KHOA TIM MẠCH LÃO HỌC
Chung tay vì một trái tim khỏe
Sứ mệnh: Xây dựng thương hiệu “Tim mạch lầu 9”
Tầm nhìn: Vươn tầm khu vực, Hướng đến tương lai
Giá trị cốt lõi: Thấu hiểu trái tim, Nỗ lực không ngừng
I. Thông tin chung
Tên khoa: Khoa Tim mạch lão học.
Ngày 05/4/2016 Khoa Tim mạch lão học chính thức thành lập với chức năng điều trị bệnh lý nội khoa tim mạch và người cao tuổi. Với chỉ tiêu 25 giường, nhân sự 12 nhân viên (gồm 04 bác sĩ và 08 điều dưỡng).
Ngầy 02/3/2019 chính thức khánh thành phòng can thiệp tim mạch và đưa vào sử dụng hệ thống chụp mạch máu xoá nền (DSA), trực thuộc sự quản lý của khoa Tim mạch lão học nhằm điều trị bệnh lý tim mạch ứng dụng kỹ thuật cao, hiện đại vào điều trị.
Từ năm 2019-2021, do tình hình bệnh nhân đông, chỉ tiêu giường bệnh của khoa tăng lên 90 giường. Giai đoạn này, bệnh viện không ngừng phát triển, phòng Hồi sức tim mạch (CCU), phòng Bệnh mạch vành (CoCU), phòng Loạn nhịp tim ra đời để đáp ứng nhu cầu điều trị chuyên sâu cho người bệnh.
Từ năm 2016-2023, trải qua 7 năm hình thành và phát triển vượt bậc, hiện nay khoa Tim mạch lão học tự hào đã có đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhằm thực hiện được nhiều chức năng: Nội tim mạch, Tim mạch can thiệp, Đào tạo và chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, tầm soát dự phòng bệnh lý tim mạch, hợp tác quốc tế,… Hiện tại, nhân sự gồm 35 nhân viên (gồm 1 trưởng khoa, 1 phó trưởng khoa, 1 điều dưỡng trưởng và 21 nhân viên).
Địa điểm:
+ Khu điều trị chính: Tầng 9 khu C – Toà nhà chính.
+ Phòng can thiệp tim mạch (DSA): Tầng 2 khu phẫu thuật – Toà nhà chính.
Email: timmachbvag@gmail.com
II. Chức năng – Nhiệm vụ
1. Chức năng – nhiệm vụ
Khoa Tim mạch lão học hiện nay là một khoa lâm sàng chuyên sâu tim mạch toàn diện hàng đầu tại Đồng Bằng sông Cửu Long. Chức năng chính là điều trị bệnh lý tim mạch toàn diện và người cao tuổi gồm nhiều phân hệ: nội tim mạch, lão học, tim mạch can thiệp, hồi sức cấp cứu tim mạch, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng tim mạch, phòng khám tim mạch.
Chức năng chuyên môn chính của khoa bao gồm:
– Khám, chẩn đoán và điều trị nội trú bệnh lý tim mạch và người cao tuổi: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim chậm hoặc nhanh (hoặc ngoại tâm thu), bệnh cơ tim, bệnh van tim, bệnh động mạch ngoại biên chi dưới…
– Khám bệnh tim mạch ngoại trú: 3 phòng khám trực thuộc Khoa TMLH, ngoài ra còn kết hợp thêm 2 phòng khám tim mạch lão khoa trực thuộc Khoa Khám Bệnh. Đặc biệt, khám và điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân sau đặt máy tạo nhịp tim và bệnh nhân sau đặt stent mạch vành (với hệ thống kiểm tra và lập trình máy tạo nhịp định kỳ).
– Hồi sức cấp cứu bệnh tim mạch nặng với hệ thống 6 máy thở xâm lấn, 12 monitor theo dõi sinh hiệu liên tục, 1 bóng đối xung động mạch chủ (IABP), 1 máy xoa bóp tim tự động, 1 máy siêu âm tim di động tại giường.
