Phì đại tuyến tiền liệt – nỗi lo của đàn ông lớn tuổi

Khi đàn ông bước vào tuổi trung niên, cơ thể bắt đầu suy giảm về cả thể chất lẫn tinh thần. Những rối loạn bệnh lý xuất hiện ở nhiều cơ quan tạng phủ, trong đó có sự tăng sinh (phì đại) tuyến tiền liệt gây ra rối loạn tiểu tiện.

Sau 45 tuổi, một ngày nào đó người bệnh chợt thấy rằng khi đi tiểu, dòng chảy không còn mạnh và vươn xa được nữa, dường như có một cái gì đó trì kéo, trĩu nặng, không thông suốt khi tiểu tiện. Những triệu chứng này ngày càng nặng thêm, cho đến khi người bệnh thấy dòng chảy bị nghẽn lại rất rõ, có thể nước tiểu rơi rất gần, ướt cả giày dép. Rồi vừa tiểu xong lại có cảm giác mót tiểu và có thể tiểu thêm chút ít nữa, nhưng vẫn không thấy thoải mái, vẫn còn cảm nhận một lượng nước tiểu đang tồn đọng trong bàng quang. Đôi lúc dòng chảy bị ngắt quãng, cố gắng thì sẽ tiểu lại được, rồi lại bị ngắt quãng trở lại. Chính vì vậy thời gian tiểu tiện kéo dài khá lâu. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng tiểu đêm nhiều lần. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể bị bí tiểu hoàn toàn, đây là trường hợp cấp cứu cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.

Tại sao lại có những triệu chứng bệnh lý như trên? Đó là do sự phát triển xơ hoá và to ra bất thường (phì đại) của tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, bình thường chỉ nặng 15 đến 20 gram, bao quanh niệu dạo, nằm sát đáy bàng quang, sau xương mu và trước trực tràng. Có chức năng tạo ra một chất dịch, làm môi trường để vận chuyển tinh trùng và tạo thành tinh dịch để đảm nhận nhiệm vụ duy trì nòi giống của người đàn ông. Tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới, bắt đầu phát triển ở tuổi dậy thì và hoàn chỉnh về chức năng và độ lớn vào khoảng 20-25 tuổi. Khi người đàn ông sau tuổi 45, tuyến tiền liệt có khuynh hướng phát triển to ra một cách bất thường, sẽ chèn ép vào gốc của niệu đạo, kết quả làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu như đã nói ở trên.

Nguyên nhân gây ra phì đại tuyến tiền liệt bao gồm sự rối loạn về nội tiết tố trong cơ thể người đàn ông khi đã lớn tuổi, đặc biệt là sự suy giảm nội tiết tố sinh dục testosterone, sự ổ nhiễm môi trường sống, sự nhiễm độc từ thực phẩm sử dụng hằng ngày…

Tuy là một bệnh cảnh lành tính phát triển chậm, tuy nhiên bệnh nhân không nên chủ quan. Sự tắc nghẽn dòng tiểu do phì đại tuyến tiền liệt gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, dẫn đến viêm nhiễm đường tiết niệu, cộng với tình trạng ngược dòng nước tiểu lâu ngày có thể gây viêm thận – bể thận, cuối cùng có thể đưa đến bệnh cảnh suy thận rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

Làm sao để biết phì đại tuyến tiền liệt? Đàn ông sau 45 tuổi phải đi khám định kỳ để phát hiện phì đại tuyến tiền liệt, hoặc khi có các triệu chứng về rối loạn đường tiểu như trên thì phải đi khám với các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Các bác sĩ sẽ làm siêu âm hệ niệu sinh dục để đánh giá kích thước tuyến tiền liệt, kết hợp thăm khám trực tràng nếu cần, Thủ thuật này đơn giản nhưng rất cần thiết để đánh giá độ lớn, mềm mại, xơ cứng hay u cục… của tuyến tiền liệt. Người bệnh thường được đề nghị làm một số xét nghiệm máu, nước tiểu cần thiết để đánh giá tình trạng sức khoẻ chung, đặc biệt là thử nghiệm PSA để loại trừ bệnh cảnh ung thư tuyến tiền liệt. Chính vì vậy, những bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt phải được điều trị và theo dõi chặt chẽ.

Điều trị phì đại tuyến tiền liệt có khó không? Rất may là hầu hết các trường hợp phì đại tuyến tiền liệt được điều trị bằng thuốc và có kết quả cải thiện rõ rệt trong đa số trường hợp, các thuốc này có tác dụng làm giãn cơ trơn vùng tuyến tiền liệt và cổ bàng quang, làm giảm bớt sự tắc nghẽn, giúp bệnh nhân đi tiểu dễ dàng hơn. Điều trị bằng phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp phì đại tuyến tiền liệt chèn ép niệu đạo làm tắc nghẽn nghiêm trọng gây bí tiểu cấp, tạo sỏi bàng quang hoặc có biến chứng suy thận do ngược dòng nước tiểu từ bàng quang lên thận. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật tốt nhất là cắt đốt tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo, một phẫu thuật thường quy ở các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, có thể thực hiện ngay cả đối với bệnh nhân trên 80 tuổi.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bệnh nhân có rối loạn tiểu tiện trong một thời gian dài, nhưng do ngại thổ lộ với người thân hoặc lo sợ không phẫu thuật được do lớn tuổi nên cố chịu đựng, do đó, đa số bệnh nhân đến bệnh viện khi các rối loạn thường ở mức độ trung bình đến nặng, khiến cho việc điều trị trở nên kém hiệu quả hơn. Vì vậy, chúng tôi có lời khuyên rằng: đối với đàn ông lớn tuổi nếu có các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như trên nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tiết niệu để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời nhằm mang lại chất lượng sống ngày càng cao cho người lớn tuổi.

BS Hồ Thanh Nhàn – ThS.BS Trần Văn Quốc

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)