Suy tĩnh mạch chi dưới, những điều cần biết

Suy giãn tĩnh mạch là gì?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi giãn tĩnh mạch chân là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh tiếp tục tiến triển sẽ làm dòng máu động mạch tới nuôi chân cũng bị giảm theo.

Hậu quả là người bệnh sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… Thậm chí, những trường hợp nặng hơn các rối loạn tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành… khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn.

Nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Ở cơ chế bình thường, dòng máu tĩnh mạch từ chân trở về tim được duy trì theo một chiều từ dưới đi lên (ngược với chiều trọng lực khi ở tư thế đứng) là nhờ hệ thống van tĩnh mạch, lực hút được tạo ra do hoạt động của tim, cơ thành ngực và lực ép của khối cơ cẳng chân. Các tác động làm ảnh hưởng đến cơ chế duy trì dòng máu một chiều này lâu ngày sẽ làm cho van một chiều không còn giữ được chức năng, khiến thành tĩnh giãn ra, yếu đi và tạo ra dòng máu trào ngược qua van theo trục các tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé hay tĩnh mạch sâu theo chiều ngược xuống chân. Dòng trào ngược gây tăng áp lực trong lòng trục tĩnh mạch lớn, rồi truyền qua các tĩnh mạch nhỏ làm giãn cả tĩnh mạch lớn và nhỏ. Suy van tĩnh mạch có thể xảy ra ở từng vùng hoặc toàn bộ chân.

Các yếu tố tư thế, cách sống, hoạt động thể chất là yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

– Đứng lâu hoặc trong trạng thái bất động trong thời gian lâu.

– Những người có công việc ít vận động, ngồi nhiều.

– Tiếp xúc với nhiệt (phòng xông hơi, tiếp xúc với ánh nắng) trong thời gian rảnh hoặc trong điều kiện sống và làm việc cũng gây ra sự giãn nở của tĩnh mạch, làm nặng cảm giác chân đau và mệt mỏi.

– Giảm hoạt động thể chất, tình trạng thừa cân có thể gây ra cảm giác chân nặng và thậm chí là tĩnh mạch suy giãn.

Ngoài ra, di truyền cũng có thể đóng góp một phần nào đó làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở một người.

Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và thoáng qua. Người bệnh có cảm giác nặng chân, có thể thấy giày dép chật hơn bình thường. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể thấy chân dễ mỏi, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, cảm giác như bị kim châm hay kiến bò vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm… Người bệnh cũng có thể nhìn thấy mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện (spider vein) hay lớn hơn và sâu hơn như dạng lưới ở lớp dưới da. Các biểu hiện trên có thể mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi, các tĩnh mạch giãn chưa nhiều, lúc giãn lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua. Vào giai đoạn tiến triển, chân người bệnh bắt đầu có biểu hiện phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da, biểu hiện của loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày. Các tĩnh mạch căng giãn gây cảm giác đau tức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, trường hợp nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên, các mảng máu bầm trên da… Khi giãn tĩnh mạch bước vào giai đoạn biến chứng, tĩnh mạch nông giãn to thành búi, bị viêm tạo huyết khối trong lòng. Kết hợp với tình trạng loét do thiểu dưỡng có thể tạo nên những ổ loét, nhiễm trùng…

Các giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Hệ thống được áp dụng phân chia theo CAEP, trong đó giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ nặng trên lâm sàng được phân thành C0-C6 như sau:

C0: chưa có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch thấy được hay sờ được.

C1: có mao mạch giãn hoặc lưới tĩnh mạch giãn với đường kính < 3mm.

C2: giãn tĩnh mạch với đường kính > 3mm.

C3: phù chi dưới.

C4: loạn dưỡng da gây biến đổi sắc tố da, chàm tĩnh mạch, xơ mỡ da, …

C5: biến đổi sắc tố da kèm vết loét đã lành.

C6: biến đổi sắc tố da  kèm vết loét đang tiến triển, không lành.

Chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Khám lâm sàng: Suy giãn tĩnh mạch có thể được chẩn đoán qua khai thác yếu tố nguy cơ, các triệu chứng của người bệnh. Ở người bệnh có mô dưới da mỏng, có thể nhìn và sờ thấy tĩnh mạch giãn ra và căng nhanh khi chuyển từ tư thế nằm sang đứng.

