Tỷ lệ bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người. Tại Việt Nam, số ca cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng chỉ có 5.500 máy lọc máu phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tùy theo tình trạng bệnh và điều kiện kinh tế mà bệnh nhân được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau.
Trong khi phương pháp ghép thận vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn thận hiếm, còn phương pháp chạy thận nhân tạo thì tốn kém và số lượng máy lọc máu có giới hạn, thì việc điều trị suy thận bằng phương pháp lọc màng bụng tại nhà (còn gọi là thẩm phân phúc mạc) là một giải pháp điều trị thay thế hiệu quả, tuy nhiên có những hiểu biết chưa rõ về lọc màng bụng dẫn đến thời gian gần đây phương pháp này ít được phổ biến hơn, hãy tìm hiểu để có lựa chọn phù hợp hơn cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Lọc màng bụng rất phức tạp, không tự thực hiện được?
- Đây là phương pháp có thể thực hiện tại nhà không phụ thuộc máy lọc máu. Chỉ cần khám, lấy thuốc và dịch lọc mỗi tháng 1 lần.
- Người bệnh có thể tự thực hiện được, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng đặc biệt là người đi học, đi làm, trẻ em và đặc biệt là những bệnh nhân suy tim nặng.
- Đội ngũ nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cho người bệnh và người nhà thuần thục các thao tác đến khi xuất viện, kiểm tra mỗi khi tái khám.
Có 2 phương thức lọc màng bụng:
- Lọc màng bụng bằng tay (Continuous Ambulatory Peritoneal Dialysis – CAPD): Thực hiện lọc liên tục 24 giờ và 7 ngày trong một tuần. Người bệnh tự thay dịch lọc tại nhà thông thường 4 – 5 lần/ngày.
- Lọc màng bụng tự động bằng máy (Automated Peritoneal Dialysis – APD): Việc lọc được thực hiện tại nhà với sự trợ giúp của máy tạo ‘chu kỳ’ giúp trao đổi dịch lọc khi ngủ. Máy tự động thay dịch chu kỳ 4 – 5 lần/đêm. Buổi sáng không thay dịch, để bụng trống, sinh hoạt bình thường [ 1]
Lọc màng bụng không hiệu quả bằng chạy thận nhân tạo?
- Lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo có hiệu quả tương đương nhau và hỗ trợ lẫn nhau.
- Đây là phương pháp sinh lý hơn khi dùng chính màng bụng của bệnh nhân để lọc các độc tố và điện giải, nên cũng ít gây thiếu máu và nhiễm viêm gan B,C.
- Không dùng những loại thuốc chống đông nên hạn chế nguy cơ gây xuất huyết.
- Chế độ ăn uống ít nghiêm ngặt hơn so với chạy thận nhân tạo.
Lọc màng bụng rất dễ nhiễm trùng?
- Tỷ lệ viêm phúc mạc trên bệnh nhân lọc màng bụng thấp, tỷ lệ điều trị thành công viêm phúc mạc cao, tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang tỷ lệ viêm phúc mạc chiếm 3,52%/năm phù hợp với tiêu chí của hiệp hội thẩm phân thế giới, trong đó điều trị thành công chiếm tỷ lệ cao 72.94%, chuyển thận nhân tạo 18,82%, tử vong do bệnh khác 9,41%, và tử vong do viêm phúc mạc chỉ 5,88%. [2], [3],[4].
- Tuy nhiên người bệnh cần tuân thủ quy trình được hướng dẫn để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Phải có phòng máy lạnh, không có tiền không làm được?
- Đây là hiểu lầm của rất nhiều người, không nhất thiết phải có phòng máy lạnh, phòng riêng để lọc màng bụng, chỉ cần có nơi để thay dịch, và rửa tay là có thể lọc màng bụng được.
- Do 1 tháng đi lãnh dịch 1 lần nên tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí ăn uống hơn so với chạy thận nhân tạo, người nhà có thể đi làm để tạo ra thu nhập nên phù hợp hơn với người không có điều kiện kinh tế nhiều.
Tài liệu tham khảo:
1.Bộ Y tế (2015) Cẩm nang lọc màng bụng , trang 20-32
2.Lữ Công Trung và công sự ( 2023) “Nghiên cứu đặc điểm và kết quả điều trị viêm phúc mạc ở bệnh nhân suy thận mạn lọc màng bụng tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang năm 2019-2023. Kỷ yếu bệnh viện Đa khoa Trung Tâm An Giang .
3. Cheuk- Chun szeto et al ( 2023), Peritonitis in Peritoneal Dialysis, Handbook of Dialysis Therapy, pp : 272- 278
4.Phillip Kam- Tao li et al ( 2022) ISPD peritonitis guideline recommendations: 2022 update on prevention and treatment
Bs Phạm Nguyễn Tuyết Ngân
Khoa Nội Thận – Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang