Thalassemia (còn gọi là Bệnh tan máu bẩm sinh) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925, tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu vào năm 1960. Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, gây ra hệ lụy cho đời sống của người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi hiểu biết đầy đủ về bệnh và có biện pháp phòng tránh sớm.
Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 7% dân số mang gen bệnh; 1,1% các cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh; 0,27% trường hợp có thai sinh ra con bị bệnh; mỗi năm có khoảng 300.000 – 500.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia mức độ nặng.
Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia (người mang gen không có biểu hiện bệnh lý nhưng là nguồn di truyền gen bệnh cho thế hệ sau).
Nhằm nâng cao sự hiểu biết cho người bệnh cũng như chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh thalassemia cho cán bộ y tế. Được sự đồng ý của Bộ Y tế, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương – Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam phối hợp với Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang tổ chức hội thảo, tập huấn về thalassemia trong 2 ngày 11 và 12/06/2018 cho các cán bộ y tế trong tỉnh và một số thân nhân, bệnh nhân đang chăm sóc và nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang
Về dự tập huấn, có sự hiện diện của BSCKII Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc bệnh viện, BSCKII Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc bệnh viện. Thành phần giảng viên có Ths.BS Vũ Hải Toàn, Phó giám đốc trung tâm thalassemia. Thành phần học viên ngày đầu là trên 100 thân nhân và bệnh nhân, ngày 2 khoảng 150 cán bộ y tế của bệnh viện và các huyện thị trong tỉnh. Trong phần phát biểu khai mạc BSCKII Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc bệnh viện bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với bệnh thalassemia, đồng thời cũng rất lo lắng về số người bị bệnh ngày càng nhiều, mà chính họ chưa hiểu biết mức độ nguy hiểm của bệnh để tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mặc dù vậy, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh rất hy vọng khóa tập huấn nầy sẽ giúp ích cho người bệnh , thân nhân và cán bộ y tế hiểu biết rõ hơn về bệnh để chủ động trong việc dự phòng , tránh sinh ra các bé bị thalassemia.
Sau 2 ngày tập huấn kết quả rất tốt, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho giảng viên và 100% học viên là cán bộ y tế được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục.
Bài viết và hình ảnh: Thiên Sinh