KHOA DƯỢC
Nói không với nhầm lẫn
I. Thông tin chung:
Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang là một khoa chuyên môn được gắn liền cùng với sự ra đời của Bệnh viện. Hiện nay, với vai trò là một khoa chuyên môn trong Bệnh viện hạng I, khoa Dược gồm 56 nhân viên (1 Trưởng khoa, 1 Phó trưởng khoa và 54 nhân viên). Tập thể khoa Dược luôn là một tập thể đoàn kết mạnh vững mạnh, phấn đấu hết sức mình, vượt khó, chủ động sáng tạo khắc phục những khó khăn, tồn tại để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
♦ Địa điểm: Tầng trệt – Khu sảnh chính bệnh viện
♦ Email: kdbvag2022@gmail.com
II. Chức năng – nhiệm vụ:
1. Chức năng:
Khoa Dược là khoa chuyên môn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc bệnh viện. Khoa Dược có chức năng quản lý và tham mưu cho Giám đốc bệnh viện về toàn bộ công tác dược trong bệnh viện nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng và tư vấn, giám sát việc thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
2. Nhiệm vụ:
2.1. Nhiệm vụ chung:
– Lập kế hoạch, cung ứng thuốc bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị và các yêu cầu chữa bệnh khác (phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa).
– Quản lý, theo dõi việc nhập thuốc, cấp phát thuốc cho nhu cầu điều trị và các nhu cầu đột xuất khác khi có yêu cầu.
– Đầu mối tổ chức, triển khai hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị.
– Bảo quản thuốc theo đúng nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc”.
– Thực hiện công tác dược lâm sàng, thông tin, tư vấn về sử dụng thuốc, tham gia công tác cảnh giác dược, theo dõi, báo cáo thông tin liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc.
– Quản lý, theo dõi việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện.
– Tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn thực hành cho các sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học về dược.
– Phối hợp với khoa cận lâm sàng và lâm sàng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, giám sát việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý đặc biệt là sử dụng kháng sinh và theo dõi tình hình kháng kháng sinh trong bệnh viện.
– Tham gia chỉ đạo tuyến.
– Tham gia hội chẩn khi được yêu cầu.
– Tham gia theo dõi, quản lý kinh phí sử dụng thuốc.
– Quản lý hoạt động của Nhà thuốc bệnh viện theo đúng quy định.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc bệnh viện phân công.
2.2. Nhiệm vụ cụ thể:
• Công tác quy phạm pháp luật:
– Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực y tế và hướng dẫn các văn bản, quy trình có liên quan đến hoạt động của khoa Dược.
– Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn hàng năm.
– Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế trong bệnh viện.
– Xây dựng, bổ sung các quy định, quy trình chuyên môn dược cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
– Xây dựng kế hoạch hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị hàng năm bao gồm phổ biến, cập nhật kiến thức chuyên môn cho nhân viên y tế.
• Công tác hoạt động chuyên môn:
– Xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện hàng năm theo nhu cầu điều trị hợp lý của các khoa lâm sàng.
– Tham gia xây dựng Danh mục thuốc và cơ số thuốc của tủ trực tại khoa lâm sàng. Danh mục này do bác sĩ Trưởng khoa đề nghị căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ điều trị của khoa và trình Giám đốc phê duyệt.
– Lập kế hoạch về cung ứng thuốc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm cung ứng đủ thuốc và có chất lượng cho nhu cầu chẩn đoán và điều trị nội trú, ngoại trú, bảo hiểm y tế và phù hợp với kinh phí của bệnh viện. Làm dự trù bổ sung (theo mẫu Phụ lục 2 Ban hành kèm theo Thông tư số 22/2011/TT-BYT) khi nhu cầu thuốc tăng vượt kế hoạch, thuốc không có nhà thầu tham gia, không có trong danh mục thuốc nhưng có nhu cầu đột xuất.
– Tổ chức cung ứng thuốc đảm bảo đầy đủ thuốc cho nhu cầu điều trị và nhu cầu đột xuất khác cho bệnh viện.
– Đầu mối tổ chức đấu thầu mua thuốc theo Luật đấu thầu và các quy định hiện hành liên quan (trong bệnh viện hay thầu tập trung cho toàn tỉnh khi được giao nhiệm vụ).
– Theo dõi, quản lý và báo cáo công tác nhập, xuất, quản lý sử dụng thuốc và bảo quản thuốc tại bệnh viện.
– Thông tin thuốc và tư vấn về sử dụng thuốc (Ban hành kèm theo Nghị định số 131/2020/NĐ-CP của Chính Phủ; Thông tư số 22/2011/TT-BYT của Bộ Y tế và Quyết định số 5631/QĐ-BYT của Bộ Y tế).
