Tác động của bệnh đái tháo đường đối với kết cục điều trị bệnh lao: một tổng quan hệ thống.

The impact of diabetes on tuberculosis treatment outcomes: a systematic review.

Baker MA1Harries ADJeon CYHart JEKapur ALönnroth KOttmani SEGoonesekera SDMurray MB.

Author information

BMC Med. 2011 Jul 1;9:81. doi: 10.1186/1741-7015-9-81.

Đặt vấn đề:

Nhiều nghiên cứu về điều trị bệnh lao đã chỉ ra rằng bệnh nhân đái tháo đường có thể gặp kết cục xấu. Chúng tôi thực hiện một tổng quan có hệ thống và phân tích meta để tổng hợp số liệu có bằng chứng về tác động của bệnh đái tháo đường đối với kết cục điều trị bệnh lao.

Phương pháp:

Chúng tôi tìm PubMed, EMBASE và WHO Regional Indexes từ ngày 1 tháng 1 năm 1980 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 và tham khảo các bài báo liên quan của các báo cáo nghiên cứu quan sát bao gồm những người bị bệnh đái tháo đường được điều trị bệnh lao. Có tất cả 742 bài báo toàn văn và bao gồm 33 nghiên cứu, trong đó có 9 bài trình bày về chuyển đổi vi trùng lao trong đờm ở thời điểm từ hai đến ba tháng sau điều trị, 12 bài về kết cục thất bại và tử vong, 23 bài về trường hợp tử vong, 4 bài về trường hợp tử vong được hiệu chỉnh theo độ tuổi và các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn khác, 5 bài về trường hợp lao tái phát và 4 bài về trường hợp lao kháng thuốc.

Kết quả:

Bệnh đái tháo đường có liên quan đến tăng nguy cơ thất bại và tử vong trong điều trị bệnh lao. Bệnh nhân đái tháo đường có tỉ số nguy cơ (Risk Ratio: RR) đối với kết cục thất bại và tử vong là 1,69 (KTC 95%, 1,36 đến 2,12). RR của tử vong trong điều trị bệnh lao trong số 23 nghiên cứu chưa hiệu chỉnh là 1,89 (KTC 95%, 1,52 đến 2,36), và tăng lên tới 4,95 (KTC 95%, 2,69 đến 9,10) trong 4 nghiên cứu được hiệu chỉnh theo độ tuổi và các yếu tố gây nhiễu tiềm năng khác. Bệnh đái tháo đường cũng có liên quan đến nguy cơ tái phát với RR là 3,89 (KTC 95%, 2,43 đến 6,23). Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng về sự gia tăng nguy cơ tái phát bệnh lao với các dòng kháng thuốc ở những người bị tiểu đường. Các nghiên cứu đánh giá sự chuyển đổi vi trùng lao trong đờm sau hai đến ba tháng điều trị bệnh lao thì không đồng nhất với các nguy cơ tương đối dao động từ 0,79 đến 3,25.

Kết luận:

Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ kết hợp thất bại điều trị và tử vong, làm tăng nguy cơ tử vong, và làm tăng nguy cơ tái phát ở bệnh nhân lao. Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng sự chú ý trong điều trị bệnh lao ở người bị đái tháo đường, bao gồm xét nghiệm các ca nghi ngờ mắc đái tháo đường, cải thiện kiểm soát đường huyết và tăng cường giám sát lâm sàng và điều trị.

Người dịch: BSCK II PhanThanh Dũng, trưởng khoa lao – BVĐKTT An Giang

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)