Thiếu hụt vitamin ở người nghiện rượu

THIẾU HỤT VITAMIN Ở NGƯỜI NGHIỆN RƯỢU

Uống nhiều rượu có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe như viêm loét dạ dày giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, dẫn tới thiếu hụt các chất thiết yếu. Trong đó, tình trạng thiếu vitamin B1 ở người nghiện rượu là thường gặp nhất.

IMG_256

1. Nghiện rượu gây thiếu hụt vitamin

Khi uống rượu bia làm ức chế hormon chống bài tiết nước tiểu, nên gây đái nhiều từ đó gây mất nước, dinh dưỡng, vi khoáng qua nước tiểu. Những người có thói quen uống rượu trong thời gian dài thường bị rối loạn nặng trong ăn uống, dẫn đến thiếu hụt vitamin. Bên cạnh đó, rượu cũng gây ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng ở đường tiêu hóa. Các loại vitamin dễ bị thiếu hụt ở người nghiện rượu là:

  • Thiếu hụt vitamin B1: Trung bình cứ 2 người nghiện rượu thì có 1 người bị thiếu hụt vitamin B1. Vitamin nhóm B, hay B1 là được xem như vitamin để dưỡng thần kinh vì những hoạt động chuyển hóa trung gian thần kinh cần đến vitamin B1. Những triệu chứng khi thiếu vitamin B1 là triệu chứng về thần kinh bao gồm viêm đa dây thần kinh cảm giác và vận động. Nếu thiếu hụt vitamin B1 lâu dài, bệnh nhân có thể có biểu hiện suy tim. Ngoài ra, thiếu hụt vitamin B1 cũng có thể dẫn đến các bệnh như Gayet – Wernicke về não, bệnh loạn thần Korsakoff với những triệu chứng như nhìn đôi, sụp mi mắt, giảm trí nhớ, ảo giác, yếu cơ, hạ huyết áp, mạch nhanh, nhiệt độ cơ thể thấp.
  • Thiếu vitamin B2, B3: Biểu hiện là các trạng thái lo lắng, e ngại, mệt mỏi.
  • Thiếu hụt vitamin B9 (acid folic): Xảy ra khi uống nhiều rượu, có triệu chứng là thiếu máu hồng cầu to.
  • Thiếu hụt vitamin B6 (pyridoxin): Có biểu hiện viêm da tiết bã nhờn, có thể liên quan tới các rối loạn thần kinh – tâm thần ở những người nghiện rượu.
  • Thiếu hụt vitamin PP (nicotinamid): Thường xuất hiện sau các thiếu hụt vitamin kể trên, thể hiện ở nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau như ban đỏ ngoài da, viêm dạ dày, viêm lưỡi, loạn thần.
  • Thiếu hụt vitamin B12: Có thể xuất hiện nhưng khá hiếm vì thông thường cơ thể có dự trữ loại vitamin này với lượng đủ dùng trong nhiều năm và các khẩu phần bình thường có vitamin B12, đủ cho nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiện rượu lâu năm hoặc mắc một số bệnh lý khác, người nghiện rượu có thể bị thiếu hụt vitamin B12.

Khi bị thiếu bất cứ một loại vitamin nào cũng đều gây ra những rỗi loạn trong cơ thể. Vitamin cũng như các khoáng chất tham gia các chức năng cơ thể và thành phần các cấu trúc, phân tử giúp duy trì chức năng bình thường. Cụ thể, thiếu hụt nặng vitamin B1 do nghiện rượu có thể dẫn tới suy tim. Người bị thiếu vitamin B3 có thể gặp rối loạn trên toàn cơ thể, dễ mắc bệnh pellagra với biểu hiện là viêm da, tiêu chảy, tâm thần phân liệt. Thiếu vitamin C gây suy yếu sức đề kháng, thiếu magie gây chán ăn, mạch máu dễ vỡ,…

IMG_256

2. Biện pháp bổ sung vitamin cho cơ thể

Việc thiếu các loại vitamin B do nghiện rượu cần được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn theo hướng khoa học hơn và bổ sung thêm các loại vitamin này. Cụ thể:

    • Ăn ngũ cốc nguyên hạt.
    • Bổ sung ngay, đều đặn các viên uống vitamin B hoặc vitamin B1, vitamin B6. Liều vitamin B1 trong nghiện rượu cần phải đảm bảo đủ lượng thích hợp để làm giảm tình trạng thiếu hụt, tái lập lại các kho dự trữ vitamin trong các tế bào. Tuy nhiên, người bệnh chú ý không sử dụng vitamin B6 trong thời gian dài vì dùng với liều cao có thể gây bệnh về thần kinh cảm giác. Vì vậy, sau một thời gian dùng kết hợp vitamin B1 và vitamin B6, bệnh nhân chỉ sử dụng riêng vitamin B1 nếu vẫn còn các triệu chứng nhiễm độc rượu.
    • Bổ sung vitamin B9 theo từng đợt cách quãng.
    • Khi thể tích huyết cầu trung bình trở lại bình thường nhưng vẫn chưa kết luận được là đã hết nhiễm độc rượu thì bác sĩ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để cân nhắc có cần bổ sung vitamin PP hay không;
    • Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước để loại bỏ độc tố;
    • Hạn chế caffeine, thức ăn chứa đường tinh chế, bột trắng, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn,…;
    • Bác sĩ khuyến nghị nhu cầu cơ thể mỗi người mỗi ngày cần được cung cấp đủ 250mg vitamin C, 1500 mg canxi, 150mg magie và 500mg vitamin B3 từ các nguồn thực phẩm. Các loại vitamin tổng hợp hoặc khoáng chất như Centrum cũng được khuyến khích bổ sung.
    • Ngày xưa khi công nghệ chế tạo dược phẩm còn chưa phát triển, việc sản xuất vitamin nhóm B khi đóng chung với nhau nhiều loại sẽ làm các chất này tạo phản ứng với nhau nên không thể đóng chung trong một thể tích nên phải chia ra nhiều chế phẩm. Ngày nay với công nghệ dược phẩm tiên tiến, việc tiếp cận được những sản phầm vitamin đóng gói sẵn trên thị trường không khó. Ngoài việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên chúng ta có thể sử dụng các vitamin ở dạng viên sủi, gói hòa tan,…

Đặc biệt, phương pháp triệt để nhất trong việc ngăn chặn thiếu hụt vitamin ở người nghiện rượu chính là không nên uống nhiều rượu. Đồng thời, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, cai thuốc lá, cai rượu bia, không nên thức khuya và tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

BS Phan Nhật Hùng, Khoa Nội Tiêu Hóa Huyết Học

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)