Nhận xét về tình hình sức khoẻ nhân viên bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang năm 2018

NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH SỨC KHOẺ

 

Người thực hiện: BS Cúc, Sinh, Nguyện, Danh, Thạnh

TÓM TẮT

Mục tiêu: Nhận xét về tình hình sức khỏe nhân viên bệnh viện qua khám sức khỏe định kỳ hàng năm, ghi nhận những loại bệnh thường gặp để can thiệp và phòng bệnh.

Phương pháp nghiên cứu: hồi cứu

Đối tượng nghiên cứu: tất cả nhân viên bệnh viện có khám sức khoẻ định kỳ trong năm 2018.

Ghi nhận kết quả theo hồ sơ bao gồm: Tuổi, giới tính, loại bệnh, lưu ý bệnh nghề nghiệp ở các khoa Lao, Nhiễm.

Phân tích dữ liệu: Nhập dữ liệu vào Excel, phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 16.0.

Kết quả nghiên cứu: tuổi từ 20 đến 50 chiếm 85% đây là những nhóm tuổi ít bệnh, làm việc tốt. Sức khỏe loại I tỷ lệ 66% (466 người), sức khỏe loại II tỷ lệ 32,86 (232 người)cả loại I và II là 98,86%. Loại III 7 người tỷ lệ 0,99% và loại V 01 người tỷ lệ 0,14%. 5 loại bệnh có tỷ lệ cao: Tật khúc xạ 153 người tỷ lệ 21,26%. Bệnh về răng như mất răng tỷ lệ 11,80%. Tăng huyết áp 55 người (7,79%), rối loạn lipid 45 người (637%), ĐTĐ 42 người (5,94) những bệnh này hầu như phát hiện nhiều ở nhóm trên 50 tuổi. Khoa có số người bị bệnh tật khúc xạ nhiều nhất là phòng Tài chính kế toán 11/27 người, kế đến là khoa Dược 10/46 người. Khoa có số người bệnh cao nhất là Giải Phẫu bệnh 4/6 người; CĐHA 21/35; Khoa khám bệnh 25/43 và khoa bệnh ít nhất là Hồi Sức tích cực 4/43. Hiện tại chưa ghi nhận được các bệnh nghề nghiệp liên quan đến các khoa lây nhiễm như: Lao, Truyền Nhiễm

Kết luận: Từ nghiên cứu cho thấy tuổi lao động tốt của bệnh viện nằm ở nhóm tuổi sung sức, ít bệnh là từ 20 đến 50 tuổi chiếm 85%. Sức khỏe loại I,II tỷ lệ 98,86%. 5 bệnh có tỷ lệ cao là Tật khúc xạ ( 21,26%). Bệnh về răng (11,80%). Tăng huyết áp (7,79%), rối loạn lipid (637%), ĐTĐ(5,94). Số người bị bệnh tật khúc xạ nhiều nhất là ở phòng Tài chính kế toán 11/27 người, khoa Dược 10/46 người. Khoa có số người bệnh cao nhất là Giải Phẫu bệnh 4/6 người; CĐHA 21/35; Khoa khám bệnh 25/43 và khoa bệnh ít nhất là Hồi Sức tích cực 4/43.

I – ĐẶT VẤN ĐỀ:

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe của người lao động được quy định trong bộ luật riêng và được pháp luật bảo vệ. Bởi vì sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quyết định chất lượng cũng như năng suất lao động. Người có sức khỏe là một trong những nguồn vốn quí giá nhất để góp vào sự thành công trong cuộc sống. Tại cơ quan, sức khỏe của cán bộ, nhân viên tốt, sẽ cho ra những sản phẩm tốt, những sản phẩm tốt giúp doanh nghiệp, cơ quan phát triển và ổn định. Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo sát sao vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, nhân viên tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT về hướng dẫn khám sức khỏe và Thông tư số 19/2016/TT-BYT, về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động của Bộ Y tế. Theo quy định tại thông tư này các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất một lần/năm và 6 tháng 1 lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm [1], [2]. Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang đã thực hiện khám sức khoẻ cho nhân viên mỗi năm, đồng thời tầm soát thêm những bệnh có dấu nghi ngờ.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU:

– Nhận xét về tình hình sức khỏe nhân viên bệnh viện qua khám sức khỏe định kỳ hàng năm, ghi nhận những loại bệnh thường gặp, để có hướng can thiệp và phòng bệnh.

III – ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Đối tượng nghiên cứu: tất cả nhân viên bệnh viện có khám sức khoẻ định kỳ trong năm 2018.

Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu

Ghi nhận kết quả theo hồ sơ bao gồm: Tuổi, giới tính, loại bệnh, lưu ý bệnh nghề nghiệp ở các khoa Lao, Nhiễm.

Nhập dữ liệu vào Excel, phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 16.0.

IV – KẾT QUẢ:

Từ kết quả chúng tôi ghi nhận được 706 nhân viên đi khám sức khỏe trên tổng số danh sách đăng ký ban đầu là 819 nhân viên: Bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và các nhân viên khác, nam 260, nữ 446, người cao tuổi nhất 61 và nhỏ tuổi nhất 21 tuổi, phân theo các độ tuổi sau:

Bảng 1: Phân độ tuổi

STT Độ tuổi n, %
1 20 – 30 118 (17%)
2 31 – 40 309 (44%)
3 41 – 50 174 (24%)
4 51 – 60 105 (15%)

Bảng 2: Kết quả về phân loại sức khỏe

STT Phân loại sức khỏe n, %
1 Loại I 466 (66%)
2 Loại II 232 (32,86%)
3 Loại III 07 (0,99%)
4 Loại V 01 (0,14%)

Biểu đồ 1: Phân loại sức khỏe

Bảng 3: Các loại bệnh chiếm tỷ lệ cao

STT Loại bệnh n, %
1 Tật khúc xạ 153 (21,26%)
2 Bệnh về răng 84 (11,8%)
3 Tăng huyết áp 55 (7,79%)
4 Rối loạn Lipid máu 45 (6,37%)
5 Đái tháo đường 42 (5,94%)

Nhận xét:

– Trong nhóm bệnh cao nhất là tật khúc xạ, chiếm tỷ lệ 21,26%, Khoa có số người bị bệnh nhiều nhất là Phòng tài chính kế toán 11/27 người, kế đến là Khoa dược 10/46 người.

– Về tầng suất bệnh theo khoa, khoa có số người bệnh cao nhất là Giải phẫu bệnh 4/6 người; CĐHA 21/35; Khoa khám bệnh 25/43 và khoa bệnh ít nhất là Hồi Sức tích cực 4/43.

V- BÀN LUẬN

Năm 2018 bệnh viện khám sức khỏe định kỳ cho 706 nhân viên bệnh viện. Tuổi từ 20 đến 50 chiếm 85% (17%, 44%, 24%) đây là những nhóm tuổi sung sức, ít bệnh. Đặc biệt hơn nhóm 31-40 chiếm tỷ lệ 44%, nhóm này không những sức khỏe tốt mà còn nhiều kinh nghiệm và làm việc chín chắn. Nhóm 51-61 chiếm một phần rất nhỏ chỉ có 17% trong nhóm này thấy có sự liên quan về một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu. Về phân loại sức khỏe, chúng ta ghi nhận được sức khỏe loại I chiếm tỷ lệ 66% (466 người) và sức khỏe loại II tỷ lệ 32,86 (232 người). Như vậy sức khỏe loại I và II là những người đôi khi chỉ mất răng và tật khúc xạ nhưng năng lực làm việc rất tốt không ảnh hưởng đến công việc chiếm tỷ lệ 98,86%. Loại III 7 người tỷ lệ 0,99% và loại V 01 người tỷ lệ 0,14%. Năm loại bệnh có tỷ lệ cao là tật khúc xạ 153 người (21,26%). Đây là loại bệnh đa số xảy ra ở người trẻ khi vào làm việc đã có và một bộ phận nhân viên phải làm việc nhiều trên máy tính điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu của các tác giả khác. Theo tác gỉa Hoàng Hữu Khôi và CS [5], nghiên cứu tình hình tật khúc xạ và các yếu tố liên quan ở học sinh trung học cơ sở thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng trên 1539 học sinh, tỷ lệ giảm thị lực chung do tật khúc xạ là 39,8%. Trong các tật khúc xạ thì cận thị chiếm đa số với tỷ lệ 93,5%, loạn thị chiếm tỷ lệ 3,9% và viễn thị chiếm tỷ lệ 2,6%. Tỷ lệ tật khúc xạ của học sinh Trung học cơ sở ở thành thị là 58,7% và ở nông thôn là 16,7% [5]. Bệnh về răng như mất răng 84 người chiếm tỷ lệ 11,80%, bệnh này rất phổ biến hiện nay liên quan đến chăm sóc răng miệng và đã dần cải thiện khi hệ thống nha khoa học đường tiến triển tốt. Tăng huyết áp 55 người (7,79%), rối loạn lipid 45 người (637%), ĐTĐ 42 người (5,94) những bệnh này hầu như phát hiện nhiều ở nhóm trên 50 tuổi. Trong nhóm bệnh cao nhất là tật khúc xạ, khoa có số người bị bệnh nhiều nhất là Phòng tài chính kế toán 11/27 người, kế đến là khoa dược 10/46 người. Điều này có lẽ phù hợp vì phòng Tài chính kế toán hầu như 100% nhân viên phải làm việc trên máy tính suốt ngày. Khoa dược cũng vậy, vừa sử dụng máy tính và còn căng mắt đọc những toa thuốc rất nhỏ nên không thể tránh những bệnh về mắt. Về tầng suất bệnh theo khoa, khoa có số người bệnh cao nhất là Giải phẫu bệnh 4/6 người; CĐHA 21/35; Khoa khám bệnh 25/43. Khoa bệnh ít nhất là Hồi Sức tích cực 4/43. Có lẽ những khoa này nhân viên thường xuyên tiếp xúc với bệnh phẩm, hóa chất và đặc biệt khoa Khám bệnh hàng ngày phải tiếp xúc với một lượng bệnh rất đông đến khám nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Riêng khoa Hồi Sức lực lượng làm việc tại đây là thành phần ưu tú, rất năng động, nhanh nhẹn và phải có sức khỏe tốt vì thế nghiên cứu này cho thấy phòng Tổ Chức đã bố trí nhân lực phù hợp. Chúng tôi chưa ghi nhận được các bệnh nghề nghiệp liên quan đến các khoa lây nhiễm như: Lao, Nhiễm.

