CHÂU HỮU HẦU, BV Nhật Tân
TÓM TẮT. So sánh chế độ điều trị IFN & RBV và DAA trong điều trị bệnh nhân viêm gan C mạn. Nghiên cứu hồi cứu 116 người bệnh viêm gan C mạn cho thấy nhiễm viêm gan C tăng dần theo tuổi; kiểu gen 1 cao nhất (60,3%), sau đó là kiểu gen 2 (18,2%) và sau cùng là kiểu gen 6 (3,7%). Đối với điều trị IFN&RBV, tỷ lệ thành công chỉ đạt 51,1%, thất bại chiếm 48,9% (bao gồm 11 ca bỏ trị và 12 ca tái phát). Trong khi đó điều trị bằng DAA chỉ có 3 trường hợp thất bại do tái phát và tỷ lệ thành công lên đến 95,7%. Điều trị bằng DAA hiệu quả gấp 21 lần điều trị bằng IFN&RBV, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,001. Kết luận: Nhóm thuốc DAA khá hiệu quả trong điều trị viêm gan virus C mạn, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên không còn viêm gan virus C ở nước ta cũng như trên toàn thế giới khi giá thuốc và chính sách y tế hợp lý.
Từ khóa: Viêm gan C mạn, DAA, IFN, ribavirin, đáp ứng virus học bền vững.
SUMMARY. Comparison of two regime treatments IFN&RBV and DAA in patients with chronic hepatitis C. A retrospective study of 116 chronic hepatitis C patients showed that hepatitis C increased with age; the highest genotype 1 (60.3%), followed by genotype 2 (18.2%) and finally genotype 6 (3.7%). In IFN&RBV treatment, success rate reached 51.1%, failure accounted for 48.9% (including 11 missed cases and 12 recurrences). In the DAA treatment, there were only 3 cases of recurrence and 95.7% success rate. Treatment with DAA was 21 times more effective than IFN&RBV treatment, statistically significant difference with p <0.001. Conclusion: The DAA drugs are quite effective in treating chronic hepatitis C, opening up a new era, the era of free hepatitis C in our country as well as the world when drug prices and health policy reasonable.
Keywords: Hepatitis C Virus, DAA, IFN, ribavirin, SVR
ĐẶT VẤN ĐỀ
Viêm gan C mạn (VGCM) là một vấn nạn sức khoẻ công cộng lớn hiện nay với ước tính vào khoảng 180 triệu người mắc khắp thế giới vào thập kỷ trước đây. Trên 25% người nhiễm HCVM cuối cùng sẽ phát triển thành xơ gan và các biến chứng có liên quan, gồm cả ung thư tế bào gan(1). Tại Việt Nam hiện nay, chưa có một công trình hoàn chỉnh về tỷ lệ nhiễm HCV trong cộng đồng. Lã Thị Nhẫn nghiên cứu trên 9 nhóm người được khám sức khỏe tại BV Thống Nhất thấy có 113 người có anti-HCV(+)/2573 (4,4%)(2). Châu Hữu Hầu(3), trong một nghiên cứu cộng đồng dân cư huyện Tân Châu, An Giang, tỷ lệ nhiễm HCV trong cộng đồng là 4,1%. Số liệu trên cho thấy nước ta thuộc vào vùng có tỷ lệ nhiễm HCV cao vào khoảng 4 triệu người nhiễm HCV và 25% trong số này (1 triệu) sẽ phát triển thành xơ gan, ung thư gan…
Mục tiêu của điều trị nhiễm VGCM là tiệt trừ virus, ngừa phát triển xơ gan và các biến chứng của xơ gan. Điều trị HCV thành công được xác định bằng đáp ứng virus học bền vững (ĐƯVHBV, SVR) 24 tuần sau khi hoàn tất điều trị. Trước đây điều trị cổ điển HCV bao gồm 24 đến 48 tuần điều trị bằng PEG-IFNα kết hợp với ribavirin (RBV). Đáp ứng điều trị tốt nhất ở các BN có kiểu gen (kg) 2 và 3, trong đó tỷ lệ ĐƯVHBV vào khoảng 80% có thể đạt được sau 24 tuần điều trị. Các BN có kg 1 là virus khó điều trị nhất với ĐƯVHBV vào khoảng 40% sau 48 tuần điều trị. Ngoài việc không hiệu quả ở một số BN, PEG-IFN và RBV còn khó dung nạp, và nhiều BN được điều trị với các thuốc này sẽ phải ngưng điều trị vì các tác dụng phụ.
