“AN TOÀN GIAO THÔNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA MỌI NHÀ”
Ngày 27/10/2005, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông) trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày này vào ngày 19/11/2012 và đến năm 2013 thì được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước.
Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) là một dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau nhớ về những mất mát đau thương do TNGT và nâng cao ý thức về an toàn giao thông. Trên thế giới, hàng triệu người mất mạng và bị thương vì TNGT. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. Tại An Giang, trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 143 vụ TNGT, làm chết 104 người và 83 người bị thương, số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh tăng 18,2%, số người bị thương tăng 167,7% so cùng kỳ năm 2022.
Nhiều nghiên cứu báo cáo trên thế giới và Việt Nam, cho thấy: TNGT là nguyên nhân hàng đầu, chiếm gần 78% gây nên chấn thương sọ não (CTSN) với độ tuổi thường gặp nhất là 20-60 tuổi (hơn 67%). Tại An Giang, theo nguyên cứu của Nguyễn Minh Tâm và cộng sự (2021), CTSN liên quan đến xe moto có tỷ lệ cao nhất, chiếm tới 75% và có hơn 39% nạn nhân nhập viện cấp cứu có nồng độ cồn trong máu. Người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông có nguy cơ bị CTSN gấp 2,75 lần so với người không sử dụng rượu bia. Bất kỳ mức nồng độ cồn nào trong máu cũng ảnh hưởng đến khả năng lái xe.
TNGT không chỉ gây ra CTSN mà còn gây nên tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm các chấn thương ở mặt cổ, ngực bụng và tứ chi. Nhưng CTSN lại là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong (chiếm đến 68%) trên các bệnh nhân bị đa chấn thương.
Mặc dù ngày nay, y học đã tiến bộ rất nhiều trong công tác cấp cứu và điều trị CTSN, nhưng tỷ lệ tử vong do CTSN vẫn còn cao, chiếm khoảng 5,7% trên tổng số bệnh nhân CTSN nhập viện. Bệnh nhân bị CTSN nếu sống sót thì những di chứng để lại cũng rất nặng nề, ảnh hưởng tới cả bản thân và gia đình. Mức độ phục hồi hoàn toàn khoảng 60% và phục hồi ở mức chỉ tự phục vụ bản thân khoảng 21,4%. Những người bị CTSN nặng sẽ gặp những di chứng đeo bám suốt cả cuộc đời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, vận động, mất hẳn hoặc giảm từ 15-45% sức khoẻ. Chi phí điều trị trung bình cho bệnh nhân CTSN khá cao, từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất về chi phí điều trị trong các bệnh lý ngoại khoa cấp cứu tại bệnh viện. Kinh tế của nhiều gia đình cũng trở nên kiệt quệ sau khi có thành viên bị CTSN.
TNGT không chỉ là những con số thống kê, mỗi con số đại diện cho một cuộc sống, một gia đình và một tương lai bị đe dọa. Hậu quả của TNGT không chỉ gây thiệt hại về người mà còn ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.
Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do TNGT, mỗi một người chúng ta ngày nay cần:
- Tuân thủ pháp luật giao thông, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc, luật lệ giao thông, không lái xe khi uống rượu bia và tuân thủ tốc độ.
- Đội mũ bảo hiểm: khi đi xe máy, hãy đảm bảo mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
- Đi đúng làn đường và tốc độ an toàn, giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác.
- Sử dụng phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn an toàn giao thông…
Bên cạnh việc tuân thủ, chấp hành tốt luật lệ giao thông, chúng ta cũng kêu gọi sự giúp đỡ và chia sẻ từ cộng đồng với những tổn thất, mất mát và khó khăn của các gia đình nạn nhân TNGT. Cùng chia sẻ yêu thương và hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn này.
Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông là cơ hội để chúng ta cùng nhau tập trung vào việc nâng cao an toàn giao thông. An toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân. Hãy thực hiện khẩu hiệu “ An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi nhà” và “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông”. Cùng nhau, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ tái nạn giao thông và bảo vệ hạnh phúc của mọi gia đình.
BS.CK2.Nguyễn Minh Tâm
Khoa Ngoại Thần Kinh Lồng Ngực
Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang.
Tài liệu tham khảo:
- Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ. Wikipedia.
- 9 tháng đầu năm, gần 5.000 người tử vong vì tai nạn giao thông. Báo Yên Bái, ngày 12/10/2023.
- Đừng để tai nạn giao thông mãi là nỗi đau. Báo An Giang, ngày 27/9/2023.
- Nguyễn Minh Tâm (2021),Nghiên cứu tình hình và đánh giá kết quả sơ cứu, vận chuyển, xử trí, điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang năm 2020-2021. Luận văn chuyên khoa cấp II. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.