Ngày 03/10/2021, Sở Y tế An Giang đã ban hành kế hoạch cách ly, điều trị tại nhà các trường hợp F0 không triệu chứng trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang. Kế hoạch này nhằm giảm tải hệ thống giường bệnh, nhân lực y tế, nhân lực các tổ chuyên môn, an ninh trật tự, phục vụ hậu cần,… tại các cơ sở điều trị COVID-19 trong tỉnh. Qua đó, tập trung nguồn nhân lực y tế chăm sóc cho những ca bệnh F0 có triệu chứng tại các tầng điều trị khác trong tỉnh. Đồng thời giảm chi phí điều trị và quản lý tại các cơ sở điều trị, tập trung nguồn lực điều trị người mắc bệnh COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu điều trị thành công khi mắc COVID-19.
Nguồn ảnh: TTXNV
Theo đó, đối tượng F0 cách ly, điều trị tại nhà phải đảm bảo 02 tiêu chí sau:
* Tiêu chí lâm sàng:
Người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm (Realtime RT-PCR) không có triệu chứng lâm sàng VÀ không có các bệnh nền có nguy cơ cao được quy định tại Phụ lục 1, Quyết định số 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.
* Khả năng người nhiễm tự chăm sóc
Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…
Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi cótình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điệnthoại, máy tính,…
– Trường hợp F0 là người không tự chăm sóc cá nhân được thì trong gia đìnhphải có người cam kết luôn theo dõi người bệnh trong mọi tình huống, nhất là khi người mắc COVID-19 có dấu hiệu trở nặng.
Điều kiện để người mắc COVID-19 được cách ly điều trị tại nhà (Về cơ sở vật chất, trang thiết bị)
– Là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư.
– Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng, 2 mặt, mặt trước có ghi: “NHÀ CÓ F0 ĐANG CÁCH LY ĐIỀU TRỊ”; mặt sau có số điện thoại của Tổ y tế quản lý người được cách ly, Tổ an sinh xã hội để liên hệ khi cần;
– Có thùng đựng rác có biểu tượng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” để đựng trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế thải bỏ.
– Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly. Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn (sau đây gọi tắt là dung dịch sát khuẩn tay). Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
+ Trong phòng người cách ly điều trị có thùng đựng chất thải, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi ni lông để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”(sau đây được gọi tắt là thùng đựng chất thải lây nhiễm); thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân và có lót túi ni lông để đựng chất thải sinh hoạt khác (sau đây được gọi tắt là thùng đựng chất thải sinh hoạt).
+ Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; Đảm bảo thông thoáng khí.
+ Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.
+ Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 02 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.
– Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly.
– Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly điều trị. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
Những dấu hiệu F0 cần phải báo ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời
Cơ sở quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 hướng dẫn người nhiễm COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị theo quy định.
Theo đó, nội dung theo dõi sức khỏe hàng ngày gồm:
– Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).
– Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở đốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…
Bộ Y tế lưu ý đối với người nhiễm COVID-19 quản lý, điều trị tại nhà khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe của gia đình hoặc trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động… để được xử trí và chuyển viện kịp thời:
– Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
– Nhịp thở tăng: + Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút; + Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút, + Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút (Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).
– SpO2 (độ bão hòa ô xy trong máu) ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).
– Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
– Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
– Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
– Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật
– Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
– Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, ngón tay chân sưng phù, nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết…
– Bất kỳ tình trạng nào mà người bệnh cảm thấy không ổn, lo lắng.
Hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt: Người nhiễm COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
* Khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà
- Điều trị triệu chứng: Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng và các thuốc điều trị đặc hiệu khác theo quy định.
– Sốt: Người lớn: > 38.5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống Oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho Đơn vị y tế quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để phối hợp xử lý.
– Ho: dùng thuốc giảm ho.
- Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú: thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới SARS-CoV-2 của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 và Quyết định số 4498/QĐ-BYT ngày 21/9/2021 về việc sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới SARS-CoV-2 (Phụ lục 7).
- Đối với phụ nữ mang thai: Theo dõi, chăm sóc và xử trí các tình huống liên quan đến sản khoa và sơ sinh được thực hiện theo Quyết định số 3982/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí COVID-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
- Khám, chữa bệnh tại nhà bởi Trạm Y tế lưu động, Đội y tế lưu động: Căn cứ vào số ca mắc và khu vực có ca mắc trên địa bàn phường, xã, thị trấn để thành lập các Trạm Y tế lưu động, Đội y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh tại nhà.
Theo Kế hoạch số 3161/KH-SYT ngày 03/10/2021 của Sở Y tế An Giang