Máy tạo nhịp: cứu cánh của trái tim

1. Trái tim khỏe mạnh

– Công việc của trái tim là chuyển máu khắp cơ thể nên đôi khi tim được gọi là “máy bơm”. Máu chứa Oxy mà các mô và cơ quan cần để làm việc. Các tế bào máu nhận oxy từ phổi và hoạt động bơm của tim chuyển máu giàu oxy đến phần còn lại của cơ thể.

– Một trái tim bình thường đập khoảng 60 – 100 l/p. Tốc độ tim đập được kiểm soát bởi một khu vực nhỏ ở buồng trên tim. Khu vực này là “máy tạo nhịp tự nhiên” của tim và được gọi là nút xoang.

2. Chứng loạn nhịp tim

– Loạn nhịp tim là những nhịp tim bất thường. Bao gồm chứng loạn nhịp nhanh, loạn nhịp chậm, bắt đầu từ nơi khác không phải nút xoang hoặc bất đồng bộ.

3. Máy tạo nhịp tim

– Máy tạo nhịp là một thiết bi được chế tạo từ các con chíp vi tính có khả năng nhận ra sự bất thường của nhịp tim và tự phát xung điện để làm nhịp tim đập đều đặn và kịp thời (máy tạo nhịp tạo ra các xung điện kích thích tim)

– Máy tạo nhịp được cấy vào phần ngực trên. Các xung điện do máy tạo nhịp tạo ra sẽ được phát qua những dây dẫn đặc biệt gọi là dây điện cực, thường được đặt bên trong tim.

– Một máy tạo nhịp bình thường có thể có tuổi thọ kéo dài 10 năm. Thời gian kéo dài tùy thuộc vào các loại pin, tần suất máy phát xung, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và các yếu tố khác. Pin không bất ngờ ngừng hoạt động mà sẽ từ từ hết trong vòng vài tháng đủ thời gian để lên lịch cho một phẫu thuật thay máy.

4. Tại sao bạn cần phải đặt máy?

– Nếu bạn có nhịp tim chậm hoặc bất thường gây choáng, chóng mặt, mệt mỏi, hơi thở ngắn, đánh trống ngực hoặc bất tỉnh, bạn có thể cần được đặt máy tạo nhịp. Tim phát ra xung điện riêng của nó, có thể gây bóp và giãn ra theo chuỗi thời gian thích hợp, để nó có thể bơm máu cho cơ thể. Các tín hiệu điện có thể bị chặn lại hoặc không đều làm cho nhịp tim đập rất chậm. Máy tạo nhịp tim tạo kích thích điện khi tim không đập hoặc đập rất chậm. Trong nhiều trường hợp, máy tạo nhịp giúp tim bạn đập đúng nhịp.

5. Làm sao máy tạo nhịp biết khi nào phải phát xung kích thích?

– Máy tạo nhịp có thể cảm nhận nhịp tim. Bác sĩ của bạn có khả năng điều chỉnh các cài đặt của máy tạo nhịp để tạo sự hỗ trợ cho nhiều phong cách sống và hoạt động. Một số máy tạo nhịp có thể cảm nhận hoạt động của bệnh nhân từ đó có thể tăng hoặc giảm nhịp tim. Bác sĩ có thể giúp bạn có một thiết bị phù hợp với nhu cầu y khoa và lối sống.

– Sau khi máy tạo nhịp đã nằm trong cơ thể, các thiết lập của máy vẫn có thể được điều chỉnh. Các bác sĩ và nhân viên y tế “nói chuyện” với máy bằng một máy lập trình. Thủ thuật này không đau. Máy lập trình cũng hiển thị các thông tin về tim mà máy tạo nhịp thu thập được.

6. Máy tạo nhịp được cảm thấy như thế nào?

– Hầu hết mọi người đều không cảm nó. Xung điện của máy tạo nhịp rất nhỏ. Nếu bạn cảm thấy xung kích thích, bác sĩ có thể thay đổi các thông số thiết lập để bạn thoải mái hơn.

7. Những nguy cơ và lợi ích

– Máy tạo nhịp không chữa trị nguyên nhân gây loạn nhịp tim nhưng vì có thể duy trì nhịp tim thích hợp nên máy tạo nhịp tim có thể cải thiện mạnh mẽ chất lượng sống của bệnh nhân bị loạn nhịp tim.

– Mang máy tạo nhịp tim có những lợi ích gì?

  • Máy sẽ theo dõi nhịp tim nội tại và cách tim đập để phát kích thích điện khi tim không đập hoặc đập quá chậm.
  • Giảm được các triệu chứng như choáng váng, chóng mặt và ngất. Một số người cảm thấy được “cung cấp thêm sinh lực” sau khi được đặt máy.
  • Máy tạo nhịp cũng làm bệnh nhân cảm thấy “an tâm”, giúp người ta tận hưởng cuộc sống lâu hơn, hữu ích hơn, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

– Mang máy tạo nhịp tim có những nguy cơ gì?

  • Một số ít bệnh nhân có biến chứng từ ca phẫu thuật đặt máy có thể bao gồm nhiễm trùng, phản ứng của cơ thể với thuốc được sử dụng trong ca phẫu thuật, mất máu hoặc thương tổn thành tim hay mạch máu.
  • Các máy tạo nhịp hiện nay có nhiều tính năng an toàn. Đôi khi máy tạo nhịp có thể hoạt động không chính xác do ảnh hưởng từ 1 nguồn năng lượng điện từ bên ngoài, đầu dây điện cực cũng có thể bị thay đổi vị trí trong tim hoặc hiếm khi có thể trượt khỏi vị trí bên trong ngực.

8. Học cách sống chung với máy tạo nhịp tim

– Thuốc: Thường thì máy tạo nhịp không thay thế cho việc dùng thuốc. Bảo đảm là bác sĩ tim mạch biết về tất cả các thuốc mà bạn đang dùng. Tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc khi chưa có lời khuyên của bác sĩ.

– Thực phẩm và dinh dưỡng: Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ và ít chất béo, cholesterol và muối. Thực phẩm nhiều béo, cholesterol (như sữa nguyên kem, thịt đỏ và thịt khô) góp phần làm xơ cứng động mạch của bạn – là nguyên nhân chính gây đau tim và đột quị. Thức ăn nhiều chất xơ giàu vitamin và chất khoáng sẽ làm bạn cảm thấy no và đáp ứng ít với calorie hơn.

– Thể thao và giải trí: Trong hầu hết các trường hợp máy tạo nhịp tim không hạn chế thú vui của bạn. Tuy nhiên, hãy tránh các môn thể thao va chạm mạnh như bóng đá. Vận động phần trên cơ thể quá sức hoặc lặp đi lặp lại như nâng tạ trong 1 số trường hợp có thể ảnh hưởng đến máy tạo nhịp tim hoặc các điện cực.

Tham gia chương trình phục hồi chức năng tim để lấy lại sức mạnh và cải thiện sức khỏe tim mạch. Điển hình bao gồm đi bộ và đạp xe đạp là các môn thể dục phổ biến, an toàn và hiệu quả.

Khoa Nội Tim mạch – Lão học, BVĐKTT An Giang

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)