– Theo dõi và tham mưu cho Giám đốc bệnh viện việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược đối với các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và nhà thuốc bệnh viện. Ngoài ra, theo dõi và quản lý việc sử dụng thuốc trong các tủ trực tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện.
• Các công tác hoạt động khác:
– Xây dựng vị trí việc làm, mô tả công việc cho từng nhân viên trong khoa theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với phạm vi hoạt động của khoa, của bệnh viện.
– Tham gia xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm và xây dựng đề án cải tiến chất lượng hàng năm của khoa.
– Tham gia đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có thành tích hoặc vi phạm theo quy định.
– Tham gia nghiên cứu, khảo sát tình hình sử dụng thuốc tại bệnh viện (sử dụng kháng sinh, …) và Hướng dẫn đào tạo học sinh, sinh viên dược của các trường y, dược khi có kế hoạch đào tạo với bệnh viện.
– Xây dựng kế hoạch, chương trình, tài liệu và tổ chức thực hiện đào tạo cho nhân viên mới hoặc nhân viên thực tập lấy chứng chỉ. Đồng thời, tổ chức khảo sát, đánh giá các quy định, quy trình chuyên môn nhằm phát hiện các điểm cần cải thiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
III. Cơ cấu – Quy mô tổ chức nhân sự:
- Cơ cấu – Quy mô tổ chức:
♦ Khoa Dược bao gồm các bộ phận chính sau:
1. Nghiệp vụ dược (bao gồm kiểm soát chất lượng).
2. Thống kê dược.
3. Kho và cấp phát thuốc.
4. Dược lâm sàng, thông tin thuốc.
5. Quản lý hoạt động chuyên môn của Nhà thuốc bệnh viện (Thực hiện theo Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 22 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc).
2. Tình hình nhân sự:
Tổng số: 56 nhân viên
Trong đó:
– Chuyên khoa 2: 01 nhân viên
– Chuyên khoa 1: 06 nhân viên
– Dược sĩ đại học: 13 nhân viên
– DSTH/DCĐ: 36 nhân viên
IV. Những thành tích nổi bật:
– Tập thể lao động xuất sắc các năm: 2018, 2019, 2021, 2022
– Bằng khen của Ủy Ban Nhân dân tỉnh An Giang các năm: 2018, 2019, 2021
– Ngoài ra, Công đoàn khoa Dược được Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang tặng giấy khen “Đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 5 năm (2015 – 2020)”.
Một số hình ảnh hoạt động tham gia phong trào do Bệnh viện tổ chức
Hình ảnh công đoàn viên tham gia phong trào tại bệnh viện
Hình ảnh công đoàn viên tham gia các công tác từ thiện
V. Định hướng phát triển:
1. Công tác Dược lâm sàng:
– Xây dựng tương tác thuốc trên phần mềm FPT.eHospital nhằm cảnh báo trong kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động đối với các khoa lâm sàng trong bệnh viện (kế hoạch kiểm tra, tham gia đi buồng cùng bác sĩ, tham gia hội chẩn khi sử dụng thuốc, ….).
– Tăng cường, đẩy mạnh công tác Dược lâm sàng cần đi vào chuyên sâu hơn, đặc biệt quản lý các bệnh mãn tính (bệnh tăng huyết, đái tháo đường, bệnh thận mạn, …); cần tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn về sử dụng kháng sinh tại bệnh viện.
– Xây dựng mô hình Dược lâm sàng trực tiếp trong môi trường chăm sóc bệnh nhân, bao gồm cộng tác với bác sĩ, điều dưỡng hoặc các nhân viên y tế, cho phép thực hiên đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, dựa trên kiến thức chuyên môn của dược sĩ lâm sàng và kinh nghiệm lâm sàng thực tế, đạt được thông qua quá trình đào tạo và hoạt động thực tiễn.
2. Công tác chuyên môn khác:
– Kiểm tra, bổ sung và hoàn thiện các kho dược cho phù hợp với quy định (theo thông tư số 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế Quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc).
– Cập nhật thường xuyên về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên y tế tại khoa.
– Xây dựng, bổ sung hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện các quy trình chuyên môn chuẩn cho các hoạt động trong bệnh viện.
– Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, thông tin thuốc mới cho các cán bộ y tế về hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng thuốc.
– Tham gia nghiên cứu khoa học; nghiên cứu phân tích, đánh giá sử dụng thuốc, hoặc đánh giá chi phí điều trị của người bệnh tại bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, giảm chi phí sử dụng thuốc và tránh xuất toán BHYT.
– Đào tạo thường xuyên cho nhân viên trong khoa về kiến thức chuyên môn có liên quan; khuyến khích nhân viên tiếp cận sử dụng tiếng anh và công nghệ thông tin qua trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.