Hậu COVID-19 có đáng sợ không?

Theo CDC Hoa Kỳ, COVID-19 cấp tính được tính trong vòng 1 tháng từ lúc khởi phát bệnh, thêm 2 tháng theo dõi tiếp gọi là COVID-19 kéo dài. Ngoài 3 tháng trở ra có các triệu chứng cơ năng, thực tổn, tâm thần không giải thích bằng nguyên nhân khác thì được gọi là hậu COVID-19.

Làn sóng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đã gây số ca mắc trong cộng đồng của Việt Nam tăng rất cao, tuy bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó, song triệu chứng lại kéo dài. Vấn đề hậu COVID-19 đang được người dân đặc biệt quan tâm, nhiều người đang điều trị COVID-19 nhưng lại tìm kiếm thông tin hậu COVID-19, hoặc vừa khỏi bệnh đã “chạy” đi khám hậu COVID.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, có hơn 50 triệu chứng hậu COVID-19. Đa số các triệu chứng hậu COVID-19 là các biểu hiện nhẹ, thường gặp gồm: Mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, đau ngực, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng nhận thức, chán ăn, rụng tóc, lo lắng, trầm cảm… Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi khôi phục ban đầu sau đợt COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.

Các nghiên cứu cho thấy, hội chứng hậu COVID-19 gặp ở nhóm từ đầu chưa được tiêm vaccine, đến khi có các biến chủng Anpha, Delta. Năm 2020-2021, hậu COVID-19 liên quan chặt chẽ đến mức độ tăng nặng của bệnh nhân COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân phải nằm viện, điều trị hồi sức tích cực (ICU) kéo dài. Những bệnh nhân phải điều trị ICU sau 3 tháng thường có hội chứng hậu COVID-19 nặng. Bệnh COVID-19 cấp càng nặng thì hậu COVID-19 càng nặng và kéo dài. Biểu hiện của hậu COVID-19 rất phong phú, để chẩn đoán bác sĩ cần hỏi các triệu chứng COVID-19 cấp tính và các biểu hiện lúc thăm khám để đưa ra yêu cầu xét nghiệm và chẩn đoán, xử trí phù hợp.

Đến giai đoạn hiện nay, khi tỷ lệ tiêm vaccine rất cao, triệu chứng hậu COVID-19 cũng đỡ đi. Thậm chí, có người đang có biểu hiện hậu COVID-19 mà tiêm vaccine trong thời điểm này, hậu COVID-19 cũng giảm nhẹ hơn. Một số quan sát cho thấy, các triệu chứng dai dẳng không trầm trọng hơn và có thể cải thiện sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Những người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ thì không cần phải đi khám hậu COVID-19. Các triệu chứng sẽ hết trong 2 tuần, nên không phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên chỉ những bệnh nhân từng mắc COVID-19 nặng khi ra viện phải thở oxy về, hoặc điều trị ở phòng Hồi sức (ICU) giữ được tính mạng thì mới cần đi khám hậu COVID-19. Ngoài ra, người có nguy cơ như trên 65 tuổi, có nhiều bệnh nền: Ung thư, tiểu đường, huyết áp cao, suy thận mạn… có biểu hiện sốt, ho ra máu, khó thở… thì mới đi khám hậu COVID-19. Với những người trẻ đã tiêm đủ liều vaccine, không bệnh nền, cộng với chủng Omicron thì không có hậu COVID-19 nặng nên không đáng lo ngại. Chúng ta không lo lắng quá mức, biểu hiện của COVID-19 kéo dài là do người bệnh lo lắng (bệnh nhân nữ nhiều hơn). Theo dõi 3 tháng, nếu biểu hiện lo lắng vẫn còn thì đi khám để được tư vấn rõ ràng nhằm ổn định tâm lý cho người bệnh.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, hậu COVID-19 không hề đáng sợ. Cần hiểu về tác động của COVID-19 gây ra để không hoang mang. Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm hay tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh.

BSCKII. Phạm Ngọc Kiếu

Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)