Phản Vệ Do Gắng Sức Phụ Thuộc Thực Phẩm ( FDEIA )- một dạng phản vệ hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm

Vào lúc 22h00 ngày 13/04 Bệnh viện Đa khoa Trung Tâm An giang có tiếp nhận một bệnh nhân nam tên Lê Hoàng T, địa chỉ Châu Thành- An giang 16 tuổi với tình trạng nổi mẫn đỏ da toàn thân, ngứa kèm đau bụng, nôn ói. Qua khai thác tiền sử, bệnh sử được biết bệnh trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử dị ứng. Một buổi chiều, em ăn mì gói kèm trứng, sau đó tham gia đá bóng cùng bạn bè. Khoảng một giờ sau khi kết thúc trận đấu, Thái cảm thấy khó chịu, buồn nôn, rồi nôn ói, nổi mẩn đỏ toàn thân kèm ngứa dữ dội. Gia đình lập tức đưa em đến bệnh viện.Tại khoa cấp cứu, bệnh có tình trạng Mạch: 90l/p, Huyết áp: 70/50mmHg, SpO2:94%, bệnh tỉnh, thở nhanh, tim đều, phổi không ran, bụng mềm, mạch nhẹ, nổi mẩn đỏ da toàn thân. Bệnh được chẩn đoán phản vệ độ III chưa rõ tác nhân. Bệnh nhân được xử trí kịp thời bằng Adrenaline tiêm bắp 0,5 mg, Methylprednisolon 80 mg tiêm tĩnh mạch chậm, và Pipolphen 50 mg tiêm bắp. Sau đó được chuyển khoa Hồi sức tích cực.

Tại khoa Hồi sức tích cực qua hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng bệnh được chẩn đoán Phản vệ độ III do gắng sức phụ thuộc thực phẩm. Bệnh được xử trí cho thở oxy, truyền dịch, truyền Adrenalin, Methylprednisolon, Pipolpen và tiếp tục theo dõi. Qua 2 giờ, tình trạng bệnh cải thiện M:70l/p, HA:120/70mmHg, mạch rõ, SpO2: 95%, bệnh tỉnh, giảm nôn ói, giảm mẫn đỏ toàn thân. Bệnh được tiếp tục điều trị và theo dõi 24giờ sau đó được chuyển khoa Nội tổng hợp. Tại đây người bệnh được điều trị và theo dõi đến khi khỏi hoàn toàn và cho xuất viện ngày 16/04/2025 (Nằm viện 04 ngày).

Phản vệ do gắng sức là gì?

Phản vệ do gắng sức (Exercise-Induced Anaphylaxis – EIA) là một tình trạng dị ứng nặng, xảy ra trong hoặc sau khi vận động thể lực như chạy bộ, chơi thể thao, lao động nặng… Tình trạng này tuy hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Đặc biệt, có một thể thường gặp hơn ở người trẻ tuổi là phản vệ do gắng sức phụ thuộc thực phẩm (Food-Dependent Exercise-Induced Anaphylaxis – FDEIA). Người bệnh chỉ xuất hiện phản ứng phản vệ khi vừa ăn một loại thực phẩm nhất định trước khi vận động. Nếu chỉ ăn hoặc chỉ vận động riêng lẻ thì không xảy ra vấn đề gì.

Dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng thường xuất hiện trong hoặc sau khi vận động từ 5–60 phút, bao gồm:
– Nổi mề đay, mẩn ngứa toàn thân
– Phù mặt, môi hoặc lưỡi
– Khó thở, khò khè
– Buồn nôn, nôn ói, đau bụng
– Choáng, tụt huyết áp, thậm chí ngất xỉu
Nếu không được xử trí đúng cách, người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân do đâu?

Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân, nhưng các nghiên cứu cho rằng:
– Vận động làm thay đổi tính thấm của ruột, khiến các chất gây dị ứng dễ vào máu hơn
– Gắng sức cũng làm tăng giải phóng histamine từ tế bào dưỡng bào (mast cells), gây nên phản ứng dị ứng toàn thân
– Một số yếu tố như nhiệt độ môi trường, thuốc giảm đau (NSAIDs) hoặc kinh nguyệt có thể làm nặng thêm tình trạng này

Làm sao để phòng tránh?

– Không ăn các thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng ít nhất 4–6 giờ trước khi vận động
– Tránh dùng aspirin hoặc NSAIDs trước khi luyện tập
– Tập thể dục có kiểm soát, tốt nhất nên có người đi cùng
– Người từng bị phản vệ nên mang theo bút tiêm Epinephrine (EpiPen) để xử trí khẩn cấp khi cần thiết
– Khám chuyên khoa dị ứng miễn dịch để được xét nghiệm và tư vấn chính xác nguyên nhân

Khi nào cần đến bệnh viện?

Ngay khi xuất hiện các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa, khó thở, nôn ói, choáng váng sau khi vận động, người bệnh cần ngừng vận động ngay, nằm đầu thấp – chân cao và đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Lời kết

Phản vệ do gắng sức tuy hiếm gặp nhưng không thể chủ quan. Việc nhận biết sớm, phòng ngừa đúng cách và có phương án xử trí phù hợp sẽ giúp người bệnh bảo vệ an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên năng động.

Bệnh nổi mẩn toàn thân

Tình trạng bệnh cải thiện

BS Trần Ngọc Trâm – Khoa Hồi sức tích cực BVĐKTT An Giang

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)