– Thăm dò chức năng và hình ảnh tim mạch:
+ Siêu âm tim, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm mạch máu chi dưới, siêu âm động mạch cảnh, đo chỉ số huyết áp cổ chân-cánh tay (ABI),…
+ Holter điện tim 24 giờ, Holter huyết áp liên tục 24 giờ,…
+ Chẩn đoán hình ảnh tim mạch: Chụp cắt lớp vi tính hệ tim mạch qua hệ thống CT-Scan đa lát cắt (160 lát) nhằm tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý tim mạch phức tạp như bệnh mạch vành, bệnh lý trung thất, bệnh cơ tim phì đại dãn nở, thuyên tắc phổi,… Thông dụng nhất là “chụp mạch vành MSCT có tiêm thuốc cản quang”.
– Điều trị cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp: kỹ thuật “Chụp và can thiệp mạch vành qua hệ thống DSA”.
– Điều trị bệnh mạch vành mạn tính và phức tạp: kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa (Rotablator), can thiệp tổn thương phân nhánh và thân chung, bệnh mạch vành nhiều nhánh, tổn thương tắc hoàn toàn mạn tính (CTO),…
– Chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim:
+ Kỹ thuật “can thiệp đặt máy tạo nhịp tim”: 1 buồng, 2 buồng, 3 buồng (máy tái đồng bộ tim – CRT), máy khử rung tim (ICD), máy tạo nhịp tim không dây (Leadless Pacemaker),…
+ Kỹ thuật “Thăm dò và triệt đốt điện sinh lý tim (EP)” trong các bệnh lý nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu thất, tầm soát nguyên nhân ngất…
– Chỉ định xét nghiệm marker tim mạch chuẩn: Troponin T-hs (men tim siêu nhạy chẩn đoán nhồi máu cơ tim), Pro-BNP (marker chẩn đoán suy tim), Anti-Xa (marker theo dõi đông máu khi dùng thuốc kháng đông),…
2. Đào tạo và chỉ đạo tuyến
– Tổ chức thường xuyên các chương trình sinh hoạt chuyên môn nội bộ khoa Tim mạch lão học với nội dung chuyên môn sâu, đa dạng,…
– Tiếp nhận và đào tạo lâm sàng cho sinh viên y khoa nhiều đối tượng từ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Cao Đẳng Y Tế An Giang,… gồm Bác sĩ Chuyên khoa 1, Sinh viên Y5-Y6, Học viên Điều dưỡng.
– Đào tạo “Đọc điện tâm đồ cơ bản” và “Đọc điện tâm đồ nâng cao” cho các đối tượng cán bộ y tế trong tỉnh An Giang.
– Đào tạo “Siêu âm tim cơ bản tại giường” cho cán bộ y tế tại bệnh viện.
3. Nghiên cứu khoa học
– Nghiên cứu khoa học được thực hiện liên tục với nhiều đề tài khoa học, luận văn, luận án, báo cáo khoa học thường niên ý nghĩa, thiết thực.
– Báo cáo chia sẻ kinh nghiệm tích cực tại Hội nghị khoa học BVĐK Trung tâm An Giang, BVĐK tỉnh Kiên Giang, BVĐK Khu vực tỉnh An Giang,…
– Thường xuyên tham gia báo cáo tại Hội nghị Tim mạch chuyên ngành.
III. Cơ cấu tổ chức – nhân sự:
1. Cơ cấu – Quy mô tổ chức
2. Tình hình nhân sự
Đội ngũ nhân sự tại Khoa Tim mạch lão học gồm nhiều bác sĩ tim mạch chuyên sâu như bác sĩ chuyên khoa 2, thạc sĩ bác sĩ, cử nhân điều dưỡng,… nhiều kinh nghiệm, luôn được bồi dưỡng về chuyên môn và kỹ năng làm việc.