Vì các lý do trên, các nhà lâm sàng cần đến các thuốc có tỷ lệ ĐƯVHBV cao và dễ dung nạp hơn. Các thuốc này tác động lên các đích trong chu kỳ sống cũng như trực tiếp ức chế sản xuất virus, được gọi là liệu pháp chuyên biệt mục tiêu hoặc kháng virus tác động trực tiếp (DAA). Các thuốc DAA đã làm cuộc cách mạng về hiệu quả điều trị viêm gan C với tỷ lệ thành công trong điều trị có thể lên đến 95-100% trong 3 tháng. Từ tháng 1/2016, bệnh viện Nhật Tân đã dùng một số thuốc DAA trong điều trị VG C.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi so sánh kết quả điều trị VG C theo điều trị cổ điển với IFN + RBV và DAA (levipasvir, sofosbuvir) ± ribavirin) tại bệnh viện Nhật Tân.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu: Tất cả BN VGC mạn, không bị xơ gan, khi điều trị bằng công thức điều trị cổ điển (IFN+RBV). Với các bệnh nhân điều trị bằng DAA thì điều trị kể cả khi có bệnh xơ gan. Đối tượng loại trừ: Tất cả BN VGC mạn khi điều trị bằng công thức điều trị cổ điển (IFN+RBV) thì phải không có bằng chứng xơ gan.
Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu
Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 01/2011 đến tháng 12/2015, điều trị theo công thức cổ điển (IFN+RBV). Từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2017 điều trị bằng DAA± ribavirin.
Một số định nghĩa(4)
- Lượng virus ban đầu: Lượng virus trong máu trước khi khởi đầu điều trị. Lượng virus càng cao có nghĩa là virus sao chép nhanh và khả năng lành bệnh kém.
- Đáp ứng virus học nhanh (RVR): HCV RNA(-) tuần điều trị thứ 4, lành bệnh cao
- Đáp ứng virus học sớm (EVR): HCV RNA huyết thanh không phát hiện được vào tuần điều trị 12 (EVR hoàn toàn). Hoặc HCV RNA giảm >2 log (100 lần) nồng độ ban đầu (EVR một phần). Nếu không đạt được EVR thì khả năng lành bệnh thấp.
- Đáp ứng cuối điều trị (ETR): HCV RNA(-) trong máu vào cuối điều trị.
- Đáp ứng virus học bền vững (ĐƯVHBV): HCV RNA huyết thanh (-) với xét nghiệm có độ nhạy ≤50 IU/ml 6 tháng sau khi ngưng điều trị. Lúc này, tái phát muộn là cực kỳ hiếm (<1%). SVR12 hoặc SVR24: HCV RNA(-) sau 12 hoặc 24 tuần ngưng điều trị.
- BN bỏ trị: BN sau vài lần điều trị thì ngưng bởi nhiều lý do.
- BN tái phát: Là các BN không đạt được đáp ứng virus học sớm, hoặc ĐƯVHBV.
Biện pháp tiến hành nghiên cứu:
Tất cả các BN VGC mạn đều được tiến hành xét nghiệm anti-HCV. Nếu anti-HCV dương, sẽ tiến hành xét nghiệm định lượng và định type HCV RNA (bằng kỹ thuật realtime PCR Taqman của Cty Việt Á) với độ nhạy <300 bản sao/mm3.
Thời gian từ tháng 01/2011 đến 12/2015, điều trị theo công thức cổ điển: Tuỳ theo khả năng kinh tế của người bệnh, nên có người bệnh được chữa bằng IFN + RBV, có người bệnh được chữa PEG-IFN (Pegnano, Pegasis) + RBV. Đối với kiểu gen 2 chúng tôi điều trị trong 24 tuần. Đối với kiểu gen 1 và 6 trong 48 tuần. Khi có đáp ứng virus học sớm (EVR) sau 12 tuần điều trị thì điều trị tiếp tục. Nếu không, ngưng điều trị(5).
Thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2017 điều trị bằng DAA: Kiểu gen 1 và 6 được điều trị bằng ledvir (ledipasvir 90 mg + sofosbuvir 400 mg). Kiểu gen 2 được điều trị bằng Sofosbuvir 400 mg + Ribavirin 400 mg x 2 lần/ngày.
Xử lý thống kê: Dùng SPSS 16.0 để xử lý. Dùng crosstabs để tìm χ2 nhằm tìm khác biệt của biến nhị phân qua tỷ số chênh OR, ý nghĩa thống kê khi p<0,05.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Điều trị theo công thức cổ điển IFN+RBV 47 bệnh nhân, theo DAA 69 bệnh nhân.
