Quy trình báo động đỏ nội viện của Bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang đã kịp thời cứu sống một bệnh nhân có tiền sử động kinh bị tai nạn giao thông, kiếng cắt vào cổ phải tổn thương nhiều mạch máu vùng cổ đã rơi vào tình trạng hôn mê, sốc mất máu nặng nguy cơ tử vong rất cao nếu không kịp thời cứu chữa.
Ngày 05-12-2016 Lãnh đạo Bệnh viện ĐKTTAG ban hành Quy trình báo động đỏ nội viện với mục đích:
Xây dựng quy trình phối hợp cấp cứu các trường hợp chấn thương nguy kịch cần phối hợp nhiều chuyên khoa trong bệnh viện.
Khẩn trương vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho người bệnh.
Sẵn sàng kích hoạt báo động đỏ nội viện từ xa, khi bệnh viện nhận được thông tin về tình trạng người bệnh nguy kịch cần được can thiệp điều trị khẩn cấp từ BS đi hội chẩn tại BV tuyến trước, hoặc đi sơ cấp cứu hoặc nhận tin từ các bệnh viện tuyến trước thông báo có người bệnh trong tình trạng nguy kịch đang được chuyển viện khẩn cấp.
Từ khi quy trình này được hình thành Bệnh viện đã cứu được nhiều trường hợp chấn thương nguy kịch đến tính mạng của người bệnh, Bệnh viện đã cứu sống và đem lại niềm vui cho người bệnh và thân nhân bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.
Mới đây khoảng 8 giờ 55 phút ngày 20/ 02/ 2023, anh N.C.T (23 tuổi, ngụ TT.Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) được gia đình đưa đến BVĐK trung tâm An Giang trong tình trạng sốc mất máu do vết thương vùng cổ phải rộng trên 15 cm, vết rách phức tạp do bị kính cắt. Người bệnh lơ mơ và hôn mê ngay sau đó, da xanh niêm nhạt, thở nhanh nông; mạch không bắt được, huyết áp không đo được.
Theo người nhà kể lại bệnh nhân có tiền sử động kinh từ nhỏ đang chạy xe thì lên cơn động kinh té vào tủ kiếng ven đường
Bệnh nhân được kíp trực Khoa Cấp cứu, đặt nội khí quản bóp bóng, lập đường truyền tỉnh mạch đồng thời tiến hành kích hoạt Quy trình báo động đỏ nội viện, ngay sau đó các bác sỹ chuyên khoa khối Ngoại, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại thần kinh lồng ngực, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức và các khoa liên quan tiến hành hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán: sốc mất máu, theo dõi tổn thương động mạch cảnh (P) do tai nạn giao thông ( kiếng cắt vào cổ P) và quyết định chuyển bệnh nhân lên phòng mổ phẫu thuật ngay sau đó.
Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân được xác định bị đứt bán phần thùy phải tuyến giáp, tuyến dưới hàm bên phải; đứt tĩnh mạch cảnh ngoài phải, đứt động mạch giáp trên phải, động mạch thanh quản trên phải, động mạch ngang cổ phải và đứt một phần cơ bám da cổ bên phải; còn 4 mảnh kiếng kích thước từ 1×2 cm đến 3×4 cm. Bệnh nhân nhanh chóng được phẫu thuật khâu cột mạch máu, loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương, khâu phục hồi thùy phải tuyến giáp, tuyến dưới hàm phải.
Qua trường hợp này chúng ta thấy rằng bệnh nhân có tiền sử và đang bị động kinh khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ lên cơn co giật bất cứ lúc nào, có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người bệnh, các gia đình có người thân bị bệnh động kinh cần lưu ý cảnh giác.
Quy trình báo động đỏ nội viện đã đem lại hiệu quả đáng kể trong các trường hợp cấp cứu bệnh nhân đa thương nặng nguy kịch đến tính mạng bệnh nhân. Quy trình này cần được phát huy và ngày càng được mở rộng thêm.
BS.CKII Nguyễn Kim Quang, Phó khoa CTCH