– Nhân viên y tế tại khoa: 35 cán bộ; trong đó có 14 Bác sĩ và 21 Điều dưỡng.
– Đội ngũ bác sĩ (hình dưới):
– Đội ngũ điều dưỡng (hình dưới):
3. Cơ sở vật chất và trang thiết bị
a. Cơ sở vật chất
– Quầy hành chánh & Sảnh tiếp nhận bệnh mới: đầy đủ trang thiết bị cơ bản.
– 1 Phòng Hồi sức tim mạch (CCU – Cardiac Care Unit): 8 giường.
– 1 Phòng Bệnh mạch vành (Coronary Care Unit): 7 giường.
– 1 Phòng Loạn nhịp tim (Arrhythmia Unit): 3 giường.
– 6 Phòng bệnh dịch vụ (Service Room): 12 giường bệnh dịch vụ.
– 6 Phòng bệnh thường (Standard Room): 54 giường bệnh.
– 1 Phòng Siêu âm tim / Đo ABI (Echocardiography): siêu âm tim – mạch máu, siêu âm tim qua thực quản, đo chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay,…
– 1 Phòng can thiệp tim mạch (Interventional Cardiac Unit): gồm 1 khu kỹ thuật, 1 máy chụp mạch, 1 phòng hồi sức trước và sau can thiệp, đầy đủ trang thiết bị hồi sức hiện đại đi kèm…
– Phòng chức năng khác: 1 Phòng Trưởng khoa, 2 Phòng Bác sĩ trực (nam và nữ), 2 Phòng Điều dưỡng (nam và nữ), 2 phòng bảo quản y cụ, 1 phòng học viên.
b. Trang thiết bị
– 1 hệ thống máy chụp mạch máu số hoá xoá nền (DSA): Siemens Artis.
– 1 hệ thống máy thăm dò và triệt đốt điện sinh lý tim (EP).
– 1 hệ thống bóng đối xung dội ngược động mạch chủ (IABP).
– 2 máy siêu âm tim, trong đó có 1 máy siêu âm tim sở hữu đầu dò thực quản.
– 1 máy siêu âm tim di động tại giường.
– 1 máy xoa bóp tim tự động cấp cứu ngưng tim ngưng thở.
– Hệ thống 5 Holter điện tâm đồ (Holter ECG), 2 Holter huyết áp (Đo huyết áp liên tục – ABPM).
– Hệ thống oxy âm tường hiện đại mỗi phòng bệnh.
– Hệ thống máy chuyển mẫu máu xét nghiệm tự động.
– Hệ thống liên lạc điều dưỡng tại mỗi phòng bệnh.
IV. Những thành tích nổi bật
– Giấy khen “Tập thể lao động xuất sắc” do UBND Tỉnh An Giang trao tặng: năm 2018, năm 2019.
– Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục 2018-2019” do UBND Tỉnh An Giang trao tặng: năm 2019.
– Giấy khen “Tập thể lao động tiên tiến”, “Tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác” do Sở Y Tế Tỉnh An Giang trao tặng: năm 2021, năm 2022.
– Giấy khen “Công đoàn khoa Tim mạch lão học đạt giải Duyên Dáng ngành Y” năm 2019.
– Giấy khen “Chi Đoàn thanh niên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” do Đoàn Cơ sở BVĐK Trung tâm An Giang và Đoàn Khối cơ quan Doanh nghiệp tỉnh trao tặng: năm 2020, năm 2022.
V. Định hướng phát triển
Trên tinh thần học hỏi không ngừng và tầm nhìn vươn ra thế giới “Go Global”, tận dụng những cơ hội hợp tác quốc tế và trong nước để phát triển những kỹ thuật mà các nước tiên tiến thực hiện được. Trong năm 2023, Khoa Tim mạch lão học (BVĐKTTAG) nỗ lực phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy cho người bệnh tim mạch ở An Giang nói riêng và khu vực lân cận nói chung. Đồng thời là nơi chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch hàng đầu ĐBSCL, đào tạo chuẩn mực về tim mạch ở ĐBSCL, ứng dụng kỹ thuật cao và hiện đại hàng đầu ĐBSCL.
