Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng ruột chức năng. Bệnh đặc trưng với những triệu chứng dai dẳng, gây bất tiện trong sinh hoạt, ăn uống, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nên được đi khám chuyên khoa, thực hiện nội soi loại trừ các bệnh lý có triệu chứng trùng lấp giúp giảm tái phát cũng như tầm soát các bệnh lý đường tiêu hóa.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong các bệnh đường ruột thường gặp nhất. Tỷ lệ mắc bệnh 5 – 20% dân số. Mặc dù đây là hội chứng ruột chức năng, không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán phổ biến hơn ở nữ giới. Tỷ lệ chẩn đoán nữ/nam khoảng 1,25 – 2/1, độ tuổi chẩn đoán thường gặp là 20 – 50 tuổi. Bệnh đặc trưng với triệu chứng đau bụng tái phát, liên quan đến việc đi tiêu, thay đổi thói quen đi tiêu và thay đổi tính chất phân, cảm giác chướng, khó chịu ở vùng bụng, và sự đau khó chịu này sẽ giảm sau khi đi đại tiên. Khi đi khám, người bệnh được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng nhưng không tìm thấy những tổn thương thực thể ở ruột.
Dựa trên những triệu chứng của người bệnh, hội chứng ruột kích thích được chia thành bốn loại gồm: hội chứng ruột kích thích thể táo bón, hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (gồn tiêu chảy và táo bón), hội chứng ruột kích thích không xác định. Các phương pháp điều trị cũng dựa trên mỗi loại mà thay đổi cho phù hợp.
Người ta công nhận hội chứng ruột kích thích gồm một phức hợp triệu chứng rõ ràng phát sinh từ sự tương tác của ruột, tâm lý và các yếu tố bên trong thành ruột. Thức ăn là một trong những nguyên nhân gây kích thích cho hệ tiêu hóa, dẫn tới các cơn co thắt, đau bụng và khó chịu. Một số bệnh nhân không dung nạp đường lactose (nguồn gốc từ sữa) gây ra triệu chứng tiêu chảy giống như ruột kích thích. Ngoài ra, các nghiên cứu y khoa cũng chỉ ra sự liên quan giữa triệu chứng hội chứng ruột kích thích và sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Do đó, chất lượng và an toàn vệ sinh của thức ăn có thể gây ảnh hưởng lớn tới bệnh.
CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Việc chẩn đoán Hội chứng ruột kích thích đặt ra những thách thức vì để chẩn đoán cần loại trừ những tổn thương (bệnh) thực thể của các cơ quan. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế có thể thực hiện xét nghiệm, siêu âm, nội soi để phục vụ cho việc chẩn đoán.
Những bệnh nhân có cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên và chướng bụng được siêu âm bụng và nội soi thực quản dạ dày tá tràng. Bệnh nhân bị đau bụng dưới khó chịu hoặc thay đổi thói quen đại tiện cần được xét nghiệm soi phân, nội soi trực tràng và chụp X quang đại tràng hoặc nội soi đại tràng.
Việc nội soi đại tràng có vai trò cao để loại trừ bằng chứng của bệnh lý viêm loét đại tràng – một bệnh có nhiều biến chứng phức tạp nếu không được quản lý chặt chẽ.
CÁCH ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu tập trung vào chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống khoa học và kết hợp uống thuốc điều trị triệu chứng nổi bật để phục hồi, cải thiện chức năng của đại tràng.
Phác đồ điều trị IBS tập trung vào những triệu chứng cụ thể ở mỗi người bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc dựa trên triệu chứng bệnh, đồng thời hướng dẫn người bệnh về chế độ dinh dưỡng, những chất cần bổ sung và các loại thực phẩm, những chất cần tránh có thể gây dị ứng.
1. Tạo thói quen ăn uống lành mạnh, hợp lý
Những thực phẩm cung cấp đủ dưỡng chất, giúp nhuận tràng được khuyến khích bổ sung vào thực đơn mỗi ngày của người bệnh như:
Chất xơ hòa tan: Yến mạch, cà rốt, đậu Hà Lan, táo và những loại hoa quả thuộc họ cam quýt có thể giúp làm giảm triệu chứng chung của hội chứng ruột kích thích. Ngược lại, những thực phẩm chứa nhiều chất xơ không hòa tan có thể làm trầm trọng thêm những triệu chứng như chướng bụng, đầy hơi, đau quặn bụng…
Cung cấp đủ nước
Men vi sinh: có thể có trong sữa chua lên men
2. Giảm căng thẳng, stress
Ruột và não bộ có mỗi quan hệ chặt chẽ với nhau. Những suy nghĩ lo lắng đều tác động đến hoạt động của tuột. Để ngăn ngừa và giúp thuyên giảm những triệu chứng bệnh, các biện pháp giảm lo âu, căng thẳng rất quan trọng. Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp như:
Tập hít thở sâu: Biện pháp này giúp người bệnh ổn định tâm lý và hỗ trợ nhu động ruột hoạt động tốt hơn.
Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày: Đi bộ, yoga, thiền định…
3. Điều trị bằng thuốc
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng những loại thuốc điều trị triệu chứng như:
Thuốc chống co thắt đại tràng: Hạn chế những cơn co thắt bụng và quặn bụng.
Thuốc nhuận tràng: Cải thiện tình trạng táo bón, làm mềm phân, dễ đi tiêu
Thuốc chống trầm cảm: Ổn định tâm lý cho người bệnh.
Thuốc cầm tiêu chảy: Giảm số lần đi tiêu, cải thiện triệu chứng tiêu chảy
Hội chứng ruột kích thích có thể điều trị triệu chứng và hạn chế tái phát bệnh. Tuy nhiên, điều trị dứt điểm bệnh là rất khó bởi những lý do sau:
Đây là một dạng rối loạn chức năng không hẳn là tình trạng bệnh lý, không rõ nguyên nhân, chỉ có một số yếu tố liên quan đến triệu chứng bệnh. Vì thế, điều trị mà không loại bỏ được những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân thì bệnh sẽ bị tái đi tái lại nhiều lần.
Ngoài sử dụng thuốc để làm giảm bớt những triệu chứng, nhận biết và loại bỏ những yếu tố nguy cơ như thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện là rất quan trọng trong quá trình điều trị:
Tránh đồ ăn có sinh hơi, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức uống có gas, nhiều đường, thức ăn để lâu bảo quản kém.
Đảm bảo tập luyện và thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng kéo dài. Nếu không kiểm soát tốt chế độ ăn uống và căng thẳng kéo dài sẽ gây khởi phát hội chứng ruột kích thích.
Người bệnh thường thắc mắc tại sao bệnh lại tái lại nhiều lần, lo ngại bệnh chuyển ác tính, gây tâm lý căng thẳng và tạo thành vòng xoắn bệnh lý khiến việc điều trị kéo dài dai dẳng. Vì vậy, khi được chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần biết rõ kế hoạch điều trị, xác định bệnh này không thể chữa khỏi, chỉ có thể kiểm soát tốt. Điều này sẽ tránh gây lo lắng tiêu cực cho người bệnh, ảnh hưởng tới quá trình điều trị.
THỰC ĐƠN CHO NGƯỜI BỆNH HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Khi bị táo bón, người bệnh cần bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước. Bác sĩ thường khuyến cáo dùng chất xơ hòa tan khoảng 10 – 25g/bữa. Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan từ những loại rau củ non, mềm như: rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, khoai tây, chuối, đu đủ, bơ, cám gạo, gạo lứt, yến mạch, cà rốt, yến mạch, đậu Hà Lan, táo; những loại hoa quả thuộc họ cam quýt…
Khi ăn, bạn cần ăn chậm và nhai kỹ để hạn chế nuốt khí vào. Thói quen này sẽ giúp giảm cảm giác đầy hơi, chướng bụng, giảm sự căng giãn đột ngột của ống tiêu hóa.
Người bệnh có thể tham khảo chế độ ăn FODMAP thấp. FODMAP viết tắt từ Fermentable, Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides, Polyols. Đây là những loại thực phẩm lên men, sinh hơi, các loại saccharide và cồn. Đây là chế độ ăn hạn chế các thực phẩm giàu carbohydrates, gồm một số loại rau, trái cây, sữa, ngũ cốc.
Những thực phẩm trong chế độ ăn Fodmap thấp
CÁCH PHÒNG NGỪA HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH
Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích tối ưu nhất hiện nay là bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa, tránh tất cả những bệnh lý tiêu hóa. Cần duy trì hệ tiêu hóa ở tình trạng ổn định, hạn chế nguy cơ mắc những bệnh liên quan.
Điều quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa hội chứng ruột kích thích và những bệnh lý tiêu hóa khác là chế độ dinh dưỡng và thói quen sống. Bạn cần lưu ý:
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu đạm, dễ tiêu.
Trong mỗi bữa ăn nên bổ sung nhiều rau xanh để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Mỗi ngày nên uống nhiều nước, bổ sung thêm muối khoáng, các loại vitamin cần thiết cho cơ thể.
Hạn chế tối đa uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, dùng các món ăn cay nóng.
Tránh căng thẳng: Duy trì tâm trạng luôn vui vẻ, lạc quan và thoải mái. Bởi đây là yếu tố khởi phát hội chứng ruột kích thích. Tập kiểm soát tốt cảm xúc, tránh mắc chứng trầm cảm, căng thẳng quá mức, gây tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Thường xuyên tập thể dục, thể thao: Vận động phù hợp sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng bệnh tật hiệu quả; giảm trầm cảm và căng thẳng, kích thích đường ruột co thắt bình thường; hỗ trợ cải thiện các triệu chứng IBS. Đối với các trường hợp có vấn đề về sức khỏe, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ luyện tập phù hợp.
Nguồn tham khảo:
BS PHAN NHẬT HÙNG, Khoa Nội Tiêu Hoá Huyết Học