Những điều cần biết về bệnh uốn ván

Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Bệnh uốn ván là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở nhiều nước đang phát triển thuộc Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ, đặc biệt ở những vùng nông thôn và vùng nhiệt đới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới trong những năm cuối của thể kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh (UVSS)  ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ chết/mắc của UVSS rất cao, có thể tới trên 80%, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn. Tỷ lệ chết/ mắc của uốn ván từ 10 – 90%, tỷ lệ chết cao nhất ở trẻ nhỏ và người có tuổi.

Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt.

C:\Users\Administrator\Desktop\tải xuống.jpg

Hình: Ảnh minh hoạ người mắc bệnh uốn ván

Ở Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện tản phát ở khắp các tỉnh trong cả nước. Chương trình loại trừ UVSS được triển khai từ năm 1992. Từ năm 2005, Việt Nam đã loại trừ bệnh UVSS theo quy mô huyện với tỷ lệ mắc UVSS dưới 1/1.000 trẻ đẻ sống.

Bệnh được mô tả vào 1.000 năm trước công nghuyên, nhưng đến nay ở nước ta bệnh uốn ván vẫn gây ra bi kịch cho dân lao động nghèo. Mỗi năm Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang tiếp nhận điều trị 30- 50 bệnh nhân với chi phí điều trị trung bình 20 – 40 triệu đồng/ca, các ca nặng lên tới 150- 200 triệu đồng, trong khi chi phí chủng ngừa dưới 100.000 đồng/ mũi.

Thời kỳ lây truyền của bệnh uốn ván, kể cả UVSS, xảy ra tản phát đối với những người chưa được miễn dịch đầy đủ do ngẫu nhiên bị nhiễm nha bào uốn ván. Đây là bệnh nhiễm khuẩn không lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác.

Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.

Trẻ sơ sinh bị bệnh UVSS  là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Bệnh UVSS thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà do “bà đỡ vườn” theo phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Tất cả mọi người đều có thể bị bệnh uốn ván. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván bao gồm: Những người nông dân làm vườn, tiếp xúc nhiều với đất cát; những người làm việc tại trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm; những người làm công việc dọn vệ sinh, bao gồm cống rãnh và chuồng trại; các công nhân xây dựng công trình, thợ xây, v/v…

Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 21 ngày. Cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10 ngày. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Nói chung, các vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn, tiên lượng xấu hơn.

Biểu biện lâm sàng của bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em: Co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt làm cho bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn”. Co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…

Đối với bệnh uốn ván sơ sinh (UVSS): Trẻ đẻ ra bình thường trong 2 ngày đầu, bệnh xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau sinh: Cứng hàm làm cho trẻ không thể bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong.

Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Các bệnh ở răng hàm mặt: Tai biến răng khôn, viêm sưng hàm do sâu răng…; Viêm màng não: Đôi khi có tăng trương lực cơ toàn thân nhưng không thấy cứng hàm; Ngộ độc strychnine: Co cứng cơ ở chi và thân mình, cứng hàm không rõ và xuất hiện cuối cùng.

Với chi phi điều trị từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, trong khi bệnh có thể phòng ngừa được, vì vậy việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Đề phòng bệnh uốn ván cần thực hiện các công việc như sau:

Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh uốn ván và UVSS, về sự nguy hiểm của các vết thương do đâm chọc và những vết thương kín và sự cần thiết phải tiêm chủng chủ động hoặc tiêm chủng thụ động sau khi bị thương, về sự cần thiết phải thực hiện đẻ sạch, vô khuẩn sản khoa.

Gây miễn dịch bằng giải độc tố uốn ván (tetanus toxoid: TT) hay còn gọi là vaccine ngừa uốn ván (Vaccine Anatoxin Tetanus: VAT) sẽ tạo được miễn dịch chủ động và tình trạng miễn dịch đó sẽ tồn tại được ít nhất 10 năm sau khi được gây miễn dịch đầy đủ.

Tiêm globulin miễn dịch uốn ván (tetanus immune globulin: TIG) hoặc tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván (tetanus antitoxic serum: SAT) sẽ cho miễn dịch thụ động trong thời gian ngắn.

Trẻ được sinh ra từ những người mẹ đã được gây miễn dịch chủ động thì chúng sẽ có miễn dịch thụ động để bảo vệ cơ thể không bị UVSS.