Bên cạnh đó, Khoa Tim mạch lão học xác định tương lai cần phải chuẩn hoá những phác đồ, kỹ thuật và thủ thuật đã thực hiện được; bên cạnh phát triển và thực hiện độc lập những kỹ thuật mới mà BV tuyến cuối đã thực hiện được tại Việt Nam.
– Phấn đấu đạt chuẩn chất lượng quốc tế và trong nước từ các Hội Tim mạch Châu Âu, Hội Tim mạch Hoa Kỳ / Trường Môn Tim mạch Hoa Kỳ, Hội Tim mạch Việt Nam,…
– Hoàn thiện kỹ thuật hình ảnh học tim mạch nâng cao: chụp MRI tim mạch 1.5 tesla, siêu âm tim đánh dấu mô (Speckle Tracking Echocardiography), siêu âm tim cản âm, siêu âm doppler mô, siêu âm tim đánh giá sức căng cơ tim, siêu âm tim 3D, siêu âm phổi…
– Điều trị đột quỵ não cấp và bệnh mạch máu não bằng kỹ thuật “Chụp và can thiệp mạch máu não”.
– Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng kỹ thuật cao “Triệt đốt giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần và laser nội mạch”.
– Điều trị u gan bằng kỹ thuật “Nút mạch khối u gan qua đường ống thông – TACE”.
– Điều trị bệnh động mạch ngoại biên bằng kỹ thuật “Chụp và can thiệp động mạch ngoại biên với hệ thống DSA”.
– Điều trị rung nhĩ bằng kỹ thuật “Sốc điện chuyển nhịp rung nhĩ có kết hợp siêu âm tim qua thực quản xác định huyết khối nhĩ trái”.
– Điều trị thuyên tắc phổi cấp với kỹ thuật “Hút huyết khối qua đường ống thông”.
– Điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng kỹ thuật: “Can thiệp đặt stent động mạch thận và Triệt đốt thần kinh giao cảm thận”.
– Hoàn thiện kỹ thuật điều trị can thiệp mạch vành phức tạp: hỗ trợ hình ảnh nội lòng mạch vành nâng cao (OCT).
– Hoàn thiện kỹ thuật điều trị can thiệp rối loạn nhịp tim phức tạp: đặt máy tạo nhịp qua bó his, triệt đốt điện sinh lý tim 3D (triệt đốt điều trị rung nhĩ).
– Ứng dụng kỹ thuật di truyền sinh học phân tử trong tầm soát bệnh tim mạch cũng như phòng ngừa nhồi máu cơ tim như: Lipoprotein(a) (tầm soát nguy cơ tim mạch sớm), tách chiết DNA và giải trình tự biến thể di truyền tim mạch (tầm soát bệnh tim mạch và bệnh mạch vành sớm),
– Đào tạo liên tục và chỉ đạo tuyến: “Siêu âm tim cơ bản tại giường cấp cứu”, “Hồi sức tim mạch cơ bản”, “Chẩn đoán và xử trí một số bệnh tim mạch thông dụng”, “Tầm soát bệnh lý rối loạn nhịp nguy hiểm và xử trí”, “Tầm soát, chẩn đoán và xử trí nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm”… với chương trình mở rộng cho cán bộ y tế trong tỉnh An Giang.
– Hợp tác quốc tế và trong nước ở lĩnh vực tim mạch với các Bệnh viện Tuyến cuối và đầu ngành tim mạch, các Hội Tim mạch cũng như các Trường Đại học Y Dược trên toàn quốc nhằm học tập, đổi mới công nghệ và tăng cường chất lượng chuyên môn.
Một số hình ảnh khoa Tim mạch lão học – BVĐK Trung tâm An Giang