BỆNH VIỆN VÀ SỞ Y TẾ PHỐI HỢP TỔ CHỨC
Hội nghị “Nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ – Giai đoạn cấp cứu trước viện”
Hiện nay, Đột quỵ đang là một vấn đề thời sự và cấp bách của y học, cũng là vấn đề thực hành của nhiều chuyên khoa. Trong những năm gần đây, đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng cướp đi nhiều sinh mạng của nhiều người hoặc để lại di chứng nặng nề gây thiệt hại to lớn cho gia đình và xã hội.
Đột quỵ có thể gây chết người nhanh chóng nhưng nhiều khi để lại tàn phế là một gánh nặng cho gia đình, xảy ra đa phần do sự hiểu biết không đầy đủ về căn bệnh này và một khi đã xảy ra, việc điều trị sẽ cực kỳ tốn kém. Mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể về phương diện chẩn đoán, điều trị nội khoa hay ngoại khoa, nhưng tỷ lệ tử vong do đột quỵ vẫn còn khá cao ở những nước tiên tiến và rất cao ở Việt Nam. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nơi, không phân biệt nam hay nữ, giàu, nghèo. Xuất hiện ở mọi tầng lớp, mọi sắc tộc.
Để ngành y tế triển khai thành công mạng lưới phòng, chống bệnh lý mạch vành cấp và đột quỵ, cần phải có sự hỗ trợ hết lòng của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các Ban, Ngành, Đoàn thể các cấp và các hội trong tỉnh.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường các mặt: đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao nhằm đưa các tiến bộ khoa học vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân.
Xuất phát từ yêu cầu làm sao cho người dân được tiếp cận sớm nhất trong thời gian vàng khi cần chăm sóc về sức khỏe. Hôm nay, ngày 7/3/2019 được sự cho phép của UBND tỉnh, Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang tổ chức Hội nghị “ Nâng cao chất lượng đột quỵ – Giai đoạn cấp cứu trước viện” với mục đích chiến lược tập trung vào điều trị tái tưới máu cấp cứu não với “Thời gian vàng” là vấn đề về sức khỏe mà xã hội đang quan tâm và bước đầu định hướng phát triển mạng lưới điều trị tại An Giang.
Đến dự hội nghị có nhiều đ/c lãnh đạo tỉnh, Đảng, lãnh đạo Sở, lãnh đạo các bệnh viên, Trạm y tế, Hội chữ thập đỏ các huyện thị cũng như hơn 100 y, bác sĩ. Báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành đột quỵ
Phát biểu khai mạc hội nghị, BS. CKII Trịnh Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang nhấn mạnh: “đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây mất năng lực hành vi của con người và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong. Tại An Giang, bệnh nhân bị đột quỵ hàng năm lên đến hơn 4.000 trường hợp, trong đó tỷ lệ tử vong trong 24-48 giờ đầu lên đến gần 50%, còn lại để lại di chứng nặng nề, làm hạn chế khả năng vận động, chất lượng cuộc sống, gánh nặng cho người thân. Tỷ lệ tử vong và di chứng để lại sau đột quỵ phần nhiều do phát hiện trễ, tiếp cận cấp cứu chậm và không hiệu quả vì đã qua “thời gian vàng” để có cơ hội cứu sống tế bào não. Chính vì thế hội nghị này hết sức cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu đột quỵ trước viện, tiền đề để triển khai mạng lưới cấp cứu tai nạn giao thông dựa vào cộng đồng sau này”.
Trong hội nghị 5 nội dung được báo cáo
- Tổng quan về đột quỵ, xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống đột quỵ (BSCKII Trịnh Hữu Thọ)
- Cập nhật điều trị đột quỵ não- vai trò cấp cứu trước viện (Ts.BS Nguyễn Huy Thắng)
- Những thành tựu trong điều trị đột quỵ và cập nhật qui trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang (Ths.BS Mai Nhật Quang)
- Các chỉ định can thiệp cấp cứu đột quỵ (TS.BS Trần Chí Cường)
- Chương trình Angels và các công cụ tối ưu hóa qui trình điều trị đột quỵ (DS Võ Trần Cẩm Tú)
Nhiều ý kiến đã được tham luận và hành động sau hội nghị là cùng chung tay thực hiện giờ vàng để cứu sống bệnh nhân, hạn chế tối đa thương tật. Bác sĩ CKII Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc bệnh viện trong phần phát biểu bế mạc cũng mong muốn cộng đồng chung tay, riêng bệnh viện sẽ cố gắng tìm mọi cách để giảm giờ vàng còn 60 phút.
Bài viết và hình ảnh: Thiên Sinh