Hiến máu nhân đạo

Máu là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống, máu được xem là một phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Ngày nay khoa học tuy đã có sự phát triển nhưng vẫn chưa có một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu. Bởi vậy, muốn cứu sống được người bệnh có nguy cơ mất máu cao cũng như trong điều trị các bệnh hiểm nghèo cần truyền máu, không có cách nào khác là cần được hiến tặng, chia sẻ những giọt máu hồng của người khác để góp phần vào việc duy trì sự sống cho người cần máu. Bởi vậy hằng năm Hội Chữ Thập Đỏ Việt và nhiều tổ chức nhân đạo ở các địa phương đã đứng ra kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong xã hội cùng đồng cảm và chia sẻ đối với những người bị bệnh hiểm nghèo, những người đang cần máu một sự chia sẻ và đồng cảm bằng hành động hiến tặng những giọt máu hồng của mình để cứu nhiều người trước nguy cơ đang cần đến máu để duy trì sự sống.

Hiến máu có hại cho sức khỏe không?

Chúng ta cần thấy rằng, hiến máu không có hại cho sức khỏe nếu được thực hiện đúng quy trình. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe, nếu một người mất đi 10% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể. Các tài liệu về y học cho thấy khi tham gia hiến máu, máu trong người chúng ta được đổi mới hằng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3- 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Bên cạnh đó, hiến máu là cách tự kiểm tra và giám sát sức khoẻ của mình. Người tham gia hiến máu được khám và tư vấn sức khoẻ miễn phí để đảm bảo bạn đủ cân nặng, huyết áp bình thường, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu. Ngoài ra, người hiến máu được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành, đặc biệt được cấp “Giấy Chứng nhận hiến máu tình nguyện” của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo.

Vì sao máu hiến tình nguyện mà người bệnh vẫn phải trả tiền?

Đơn vị máu thu được chỉ là nguyên liệu đầu vào cho cơ sở truyền máu, chưa thể sử dụng để truyền cho người bệnh ngay được mà còn phải trải qua rất nhiều công đoạn tiếp theo. Sau khi tiếp nhận, những đơn vị máu sẽ được tiến hành xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (gồm HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét), định nhóm máu hệ ABO, Rh. Những đơn vị máu an toàn sẽ được điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau như: hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, tủa lạnh yếu tố VIII… Bên cạnh đó, máu sẽ được bảo quản, lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ, thời gian, độ rung lắc khác nhau… tùy loại chế phẩm. Ngoài ra còn phải kể đến chi phí việc vận chuyển, cấp phát máu tới các bệnh viện và các hóa chất, sinh phẩm để tiến hành các xét nghiệm hòa hợp trước truyền máu. Tất cả các quy trình đó phải được đảm bảo thì máu mới được sử dụng truyền cho người bệnh. Theo ước tính, chi phí cho các công đoạn này không dưới 2 triệu đồng. Ở nước ta, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí, bảo hiểm cũng hỗ trợ một phần chi phí cho những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế hoặc chi trả toàn bộ đối với bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh sự hỗ trợ đó, người bệnh chỉ phải chi trả một phần chi phí cho truyền máu.

Điều kiện hiến máu bạn nên biết trước khi đăng ký là gì?

* Người hiến máu được:

– Là người có tinh thần nhân đạo, tự nguyện, có ý thức về hiến máu an toàn cho người bệnh, quan trọng nhất là người hiến máu phải thực sự khỏe mạnh, trước đây không mắc bệnh nguy hiểm nào

– Tuổi từ 18 đến 60 đối với nam và nữ

– Cân nặng từ 45kg trở lên đối với nam và từ 42kg trở lên đối với nữ

– Mạch và huyết áp đều bình thường

*Người không được hiến máu:

– Không đủ tuổi, thiếu cân nặng

– Không đủ sức khỏe, huyết áp cao hoặc thấp

– Người nghiện rượu, tiêm chích ma túy

– Người có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm

– Người phụ nữ đang mang thai, có kinh, điều hòa kinh nguyệt, đang trong giai đoạn cho con bú không được hiến máu

– Người đã hoặc đang sử dụng thuốc Etretinate;

– Người tàn tật.

* Ngoài ra, những trường hợp sau đây không được hiến máu:

Không được hiến máu trong 12 tháng đối với những người sau:

Người được phẫu thuật

Người mắc sốt rét và đang điều trị bệnh sốt rét;

Người tiêm vắcxin phòng và điều trị bệnh dại;

Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

Người được truyền máu và sản phẩm máu, được miễn dịch bằng các chế phẩm điều chế từ máu;

Người đến từ các vùng, quốc gia có dịch bệnh có thể lây truyền qua đường máu

Không được hiến máu trong 6 tháng đối với những người hiến máu, kể từ khi:

Xăm trổ trên da, bấm dái tai, bấm mũi, rốn hoặc các vị trí khác của cơ thể;

Phơi nhiễm với máu và dịch cơ thể từ người có nguy cơ hoặc đã nhiễm các bệnh truyền qua đường máu;

Đã có quan hệ tình dục không an toàn với người tiêm chích ma túy, với người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và đường máu, với người có quan hệ tình dục đồng giới.

Không được hiến máu trong 03 tháng đối với những người tiêm vắcxin phòng các bệnh (trừ tiêm vắcxin bệnh dại theo Điểm c, Khoản 2, Điều 7)

Không được hiến máu trong 07 ngày đối với những người sử dụng Aspirin hoặc trong thành phần thuốc có Aspirin, riêng đối với hiến máu bằng gạn tách tiểu cầu thì những trường hợp này phải tạm hõan trong 10 ngày kể từ khi ngừng thuốc.

Các trường hợp khác:

Người có vùng da dự định lấy máu tĩnh mạch bị tổn thương, xây xát, nhiễm trùng: Không được hiến máu khi chưa điều trị khỏi các tổn thương đó.

Người sử dụng các thuốc hoặc trong thành phần thuốc có họat chất nguy cơ gây đột biến di truyền gồm:

– Finasteride, Tretinoin, Isotretinoin: Không được hiến máu ít nhất trong 01 tháng sau khi ngừng sử dụng thuốc;

– Acitretin: không được hiến máu ít nhất trong 3 năm sau khi ngừng sử dụng thuốc;

Hiến máu nhân đạo – ích lợi cho mọi người

Hiến máu nhân đạo, như chúng ta đã biết từ những thông tin trên, không chỉ giúp cho người bệnh, những người rất cần những đơn vị máu để giữ lại mạng sống, mà còn có ích cho chính người hiến máu, giúp cho công tác kiểm tra sức khỏe thông qua các xét nghiệm sàng lọc được tốt hơn. Bên cạnh đó, hiến máu là 1 hoạt động an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe dưới sự hướng dẫn cụ thể từ nhân viên y tế. Ngoài ra, hiến máu nhân đạo còn là hành động thể sự nhân văn, cao quý, như truyền thống của dân tộc ta: “Lá lành đùm lá rách”, san sẻ hoạn nạn cùng nhau. Hãy nhớ rằng: Mỗi giọt máu cho đi, một mạng người giữ lại.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)