Với nhiều kĩ thuật cao về tim mạch đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Trung Tâm An Giang trong đó thì máy khử rung cấy được (ICD: Implantable Cardioverter Defibrillator) đã trở thành một phương pháp điều trị nền tảng trong việc dự phòng đột tử do tim. Khoa Tim mạch – BVĐKTT An Giang đã thực hiện phẫu thuật cấy ghép ICD cho nhiều bệnh nhân có nguy cơ đột tử do tim cao.
Máy khử rung tim cấy được ( ICD) là gì?
Máy khử rung tim cấy được ( ICD –Implantable Cardioverter Defibrillator) là một thiết bị y tế được cấy vào dưới da bệnh nhân ( thường dưới đòn bên trái), với mục đích tái lập tại nhịp tim cơ bản bình thường, cứu bệnh nhân khỏi đột tử do các rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm.
Máy khử rung tim cấy được hoạt động như thế nào?
Với dây điện cực kết nối trực tiếp vào tim. ICD ghi nhận và theo dõi tất cả mọi hoạt động điện học của tim. Khi tim xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm, tín hiệu bất thường này sẽ chuyển tới máy ICD. Với thuật toán thông minh, máy ICD phân tích rối loạn nhịp và phát ra một xung điện để khử cực hoàn toàn quả tim ( sốc điện), giúp khôi phục lại nhịp đập bình thường của tim, nếu nhịp tim quá chậm, máy sẽ kích nhịp để quả tim co bóp với tần số bình thường đã được lập trình từ trước.
Tại sao máy lại phải sốc điện?
Khi có rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm xảy ra ( thường loạn nhịp thất), quả tim sẽ bóp với tần số rất nhanh, thực tế lúc này quả tim hầu như không bóp mà chỉ “run rẩy”, hậu quả là máu sẽ không được bom đi nuôi cơ thể, điều này sẽ khiến bạn hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp, ngất, thậm chí tử vong nếu không được chuyển nhịp kịp thời.
Lúc rối loạn nhịp này xảy ra khi bạn đang theo dõi tại bệnh viên, bạn sẽ được sốc điện với các bản điện cực bên ngoài lồng ngực. Nhưng nếu bạn không ở trong bệnh viên, máy ICD sẽ là biên pháp duy nhất có thể cứu sống bạn. Não chỉ chịu được thiếu oxy trong vòng khoảng 4 phút.
Khi nào cần đặt máy khử rung cấy được (ICD)?
Cấy máy ICD là phương pháp được chỉ định cho những đối tượng bệnh nhân:
Có cơn rung thất hoặc tim nhanh thất gây rối loạn huyết động mà không do các nguyên nhân có thể đảo ngược được.
ICD cũng có thể được chỉ định cho bệnh nhân gây được cơn rung thất hoặc tim nhanh thất khi thăm dò điện sinh lý học tim hoặc bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nguyên phát hoặc do nguyên nhân nhồi máu cơ tim cũ, có EF < 35%, và nguy cơ cao bị rung thất hoặc tim nhanh thất.
Do dó có thể bạn thấy bình thường mà bác sỹ lại đề nghị bạn cấy máy ICD? Vì có nhiều bệnh lý làm cơ tim suy yếu, khiến nhưng nhóm cơ này trở nên dễ bị kích thích, ở thành ổ phát nhịp nhanh nguy hiểm. Nhưng nguyên nhân thường gập người lớn là: sau nhồi máu cơ tim, những bệnh khác có nguy cơ cao gây rối loạn nhịp dẫn đến đột tử như Brugada, hội chứng QT kéo dài, bệnh tim bẩm sinh ….
Cấy máy có lâu và an toàn không?
Hiên nay, đặt máy trợ tim là một phẫu thuật khá đơn giản và an toàn. Sau một khoảng thời gian theo dõi và nghỉ ngơi tại bệnh viện, người bệnh đã có thể trở lại sinh hoạt thường ngày mà không gặp bất cứ trở ngại gì,.
Khi chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá tiền sử bệnh của người đó tiến hành làm các xét nghiệm máu. Người bệnh sẽ được chuẩn bị như vệ sinh vùng dưới đòn, nhịn ăn trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật.
