Hoạt động thể lực và nguy cơ ung thư vú, ung thư đại tràng, đái tháo đường, thiếu máu cục bộ cơ tim và đột quỵ thiếu máu não: một tổng quan hệ thống và phân tích gộp.

Physical activity and risk of breast cancer, colon cancer, diabetes, ischemic heart disease, and ischemic stroke events: systematic review and meta-analysis.

BMJ 2016; 354 doi: http://dx.doi.org/10.1136/bmj.i3857 (Published 09 August 2016) Cite this as: BMJ 2016;354:i3857.

Hmwe H Kyu, Victoria F Bachman, Lily T Alexander, John Everett Mumford, Ashkan Afshin, Kara Estep, J Lennert Veerman, Kristen Delwiche,     Marissa L Iannarone, Madeline L Moyer, Kelly Cercy, Christopher J L Murray, Mohammad H Forouzanfar.

Tóm tắt

MỤC TIÊU: Để đánh giá liên quan giữa hoạt động thể lực và nguy cơ ung thư vú, ung thư đại tràng, đái tháo đường, thiếu máu cục bộ  cơ tim và đột quỵ thiếu máu não.

THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU: Tổng quan hệ thống và phân tích gộp.

DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU: PubMed & Embase từ 1980 đến 27/02/2016, và một số tài liệu tham khảo từ các tổng quan hệ thống thích hợp. Dữ liệu từ các nghiên cứu Toàn cầu Cao niên và sức khỏe dành cho người trưởng thành tại Trung Quốc, Ghana, Ấn Độ, Mexico, Nga và Nam Phi giai đoạn 2007-2010. Ngoài ra còn dựa trên khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Hoa Kỳ giai đoạn 1999-2011 được sử dụng để lập bản đồ hoạt động thể lực cụ thể (báo cáo trong nghiên cứu bao gồm) để tính tổng mức hoạt động thể lực. Đơn vị tính là đương lượng chuyển hóa (Metabolism Equivalent – MET).

TIÊU CHUẨN CHỌN MẪU: nghiên cứu tiền cứu đoàn hệ (nghiên cứu theo thời gian) xem xét và đánh giá sự liên quan giữa hoạt động thể lực (bất kỳ hoạt động nào) với ít nhất một trong năm bệnh lý được nghiên cứu.

KẾT QUẢ: Tổng cộng 174 bài nghiên cứu: ung thư vú (35 bài), ung thư đại trực tràng (19 bài), đái tháo đường (55 bài), thiếu máu cục bộ cơ tim (43 bài) và đột quỵ thiếu máu não (26 bài); trong đó một số nghiên cứu có nhiều kết cục. Mặc dù hoạt động thể lực nhiều hơn liên quan với nguy cơ thấp hơn cho tất cả kết cục. Tuy nhiên, lợi ích nhiều lại được ghi nhận ở những người có mức hoạt động thể lực trung bình (lên đến 3000-4000 đương lượng chuyển hóa (MET) phút/tuần).  Ví dụ, một người với “tổng mức hoạt động thể lực tối thiểu theo khuyến cáo” khoảng 600 MET phút/tuần sẽ có nguy cơ đái tháo đường thấp hơn 2% so với những người không hoạt động gì cả. Sự tăng cường thêm hoạt động thể lực khoảng 600-3.600 MET phút/tuần sẽ giảm được thêm 19% nguy cơ xảy ra biến cố.  Tuy vậy, ở cùng một mức tăng hoạt động thể lực, nhưng ở những người hoạt động nặng thì lợi ích mang lại là không cao: tăng 9.000-12.000 MET phút/tuần chỉ giảm nguy cơ đái tháo đường thêm 0,6%. So với nhóm kém hoạt động thể lực (<600 MET phút/tuần), tỉ lệ mắc các biến cố ở nhóm hoạt động thể lực cao (≥8000 MET phút/tuần):

+Giảm 14% với ung thư vú (nguy cơ tương đối 0,863; 95% không chắc chắn khoảng 0,829-0,900);

+Giảm 21% với ung thư đại trực tràng (0,789; 0,735-0,850);

+Giảm 28% với đái tháo đường (0,722; 0,678-0,768);

+Giảm 25% với thiếu máu cục bộ cơ tim (0,754, 0,704-0,809)

+Giảm 26% với nhồi máu não (0,736, 0,659-0,811).

KẾT LUẬN: Những người có tổng mức độ hoạt động thể lực cao hơn mức tối thiểu được khuyến cáo (600 MET phút/tuần) sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc 5 bệnh lý được nghiên cứu. Cần có nhiều nghiên cứu định lượng chi tiết về tổng mức hoạt động thể lực sẽ hỗ trợ trong việc ước tính nguy cơ tương đối chính xác hơn ở các mức độ khác nhau của từng hoạt động thể lực.

 

Người dịch: Bs Phạm Huỳnh Minh Trí, Khoa Tim mạch – Lão học

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)