Bảng 1. Viêm gan C theo lứa tuổi cho cả 2 nhóm điều trị
Lứa tuổi | n | Tỷ lệ % | Cộng dồn |
24-39 | 6 | 5,2 | 5,2 |
40-49 | 23 | 19,8 | 25,0 |
50-59 | 44 | 37,9 | 62,9 |
60-89 | 43 | 37,1 | 100,0 |
Cộng chung | 116 |
Bảng 2. Giới tính trong cả 2 nhóm điều trị
Giới | N | Tỷ lệ % | Cộng dồn |
Nữ | 53 | 45,7 | 45,7 |
Nam | 63 | 54,3 | 100,0 |
Cộng chung | 116 | 100,0 |
Bảng 3. Địa chỉ trong cả 2 nhóm điều trị
STT | Địa chỉ | N | Tỷ lệ % | Cộng dồn |
1 | Long Xuyên | 7 | 6,0 | 6,0 |
2 | Châu Đốc | 10 | 8,6 | 14,6 |
3 | Tân Châu | 14 | 12,1 | 26,7 |
4 | Tịnh Biên | 4 | 3,4 | 30,1 |
5 | Chợ Mới | 2 | 1,7 | 32,1 |
6 | An Phú | 28 | 24,1 | 56,2 |
7 | Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành | 20 | 17,3 | 73,3 |
9 | Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long | 5 | 4,3 | 77,6 |
10 | Kampuchia | 26 | 22,4 | 100,0 |
Cộng chung | 116 | 100,0 |
Bảng 4. Kiểu gen virus VG C trong cả 2 nhóm điều trị
Kiểu gen | N | Tỷ lệ % | Cộng dồn |
1 | 70 | 60,3 | 60,3 |
2 | 23 | 32,8 | 93,1 |
6 | 44 | 6,9 | 100,0 |
Cộng chung | 116 | 100,0 |
Bảng 5. Cách điều trị
Cách điều trị | Cách điều trị | N | Tỷ lệ % | Cộng dồn |
Điều trị cổ điện | IFN + RBV | 19 | 40,4 | 40,4 |
Pegnano + RBV | 26 | 55,3 | 95,7 | |
Pegasis + RBV | 2 | 4,3 | 100,0 | |
Cộng chung | 47 | 100,0 | ||
Điều trị với DAA (có 2 trường hợp giao thời dùng điều trị cổ điển + DAA) | SOF+INF+RBV | 1 | 1,4 | 1,4 |
SOF+Pegasis+RBV | 1 | 1,4 | 2,8 | |
LDV + SOF | 41 | 59,4 | 62,3 | |
SOF + RBV | 26 | 37,7 | 100,0 | |
Cộng chung | 69 | 100,0 |
Bảng 6. Các kết quả chung cho 2 chế độ điều trị
Kết quả | N | Tỷ lệ % | Cộng dồn |
Tái phát | 15 | 12,9 | 12,9 |
Bỏ trị | 11 | 9,5 | 22,4 |
Thành công | 90 | 77,6 | 100,0 |
Cộng chung | 116 | 100,0 |
Bảng 7. So sánh 2 nhóm điều trị
Nhóm bệnh | Kết quả | Χ2 | OR | p | |
Thất bại (Bỏ trị, tái phát) | Thành công SVR24 không phát hiện virus | 31,96 | 21,083
(KTC95% 5.8-76.6) |
<0,000 | |
Điều trị cổ điển | 23 (48,9%) | 24 (51,1%) | |||
Điều trị DAA | 3 (4,3%) | 66 (95,7%) |
BÀN LUẬN
Trong nghiên cứu này, có 116 người được hồi cứu. Trong thời gian điều trị có 11 người bỏ trị với nhiều lý do khác nhau, 90 người điều trị thành công và 15 người tái phát.
Bệnh nhân thấp tuổi nhất là 24, cao tuổi nhất là 89, nữ chiếm 45,7%, tuổi trung bình là 57,0±11,6. Tỷ lệ viêm gan C tăng dần theo lứa tuổi: 24-39 là 5,2%; 40-49 là 19,8%; 50-59 là 37,9% và 60-89 là 37,1%.
