiệm tìm nguyên nhân: Soi dạ dày, soi đại tràng, siêu âm ổ bụng, tìm ký sinh trùng đường ruột (trứng giun móc trong phân); CD55, CD59 (chẩn đoán bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm),…
Chẩn đoán:
Dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, trong đó thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc và xét nghiệm sinh hóa máu: Ferritin < 30ng/mL và hoặc độ bão hòa transferrin < 30%. Cần xác định nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt là do giảm cung cấp sắt hay mất sắt do mất máu hoặc do các nguyên nhân phối hợp.
Điều trị:
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của chứng thiếu máu. Thông thường, người bệnh sẽ cần bổ sung thêm sắt từ thuốc uống hoặc siro bổ sung chất sắt và sẽ được dùng ít nhất một lần mỗi ngày trong vòng 6-12 tháng.
Nếu phương pháp bổ sung sắt không làm tăng nồng độ sắt trong cơ thể của bạn, có khả năng chứng thiếu máu ở bạn là do một nguồn xuất huyết hay một vấn đề hấp thụ chất sắt mà bác sĩ sẽ cần phải chẩn đoán thêm. Tùy thuộc vào nguyên nhân, các phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt có thể bao gồm:
– Thuốc kháng sinh và các thuốc khác để điều trị loét dạ dày tá tràng;
– Phẫu thuật cắt bỏ polyp chảy máu, khối u hoặc u xơ tử cung;
– Người bệnh bị thiếu máu nặng có thể cần được truyền sắt qua tĩnh mạch hoặc truyền máu nhanh chóng.
Phòng bệnh:
– Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.
– Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, bí đỏ, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,…Tăng hấp thu sắt bằng ăn uống các loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, dứa, nho, ổi, đu đủ… khi ăn thức ăn nhiều sắt.
– Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.
– Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời.
– Tẩy giun định kỳ.
BS CKI NGUYỄN TẤN THÀNH
KHOA NỘI TIÊU HÓA- HUYẾT HỌC