Siêu âm Doppler mạch máu tư thế đứng: Siêu âm xác định chẩn đoán khi ghi nhận dòng trào ngược qua van tĩnh mạch với thời gian kéo dài >0.5 giây ở tĩnh mạch hiển và tĩnh mạch sâu ở cẳng chân hoặc >0.1 giây ở tĩnh mạch đùi khoeo. Siêu âm có thể xác định tổn thương của van tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, tĩnh mạch sâu và các van tĩnh mạch xuyên để giúp lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Thay đổi lối sống: nâng cao chân khi ngủ hoặc khi ngồi, mang tất áp lực, tránh đứng trong thời gian dài, giảm cân nếu thừa cân, tập thể dục để cải thiện sức mạnh của đôi chân.

Điều trị nội khoa: Các loại thuốc làm tăng độ vững bền thành tĩnh mạch giúp cải thiện triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, hỗ trợ ổn định sau các điều trị laser hay sóng cao tần nội tĩnh mạch. Vật lý trị liệu với túi hơi tạo lực ép ngắt quãng theo tầng cùng với tập vận động cơ cẳng chân giúp tạo lưu thông tĩnh mạch tốt hơn, tăng cường vững bền thành mạch là những kỹ thuật cải thiện triệu chứng cũng như tình trạng bệnh.

Loại bỏ tĩnh mạch nông bị bệnh:

Suy giãn tĩnh mạch nông mức độ từ C2 đến C6 theo phân độ mô tả ở trên có chỉ định phẫu thuật hoặc nhiệt nội tĩnh mạch (laser hay sóng cao tần nội mạch) nhằm mục đích loại bỏ tĩnh mạch nông bị bệnh.

Trong đó nhiệt nội tĩnh mạch là một kỹ thuật tiên tiến, sử dụng năng lượng từ laser hoặc sóng cao tần để tạo nhiệt độ cao trong lòng các tĩnh mạch bệnh. Nhiệt độ này tác động trực tiếp lên các tĩnh mạch bệnh lý và triệt tiêu nó mà không gây chảy máu hay tụ máu tại chỗ. Các tĩnh mạch bệnh lý sau khi triệt tiêu không cần phải lấy ra khỏi cơ thể, vì vậy so với các loại phẫu thuật lấy toàn bộ tĩnh mạch hiển thì phương pháp nhiệt nội tĩnh mạch ít gây đau và thời gian hồi phục nhanh hơn. Bệnh nhân sẽ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường sau khi điều trị bằng phương pháp nhiệt nội tĩnh mạch.

c

Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới

Băng thun hoặc vớ (tất) tĩnh mạch ngày đầu sau phẫu thuật, thủ thuật và khi đứng dậy, đi lại ở những ngày sau. Vớ tĩnh mạch được khuyên tiếp tục sử dụng 10 ngày đến 2 tuần để tránh tình trạng phù chân. Bệnh nhân cần được tái khám, kiểm tra siêu âm sau 1 tháng, 6 tháng và mỗi 1-2 năm. Các biện pháp phòng tránh bệnh như không ngồi, đứng lâu tại chỗ, tập vận động cơ cẳng chân, mang vớ (tất) áp lực… vẫn tiếp tục được bác sĩ khuyến cáo thực hiện.

Phòng ngừa giãn tĩnh mạch chi dưới

Áp dụng các biện pháp làm giảm tình trạng trào ngược van tĩnh mạch giúp phòng bệnh, cũng như cải thiện tình trạng bệnh. Người bệnh được khuyên tránh đứng hoặc ngồi lâu tại chỗ, thực hiện các bài tập suy giãn tĩnh mạch, để chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, tập hít thở chủ động, chế độ ăn có nhiều chất xơ tránh táo bón, béo phì…, mang vớ (tất) áp lực chuyên dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://hoitinhmachhoc.com.vn/sinh-ly-hoc-cua-benh-tinh-mach/

2. https://tamanhhospital.vn/suy-gian-tinh-mach-chi-duoi/

4.https://www.umcclinic.com.vn/tin-tuc/y-hoc-thuong-thuc/thong-tin-ban-can-biet-ve-benh-suy-gian-tinh-mach-chi-duoi

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)