Những điều cần biết về vaccine và thuốc kháng virus điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nay số ca mắc đã tăng lên gần 17.000 tại 70 nước…Bài viết của PGS.TS Huynh Wynn Trần sẽ phân tích kỹ hơn loại virus gây ra đậu mùa khỉ, 2 vaccine đã được FDA chấp thuận .

1. Virus đậu mùa khỉ có khả năng biến đổi

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra bởi virus monkeypox, thuộc họ virus Orthopox virus; là virus có 2 chuỗi di truyền DNA, bao gồm các virus khác nhau như variola virus, vaccinia virus, monkeypox virus, và cowpox virus. Khi bệnh nhân bị nhiễm một loại virus cùng họ Orthopoxvirus (ví dụ như vaccinia virus) thì cơ thể có thể tạo kháng thể với các virus khác cùng họ này (như monkeypox virus).

Năm 1980, WHO công bố đã hết dịch đậu mùa, nên chích ngừa vaccine cho bệnh này không còn cần thiết. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng cho virus họ Orthopox virus cũng giảm theo. Bệnh đậu mùa đã có mặt trên trái đất hơn 3.000 năm và giết chết rất nhiều người trong quá khứ.

Điểm quan trọng phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa (smallpox) là bệnh nhân có các hạch sưng (dưới nách hay khắp người) ở bệnh đậu mùa khỉ. Sau giai đoạn này, bệnh nhân có thể nổi các ban mẩn đỏ khắp người, tay chân.
Đậu mùa khỉ: Có vaccine và thuốc kháng virus đặc trị - Ảnh 1.

virus gây bệnh đậu mùa khỉ

Nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Nature cho thấy moneypox virus có thể biến đổi gen. Nghiên cứu này so sánh biến thể virus đậu mùa khỉ năm 2022 với năm 2018/2019 và họ phát hiện ra 50 điểm biến đổi trên gen DNA.

DNA virus thường có khả năng kiểm tra và đối chiếu gen sau khi sao chép tốt hơn RNA virus (như virus SARS-CoV-2) nên DNA virus thường ít đột biến hơn. Trong vòng 3 năm mà virus đậu mùa khỉ có 50 đột biến ở gen là điều đáng lo ngại.

Dù vậy, bệnh này vẫn được xem là rất hiếm và chúng ta đã có hiểu biết nhiều hơn về bệnh này so với COVID-19 ở giai đoạn đầu.

2. Triệu chứng và phát triển bệnh đậu mùa khỉ

Sau khi bệnh nhân bị nhiễm virus, sẽ có khoảng 1-2 tuần ủ bệnh (không có dấu hiệu bệnh). Sau thời gian ủ bệnh bệnh nhân có thể bắt đầu với các triệu chứng không rõ ràng như: Sốt, mệt mỏi, nhức đầu, hay yếu người.

Các ban mẩn đỏ sẽ phát triển qua 4 giai đoạn. Đầu tiên là nổi ban đỏ, sau đó chỗ ban sưng phồng lên, đau nhức, có nước tích tụ và có mủ. Ở giai đoạn bọng nước và mủ là giai đoạn dễ lây bệnh nhất. Bệnh nhân có thể sẽ gãi chỗ mẩn này khiến các mẩn bị vỡ, bong tróc và có thể lây nhiễm người khác.

Bệnh kéo dài khoảng 2-4 tuần, mức độ nặng nhẹ tùy theo sức khỏe nền của người nhiễm virus và tùy loại virus. Hiện nay có 2 chủng virus đậu mùa khỉ là west africa và central africa. Chủng west africa thường nhẹ hơn và ít tử vong hơn trong khi loại central africa thường nặng hơn.

Đậu mùa khỉ: Có vaccine và thuốc kháng virus đặc trị - Ảnh 2.

Các tổn thương trên da do đậu mùa khỉ gây ra.