VI- KẾT LUẬN

Qua kết quả nghiên cứu 706 nhân viên bệnh viện khám sức khỏe định kỳ hằng năm, chứng tôi có thể kết luận như sau:

-Tuổi: Tuổi từ 20 đến 50 chiếm 85% đây là những nhóm tuổi sung sức, ít bệnh, làm việc tốt.

-Sức khỏe loại I chiếm tỷ lệ 66% (466 người) và sức khỏe loại II tỷ lệ 32,86 (232 người). Như vậy sức khỏe loại I và II là 98,86%. Loại III 7 người (0,99%) và loại V 01 người (0,14%).

-5 loại bệnh có tỷ lệ cao: Tật khúc xạ 153 người (21,26%). Bệnh về răng như mất răng tỷ lệ 11,80%. Tăng huyết áp 55 người (7,79%), rối loạn lipid 45 người (637%), ĐTĐ 42 người (5,94%) những bệnh này hầu như phát hiện nhiều ở nhóm trên 50 tuổi. Khoa có số người bị bệnh tật khúc xạ nhiều nhất là phòng Tài Chính kế toán 11/27 người, kế đến là khoa Dược 10/46 người. Tầng suất bệnh theo khoa, khoa có số người bệnh cao nhất là Giải phẫu bệnh 4/6 người; CĐHA 21/35; Khoa khám bệnh 25/43. Khoa bệnh ít nhất là Hồi Sức tích cực 4/43.

-Hiện tại chưa ghi nhận các bệnh nghề nghiệp liên quan đến các khoa lây nhiễm như: Lao, Nhiễm.

VII-KIẾN NGHỊ

Trường hợp sức khỏe loại V nếu hiệu quả làm việc không cao nên cho về hưu theo dạng chính sách. Lập hồ sơ theo dõi nhưng nhân viên bị bệnh mãn tính và tạo điều kiện cho nhân viên làm việc đúng tư thế, đủ ánh sáng, thực hiện phòng ngừa chuẩn tránh ảnh hưởng các bệnh về mắt và bệnh nghề nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. THÔNG TƯ Số: 14/2013/TT-BYT, HƯỚNG DẪN KHÁM SỨC KHỎE.
  2. THÔNG TƯ Số: 19/2016/TT-BYT, HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG.
  3. Vũ Quang Dũng (2008), Nghiên cứu thực trạng tật khúc xạ, yếu tố nguy cơ và hiệu quả của một số giải pháp phòng chống tật khúc xạ học đường tại tỉnh Thái Nguyên, Đề tài cấp Bộ, mã số B2006-TN05-04.
  4. Đỗ Như Hơn (2014), Công tác phòng chống mù lòa năm 2012-2013 và phương hướng hoạt động năm 2014, Kỷ yếu Hội nghị Nhãn khoa toàn quốc 2014, Hà Nội, tr. 6-17.
  5. Hoàng Hữu Khôi và CS, Nghiên cứu tình hình tật khúc xạ và các yếu tố liên quan ở học sinh trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nghiên cứu sinh trường đại học Y dược Huế.

 

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)