Những điều cần biết về gan nhiễm mỡ

Hầu hết các trường hợp bị gan nhiễm mỡ không có triệu chứng và chỉ được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ. Gan nhiễm mỡ không nguy hiểm nhưng trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến tổn thương gan, xơ gan và ung thư gan.

Tất tần tật thông tin cần biết về bệnh gan nhiễm mỡ

1. GAN NHIỄM MỠ LÀ BỆNH GÌ?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo dư thừa trong gan.

Gan vốn có chứa một lượng nhỏ chất béo. Khi chất béo vượt quá 10% sẽ cản trở hoạt động bình thường của gan.

Những người uống nhiều rượu có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ. Nhưng gan nhiễm mỡ cũng có thể xảy ra ở những người không uống rượu.

2. PHÂN LOẠI GAN NHIỄM MỠ

Có thể phân gan nhiễm mỡ thành 02 loại là:

– Gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD – Alcoholic fatty liver disease)

– Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD – Nonalcoholic fatty liver disease)

a. Gan nhiễm mỡ do rượu

Gan nhiễm mỡ do rượu liên quan đến việc sử dụng nhiều rượu bia. Gan là cơ quan lớn nhất bên trong cơ thể tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, dự trữ năng lượng và loại bỏ độc tố. Gan phân hủy hầu hết lượng rượu mà bạn uống để loại bỏ nó ra khỏi cơ thể. Nhưng quá trình loại bỏ rượu có thể tạo ra các chất có hại làm hỏng tế bào gan.

Những chất này làm hỏng tế bào gan và thúc đẩy quá trình viêm. Gan nhiễm mỡ do rượu là giai đoạn sớm nhất của bệnh gan do rượu.

Theo số lượng rượu uống ngày càng nhiều, gan sẽ bị tổn thương và tiến triển thành các giai đoạn tiếp theo là viêm gan do rượu, xơ gan, suy gan và cuối cùng là ung thư gan.

b. Gan nhiễm mỡ không do rượu

Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng nhiễm mỡ gan ở những người không sử dụng rượu bia. Có hai loại là:

– Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFL): Là tình trạng có chất béo trong gan nhưng gan không bị viêm hay tổn thương. Loại này thường không tiến triển gây biến chứng.

– Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH): Là tình trạng có chất béo trong gan và gan bị viêm, tổn thương. Viêm gan có thể gây sẹo gan, xơ hóa, và cuối cùng tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.

Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ3. NGUYÊN NHÂN CỦA GAN NHIỄM MỠ

Theo cách phân loại có thể thấy gan nhiễm mỡ do rượu là do lạm dụng rượu bia gây ra.

Còn gan nhiễm mỡ không do rượu có nguyên nhân phức tạp hơn, vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, nó được cho là có liên quan các tình trạng sức khỏe mà phổ biến là rối loạn chuyển hóa và nhiễm virus viêm gan.

4. TRIỆU CHỨNG CỦA GAN NHIỄM MỠ

Gan nhiễm mỡ diễn ra âm thầm, gần như không có triệu chứng nào. Đa phần các trường hợp phát hiện ra gan nhiễm mỡ là qua khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Các trường hợp còn lại là do gan nhiễm mỡ đã tiến triển gây ra nhiều triệu chứng.

Một số ít các trường hợp bị gan nhiễm mỡ giai đoạn sớm có các triệu chứng mơ hồ như cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu ở vị trí gan – phía trên bên phải của bụng.

5. AI CÓ NGUY CƠ BỊ GAN NHIỄM MỠ

Gan nhiễm mỡ là bệnh gì? Có chữa được không? GIẢI ĐÁP NGAY! Gan nhiễm mỡ thường xảy ra ở người từ độ tuổi trung niên trở lên. Song bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em.

Người sử dụng nhiều rượu bia có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ, nhất là người uống nhiều rượu trong một thời gian dài. Ở những người nghiện rượu, phụ nữ và người bị béo phì có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao hơn.

Gan nhiễm mỡ không do rượu phổ biến hơn ở những người đã mắc một số tình trạng như:

– Béo phì

– Tiền đái tháo đường và đái tháo đường

– Tăng huyết áp

– Rối loạn lipid máu với cholesterol cao, triglyceride cao.