Đây là thủ thuật can thiệp tối thiểu, khi cấy máy chỉ cần gây tê tại chỗ để bạn không đau, không cần gây mê, bạn hoàn toàn tỉnh táo nhận biết nhân viên y tế xung quanh. Thời gian cấy máy khoảng 1 – 2 giờ tùy thuộc loại máy ICD. Sau đó các bác sĩ sẽ kiễm tra hoạt động của máy.
Vậy cấy máy có rủi ro gì, sao bao lâu tôi có thể hồi phục?
Bệnh nhân có thể cảm thấy đau xung quanh khu vực ghép máy tạo nhịp, nhưng tinh trạng này sẽ không kéo dài. Các tình trạng khác có thể xuất hiện như:
- Sưng hoặc chảy máu tại vị trí ghép.
- Nhiễm trùng vết thương.
Nếu có vấn đề trên hay đến bệnh viên ngay.
Sau khi hồi phục hoàn toàn ( thường 3 tuần), bạn có thể sinh hoạt, làm việc, chơi thể thao, lái xe, đi du lịch bình thường.
Cần chú ý gì sau khi đặt máy?
Trong thời gian nằm viện, cần tránh các cử động đột ngột liên quan đến việc di chuyển cánh tay ra xa cơ thể, tuân thủ chỉ dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn để kiểm tra và điều chỉnh để hoạt động của máy được tối ưu.
Lò vi sóng ngày nay hoạt động an toàn, không ảnh hưởng đến hoạt động của máy ICD, bạn hãy yên tâm sử dụng theo nhu cầu của mình.
Sóng điện thoại cũng tương tự, an toàn với ICD khi bạn dùng đúng cách, đừng để điện thoại ở túi áo bên đặt máy ICD và nên nghe điện thoại bằng tai đối diện, để hạn chế tối đa ảnh hưởng của sóng điện thoại.
Trong trường hợp bạn phải chụp cộng hưởng từ (MRI), hãy thông báo bác sỹ trước để được điều chỉnh máy trước và sau khi chụp. Bạn nên tránh những thiết bị có cường độ dòng điện hoặc từ trường lớn có thể ảnh hưởng máy ICD như thiết bị cảnh báo trộm ở siêu thị, máy hàn ….
Bên canh đó không nên quên mang theo tấm thẻ chứng nhận bàn là người mang máy ICD để mọi người và nhân viên y tế biết khi có vấn đề bất thường xảy ra, tấm thẻ cũng giúp bạn đi qua thiết bị phát hiện kim loại ở sân bay mà không gập nhiều phiền toái.
Bạn sẽ cảm thấy thể náo khi bị sốc điện, sốc điện có nguy hiểm không?
Cảm giác khác nhau ở mỗi người, có người thấy như bị quả bóng đập khí sau lưng, bị ngựa đá … Cảm giác này diễn ra rất nhanh trong vòng một giây, đa phần bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở sau lưng hơn là ở đằng trước.
Bên canh đó mọi người vẫn có thể ôm bạn bình thường, kể cả khi có sốc điện họ cũng không hề bị đau.
Sau sốc điện, tốt nhất bạn nên ngồi xuống, gọi ngay cho bác sỹ báo bạn vừa bị sốc điện. Trong trường hợp máy sốc liên tục, bạn cần tới ngay phòng cấp cứu để bác sỹ xem vấn đề gì bất thường đang xảy ra trong cơ thể bạn.
Máy ICD có mấy loại và có thẩm mỹ không?
Máy ICD có thể đặt vào một buống tim, hai buồng tim, và buồng tim tùy thuộc mục đích điều trị.
Thường máy chỉ to như bao diêm, đặt gọn trong lòng bàn tay bạn, thường cấy dưới xương đòn bên trái. Máy có kích thước nhỏ, hầu như không ai phát hiện ra.
Cuối cùng đặt máy ICD có làm cuộc sống bạn tốt và thoải máy hơn?
Có, máy ICD giúp ngăn bạn khỏi nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp nhanh nguy hiểm, giúp bạn sống lâu hơn, vui hơn, có ích hơn, bạn có thể an tâm tận hưởng cuộc sống với gia đình, bạn bè. Trong trường hợp quá lo lắng về bệnh, sợ máy đánh sốc, bạn cần đến bác sỹ tâm sự để giải tỏa nổi lo âu.
Nguồn:
- “ Máy khử rung tim” PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn – BV Tim Hà Nội
- https://www.cdc.gov/features/cardiac-rehabilitation/index.html
- https://www.nhs.uk/conditions/heart-attack/recovery/,