Sau khi khỏi bệnh uốn ván, cơ thể không được miễn dịch và vẫn có thể bị mắc bệnh lại. Vì vậy, gây miễn dịch cơ bản bằng TT vẫn được chỉ định sau khi khỏi bệnh.

Gây miễn dịch rộng rãi cho mọi người bằng TT, nhất là cho các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván, kể cả những người sau khi khỏi bệnh uốn ván. Trẻ em dưới 7 tuổi thường được tiêm vắc xin phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT). Trẻ trên 7 tuổi có chống chỉ định tiêm vắc xin ho gà nên chỉ tiêm vắc xin phối hợp bạch hầu -uốn ván (DT) và tiêm TT cho người lớn kể cả phụ nữ có thai (PNCT).

Ở Việt Nam, lịch tiêm phòng uốn ván cho trẻ dưới 1 tuổi: Gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vắc xin DPT vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi.

Lịch tiêm TT để phòng bệnh UVSS:

– Gây miễn dịch cơ bản cho phụ nữ có thai bằng 2 liều TT cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều TT trước khi sinh 1 tháng.

– Tiêm cho phụ nữ 15 – 35 tuổi tại các địa phương có nguy cơ cao: Tối thiểu 3 liều, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.

Với mục đích phòng bệnh cho người lớn nói chung: Tối thiểu 3 liều TT với khoảng cách mỗi liều giống như tiêm cho phụ nữ 15 – 35 tuổi.

Để duy trì khả năng miễn dịch bảo vệ bệnh uốn ván cần tiêm nhắc lại TT cứ 10 năm 1 lần.

Đối với trẻ em và người lớn bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc bị nhiễm HIV thì vẫn chỉ định tiêm TT với liều lượng như người bình thường. Tuy nhiên, sự đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm có thể không được đầy đủ.

Đối với người bị thương có nguy cơ mắc bệnh uốn ván thì cần xử lý như sau:

Tiền sử tiêm ngừa uốn ván Vết thương nhỏ, sạch Các vết thương khác
TT SAT TT SAT
Không rõ hoặc ít hơn 3 liều váccine Tiêm càng sớm càng tốt sau lúc bị thương Không Tiêm càng sớm càng tốt sau lúc bị thương Cần
Tiêm phòng đủ 3 liều hoặc hơn và liều cuối cùng cách đây dưới 5 năm Không Không Không Không
Tiêm phòng đủ 3 liều hoặc hơn và liều cuối cùng cách đây 5- 10 năm Không Không Tiêm nhắc lại 1 liều ngay trong ngày bị thương Không
Tiêm phòng đủ 3 liều hoặc hơn và liều cuối cùng cách đây hơn 10 năm Cần Không Cần Cần

Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản, chưa được tiêm đủ 3 liều TT hoặc không rõ tiền sử tiêm TT và có vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì phải chỉ định tiêm TIG với liều thấp nhất là 250 IU (hoặc SAT với liều 1500-5000 IU). Có thể tiêm TT, tiêm TIG hoặc SAT cùng một lúc, nhưng phải dùng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí khác nhau.

Nếu tiêm SAT có nguồn gốc từ động vật thì phải thử phản ứng để phòng sốc phản vệ bằng cách tiêm trong da 0,02 ml dung dịch kháng độc tố pha loãng 1:100 với nước muối sinh lý đồng thời chuẩn bị sẵn một bơm tiêm với adrenalin. Trường hợp người bị thương đã có lần được tiêm huyết thanh động vật thì trước khi tiêm phải thử phản ứng nội bì với kháng độc tố được pha loãng 1/1.000 và có đối chứng âm tính bằng tiêm nước muối sinh lý. Đọc kết quả sau khi thử phản ứng từ 15 – 20 phút. Nếu chỗ đối chứng âm tính và chỗ thử kháng độc tố xuất hiện nốt phỏng với quầng đỏ rộng 3 mm thì đó là kết quả thử dương tính và cần phải làm giải mẫn cảm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm”.
  2. Bệnh viện Chỡ Rẫy (2018) Phác đồ điều trị phần Nội khoa, Nhà xuất bản Y học.
  3. TS.BS. Nguyễn Văn Hảo (2020) Bệnh uốn ván. Bệnh truyền nhiễm. Nhà xuất bản Y học, 2020: 140-162.
  4. Cục Y tế dự phòng (2026). Bệnh uốn ván. https://vncdc.gov.vn/benh-uon-van-nd14517.html.

BS Dương Quốc Hiền

Trưởng khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện ĐKTT An Giang

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)