– Hội chứng chuyển hóa

– Giảm cân nhanh chóng

– Nhiễm virus viêm gan

– Sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc điều trị ung thư

– Tiếp xúc với một số chất độ, hóa chất. Vd: vinyl clorua

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 – 2/3 những người bị đái tháo đường loại 2, 75% người thừa cân và hơn 90% người bị béo phì nặng cũng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Tỷ lệ béo phì, đái tháo đường, mỡ máu và tăng huyết áp gia tăng cũng kéo theo tỷ lệ người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu tăng lên.

6. GAN NHIỄM MỠ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? BIẾN CHỨNG CỦA GAN NHIỄM MỠ

Bản thân gan nhiễm mỡ không nguy hiểm. Nhưng nếu không điều trị, người bị gan nhiễm mỡ có thể bị biến chứng gan và các tình trạng khác.

Các biến chứng gan của gan nhiễm mỡ là:

– Viêm gan: Gan bị viêm, tổn thương.

– Xơ hóa gan: Mô sẹo hình thành nơi gan bị tổn thương.

– Xơ gan: Mô sẹo mở rộng, thay thế cho mô khỏe mạnh làm chậm hoạt động của gan.

– Suy gan: Chức năng gan suy giảm, khó phục hồi.

– Ung thư gan: Ung thư gan là giai đoạn tiến triển nhất của bệnh gan. Đây cũng là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam.

Các biến chứng khác của gan nhiễm mỡ:

– Bệnh tim mạch

– Đái tháo đường loại 2

– Hội chứng chuyển hóa

7. CÁCH CHẨN ĐOÁN GAN NHIỄM MỠ

Gan có khả năng tự sửa chữa. Nhưng gan nhiễm mỡ tiến triển gây sẹo gan vĩnh viễn thì không thể đảo ngược được. Vì vậy việc phát hiện gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu là rất quan trọng.

Để chẩn đoán gan nhiễm mỡ, bác sĩ sẽ dựa vào:

– Khám lâm sàng: cân nặng, chiều cao, tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng rượu bia…

– Xét nghiệm máu: bao gồm công thức máu và xét nghiệm chức năng gan. Men gan cao là dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương.

– Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI).

– Trong một số trường hợp, cần sinh thiết gan để xác định mức độ tiến triển của bệnh gan.

8. CÁCH ĐIỀU TRỊ GAN NHIỄM MỠ

Không có thuốc đặc trị cho bệnh gan nhiễm mỡ nhưng mỡ gan, viêm và các tổn thương gan sớm có thể đảo ngược nhờ cơ thế tự phục hồi của gan. Cách điều trị hiệu quả nhất là thay đổi lối sống để quản lý các yếu tố góp phần gây ra gan nhiễm mỡ.

Đối với bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, quan trọng nhất là ngừng uống rượu.

Đối với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tùy vào thuộc vào tình trạng y tế của mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp. Vd: giảm cân nếu bị thừa cân béo phì, thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường tập thể dục, dùng thuốc kiểm soát bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp…

Nếu gan nhiễm mỡ tiến triển, gây ra biến chứng thì việc điều trị sẽ bao gồm điều trị các tình trạng này bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu xơ gan gây suy gan nặng, có thể cần ghép gan.

9. CÁCH PHÒNG NGỪA GAN NHIỄM MỠ

Gan nhiễm mỡ có thể phòng ngừa được bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh. Bạn nên:

– Ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc, hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa.

– Tập thể dục thường xuyên.

– Giữ cân nặng hợp lý.

– Uống rượu bia điều độ.

– Tiêm phòng vaccine, đặc biệt là vaccine viêm gan A và viêm gan B. Viêm gan C chưa có vaccine vì vậy bạn nên có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ.

– Cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng thuốc, nên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

– Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

Quan trọng nhất là bạn nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Trong các bài kiểm tra sức khỏe định kỳ luôn bao gồm các xét nghiệm cận lâm sàng để kiểm tra chức năng gan. Phát hiện sớm gan nhiễm mỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng cho gan.

BS NEÁNG RETH THA, Khoa Nội Tiêu hoá Huyết học

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)