Về địa chỉ người bệnh thì 73,3% là người trong tỉnh An Giang; 22,4 là người nước ngoài (Kampuchia); 4,3% ở các tỉnh khác (Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long)
Tổng số BN là 116, kiểu gen chiếm đa số là kiểu gen 1 với 70 BN (60,3%); kiểu gen 2, 38 BN (18,2%) và kiểu gen 6, 8 BN (3,8%). Nghiên cứu của Bùi Thị Tuyết Anh(6) và cs thì tỷ lệ này lần lượt là 88%, 8% và 4%. Nghiên cứu của Trần Ngọc Dung và cs(7) thì tỷ lệ này là 37.1%, 21,6% và 25,9%. Hồ Tấn Đạt và cs(8) dùng kỹ thuật LiPA, tại Trung tâm Chẩn đoán Y khoa (Medic), khi phân tích 327 trường hợp VG C mạn ở Việt Nam cho thấy kiểu gen 1 nhiều nhất 58,4%, tiếp theo là 23,9% kiểu gen 6, 13,1% các kiểu gen 2 và 4,3% không xác định. Như vậy kiểu gen HCV phổ biến ở Việt Nam lần lượt có thể là 1, 6 và 2. Trong khi đó, kiểu gen trong nghiên cứu của chúng tôi là 1, 2, 6.
Đối với điều trị cổ điển, tỷ lệ thành công chỉ đạt 51,1%, thất bại chiếm 48,9% (bao gồm 11 ca bỏ trị và 12 ca tái phát. Trong khi đó điều trị bằng DAA chỉ có 3 trường hợp thất bại do tái phát và tỷ lệ thành công lên đến 95,7%. Điều trị bằng DAA hiệu quả gấp 21 lần điều trị bằng công thức cổ điển, khác biệt cò ý nghĩa thống kê, với p<0,001.
Đối với các tác dụng phụ, chúng tôi không đề cập ở đây. Theo y văn thì IFN là thuốc ức chế tủy xương và gây giảm bạch cầu trung tính, tiểu cầu và thiếu máu liên quan đến liều lượng. RBV dễ gây huyết tán đôi khi khá nặng nề. Đối với DAA, tác dụng phụ không đáng kể như nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn…
Khi so sánh giữa 2 chế độ điều trị thì thấy điều trị cổ điển chỉ thành công chung là 51,1%, trong khi chế độ điều trị DAA đạt đến 95,7%. Điều trị bằng DAA có hiệu quả cao gấp 21 lần so với điều trị chuẩn, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,001.
KẾT LUẬN
Thuốc DAA khá hiệu quả trong điều trị viêm gan virus C, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên không còn viêm gan virus C ở nước ta cũng như trên toàn thế giới khi giá thuốc và chính sách y tế hợp lý.
THAM KHẢO
- Jazwinski AB, Muir AJ. Direct-Acting Antiviral Medications for Chronic Hepatitis C Virus Infection. Gastroenterology&Hepatology, Mar 2011, Vol. 7, Issue 3: 155-162.
- Lã Thị Nhẫn. Nghiên cứu nhiễm virus VG B và virus VG C trên một số nhóm người ở miền nam Việt Nam để góp phần tìm nguồn cho máu. Luận Án PTS khoa học Y Dược. Hà Nội. 1995.
- Châu Hữu Hầu, Hà Văn Tâm, Phạm Ngọc Đính, Đoàn Huy Hậu. Tình trạng nhiễm virus VG lây truyền ngoài đường tiêu hóa (HBV, HDV, HCV) ở cộng đồng dân cư huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học. Trường Đại học Y khoa Hà Nội. 7/1996; tr 179-187.
- Pearlman BL, Traub N. Sustained Virologic Response to Antiviral Therapy for Chronic Hepatitis C Virus Infection: A Cure and So Much More. Clin Infect Dis. (2011) 52 (7):889-900.
- National Institutes of Health. Management of Hepatitis C: 2002. Consensus Conference Statement. June 10-12, 2002
- Bùi Thị Tuyết Anh, Đổ Ngọc Hải, Trần Hoài Nam, Hoàng Văn Tiệp. Khảo sát sự phân bố type HCV tại Hải Phòng bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Hội nghị khoa học bệnh viện Việt tiệp Hải Phòng lần 37.
- Trần Ngọc Dung, Cao Thị Tài Nguyên, Nguyễn Thị Huỳnh Nga. Kết quả bước đầu về định type HCV trên bệnh nhân viêm gan virus C tại BV đa khoa trung ương Cần Thơ. Y học thực hành (763), số 5/2011, tr 67-69.
- Hồ Tấn Đạt, Phạm Thị Thu Thủy, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Bảo Toàn, Phan Hữu Bội Hoàn, Nguyễn Bảo Tòng, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Đỗ Thị Thùy Trang. Kiểu gen của siêu vi viêm gan C ở Việt Nam. http:// www.drthuthuy.com/reseach/VNGenotype.html.