3. Đường lây đậu mùa khỉ

Cơ quan phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây cập nhật thêm các đường có thể lây lan của bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm qua các đường khác nhau:

  • Đầu tiên là tiếp xúc trực tiếp giữa người và người, tiếp xúc trực tiếp các mẩn đỏ, chất dịch mủ, hay chất dịch cơ thể.
  • Dịch ho đờm khi tiếp xúc gần ở mức độ lâu hay tiếp xúc gần gũi như ôm hôn hoặc quan hệ tình dục.
  • Chạm vào vật dụng có tiếp xúc với chất dịch từ bệnh nhân đậu mùa khỉ
  • Mẹ lây cho thai nhi qua đường rốn
  • Từ tiếp xúc/bị cắn từ động vật bị nhiễm đậu mùa khỉ

4. Vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ – khi nào nên tiêm?

Vaccine đậu mùa khỉ đã có từ năm 2015 và có thể được chích vaccine dự phòng, nhưng CDC khuyến cáo chỉ chích vaccine cho những ai đã mắc, phơi nhiễm với đậu mùa khỉ hoặc những ai có rủi ro cao gặp bệnh này, như:

  • Bệnh nhân đã được phát hiện mắc hay phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ dựa vào triệu chứng và xét nghiệm.
  • Người thân và tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.
  • Bệnh nhân quan hệ tình dục với nhiều người trong vùng dịch đậu mùa khỉ.
  • Nhân viên y tế và chuyên viên phòng lab có thể tiếp xúc với sinh phẩm chứa virus đậu mùa khỉNên chích vaccine trong vòng 4 ngày sau khi nghi ngờ tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ hoặc chích trước cho những ai có rủi ro cao mắc bệnh này.

    Hiện nay có 2 loại vaccine được FDA chấp thuận là Jynneos (Imvamune/Imvanex) và ACAM2000. Cả hai loại vaccine này đều dùng virus đã bị làm “yếu”. Vì vậy, chích vaccine này phải cẩn thận với những bệnh nhân có bệnh nền hay hệ miễn dịch yếu và không phải ai cũng nên chích vaccine này.

    Jynneos (Imvamune) là loại vaccine làm từ virus vaccinia, cùng họ Orthopox virus với Monkeypox. Virus này khi chích vào sẽ đưa những virus đã bị làm yếu, không có khả năng gây bệnh vào cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ tấn công và học ra các nhận biết virus này.

    Do vaccinia virus cùng họ với monkeypox virus nên các kháng thể đặc hiệu cũng có thể bảo vệ cơ thể trước đậu mùa khỉ. Vaccine jynneos cần chích 2 mũi và được FDA cho phép năm 2021.

    +ACAM là vaccine được chấp thuận năm 2015, có cả trước jynneos, nhưng cách chích khó khăn khiến sau này CDC khuyến cáo dùng jynneos nhiều hơn. ACAM cũng là vaccine làm yếu vaccinia virus…

    5. Chữa trị đậu mùa khỉ bằng thuốc kháng virus

    – Tpoxx (tecovirimat) là thuốc đặc trị dùng để chữa bệnh nhân đang bị nhiễm đậu mùa khỉ. Thuốc này hoạt động bằng cách ức chế quá trình tạo vỏ của virus mới khi nhân đôi. Liều dùng của tecovirimat cho đậu mùa khỉ là uống viên 600mg ngày 2 lần trong vòng 14 ngày.

    Các trị liệu khác hỗ trợ như chữa trị nhiễm trùng da, chữa viêm sưng, hay các biến chứng do bệnh đậu mùa khỉ.

    Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh hiếm, nhưng có những dấu hiệu nguy hiểm và có những đột biến so với trước. Bệnh lây chủ yếu do tiếp xúc gần qua nhiều đường. Phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi bệnh.

    Vaccine và thuốc trị liệu đã được FDA và có thể dùng khi cần thiết. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo chưa cần tiêm đại trà vaccine đậu mùa khỉ.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)