KHOA DINH DƯỠNG
Điện thoại : 02963.852989
Email: truongthuylam2016@gmail.com
Căn cứ thông tư 05/BYT/TT ngày 20/3 của Bộ Y tế và quyết định 05/UB-QD ngày 15/1 / 1991 cuả UBND Tỉnh An Giang, phân cấp cho Sở Y tế về tổ chức bộ máy – Cán bộ trong quản lý ngành dọc: Ngày 28-5-1996 khoa Dinh dưỡng được chính thức thành lập .
Đến 04-2016, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang di dời về cơ sở mới số 60 đường Ung Văn Khiêm, phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Với cơ sở mới cơ cấu nhân sự mới, Khoa Dinh dưỡng – BVĐKTTAG được xây dựng và tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe, điều trị về dinh dưỡng không thể thiếu được trong các biện pháp phòng và chữa bệnh. Dinh dưỡng tốt sẽ giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm gánh nặng chi phí cho cả bệnh nhân và xã hội, đồng thời nâng cao được chất lượng trong điều trị tại bệnh viện. Vì vậy đã có thông tư TT08/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện. Chỉ thị 07/2001/CT-BYT ngày 05/07/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phục hồi và xây dựng Khoa Dinh dưỡng bệnh viện.
KHOA DINH DƯỠNG
1.Ban chủ nhiệm
Trưởng khoa Bs. Trương Thúy Lam
Cnđd. Tất Thị Ánh Nguyệt
2. Giới thiệu chung:
Khoa Dinh dưỡng là một trong những khoa quan trọng hàng đầu của bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, nơi chuyên cung cấp suất ăn bệnh lý cho người bệnh nội trú. Mỗi năm, khoa Dinh dưỡng cung cấp hơn 29.200 suất ăn, và điều trị cho 3.700 lượt.
Tổng số nhân sự : 04
Trong đó: Bác sĩ: 02.
CNĐD: 01.
Kỹ sư: 01
Tập thể khoa Dinh dưỡng
3. Chức năng – nhiệm vụ:
– Tổ chức khám, tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh nội trú và ngoại trú. Theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị.
– Tư vấn các chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh nội trú và ngoại trú.
– Tham gia hội chẩn dinh dưỡng và phối hợp điều trị người bệnh nặng bằng chế độ dinh dưỡng tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện.
– Xây dựng các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục sức khỏe, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn bệnh lý và an toàn thực phẩm cho người bệnh, thân nhân người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện.
– Tổ chức chương trình giáo dục truyền thông về dinh dưỡng cho người nhà người bệnh định kỳ vào thứ 4 hàng tuần.
– Phối hợp với phòng chỉ đạo tuyến kiểm tra về việc thực hiện công tác dinh dưỡng tại các khoa lâm sàng định kỳ hàng tháng.
– Phối hợp với khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thường xuyên giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm các hệ thống ăn uống trong bệnh viện.
– Tham gia đào tạo, huấn luyện và chỉ đạo tuyến dưới về dinh dưỡng lâm sàng theo thông tư TT08/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện và tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện về công tác Dinh dưỡng 2013 của Bộ Y tế.
– Tham gia nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, tiết chế và các vấn đề liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan về Dinh dưỡng và tiết chế.
4. Thế mạnh
– Nhân sự:
+ Tất cả nhân viên Khoa Dinh dưỡng là cán bộ đại học.
+ Các bác sĩ phụ trách điều trị đều có trình độ chuyên môn cao được đào tạo chuyên sâu.
+ Tất cả các nhân viên của khoa được đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng, và nắm bắt những kỹ thuật tiên tiến của tuyến trên.
– Cơ sở vật chất – trang thiết bị:
+ Được trang bị một phòng tuyên truyền giáo dục sức khỏe dinh dưỡng để làm truyền thông cho người bệnh và người nhà người bệnh một tuần một lần.
+ Một phòng khám tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú và nội trú ra viện thuộc nhóm bệnh cần có chế độ dinh dưỡng bệnh lý (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận…)
+ Một phòng hành chánh của khoa.
+ Khu vực bếp được trang bị hệ thống tiến tiến hiện đại để chế biến cung cấp thức ăn cho người bệnh nội trú.
Một số hình ảnh hoạt động của Khoa Dinh dưỡng
Giáo dục truyền thông
Khám tư vấn dinh dưỡng
Chế biến và cung cấp thức ăn
5. Định hướng phát triển
Khoa đã xây dựng được các thực đơn chế độ ăn mềm dựa theo 2879/QĐ-BYT ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định về việc ban hành “Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện” .
– Khoa thường xuyên hội chẩn về dinh dưỡng và xây dựng chế độ ăn đặc biệt cho từng bệnh nhân góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
– Thường xuyên tư vấn cho bệnh nhân các chế độ ăn bệnh lý, tham gia hội chẩn về dinh dưỡng và thực hiện chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân của các khoa phòng điều trị.
– Tổ chức các chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh như một chế độ điều trị. Phát triển thêm việc triển khai chế độ ăn bệnh lý cho bệnh nhân ở các khoa lâm sàng. Tiến tới việc triển khai chế độ ăn bệnh lý cho toàn bệnh viện.
– Thành lập mạng lưới dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, tất cả mọi hoạt động của đơn vị trong bệnh viện đều nhằm mục đích chung là phục vụ người bệnh, tiến tới mạng lưới dinh dưỡng trong tỉnh để xứng tầm Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.
– Xây dựng phòng tư vấn điều trị dinh dưỡng và theo dõi cho bệnh nhân ngoại trú và nội trú sau khi ra viện có các bệnh lý cần có chế độ ăn điều trị, đặc biệt đối với bệnh mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, thận…)
– Xây dựng phác đồ điều trị về dinh dưỡng và tiết chế đồi với một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện.
– Tham gia công tác chỉ đạo tuyến về công tác dinh dưỡng và tiết chế.
– Tham gia nghiên cứu khoa học.
Khoa Dinh dưỡng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng Ủy, Ban Giám đốc, sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ các phòng chức năng, các khoa lâm sàng. Với điều kiện thuận lợi như vậy cùng với sự nhiệt tình năng động của đội ngũ nhân viên trong khoa, Khoa Dinh dưỡng đang tiến từng bước vững chắc hòa nhập với đà phát triển của Bệnh viện , cố gắng kịp bước đi của Ngành Dinh dưỡng chung cả nước.