1. Giai đoạn hình thành đến năm 1975
Theo quyển ” Monographie De La Province De Long Xuyên ” của Victor Duvernoy xuất bản năm 1929 thì từ rất lâu, tỉnh Long Xuyên không có thầy thuốc. Trước năm 1907, cứ mỗi tháng hai lần, có một thầy thuốc từ Cần Thơ, hay nếu ông này vắng mặt, thì một thầy thuốc từ Châu Đốc đến Long Xuyên khám bệnh. Vào thời kỳ này, một thư ký kế toán Tòa Bố chịu trách nhiệm phòng thuốc; một y tá người bản xứ, không bằng cấp chuyên môn, được tuyển mộ tại chỗ, đảm trách công việc của một bệnh xá đặt tại tòa nhà mà nay là Sở Công Chính.
Ngày 07/04/1907, lần đầu tiên một thầy thuốc, Bác Sĩ Pujat, được bổ nhiệm đến Long Xuyên cùng với sự xây dựng bệnh viện. Bệnh viện lúc này chỉ có trại khám ngoại chẩn và buồng bệnh cho phụ nữ. Năm 1910, Bệnh viện Long Xuyên được mở rộng thêm: Trại bệnh đàn ông, Nhà Bảo sanh, trại bệnh cho người bị sốt, nhà tranh giành cho bệnh cách ly. Năm 1925, bệnh viện được cất thêm một trại bệnh cách ly gồm 6 buồng nhỏ, mỗi buồng 2 giường. Năm 1926, hạt nhân của bệnh viện là một phòng mổ hiện đại và phòng thanh trùng.
Hình 1: Bệnh viện Long Xuyên năm 1929 | Hình 2: Tháp nước của bệnh viện |
Trận hỏa hoạn năm 1945 thiêu rụi một số dãy nhà, sau đó bệnh viện được xây cất lại.
Hình 3: Bịnh viện Long Xuyên năm 1955 | Hình 4: Khoa Sản năm 1958 |
Hình 5: Bịnh viện Long Xuyên sau khi đã xây cất lại năm 1965 |
Trước năm 1975, bệnh viện được đặt tên là “Bịnh viện Long Xuyên” rồi “Trung tâm Y tế toàn khoa Long Xuyên”. Lúc này, bệnh viện có 420 giường bệnh, với 4 bác sĩ làm bán thời gian.
Hình 6: Phòng mổ năm 1960 | Hình 7: Trại 3 nữ năm 1965 |
Hình 8: Trại 3 nữ năm 1965 | Hình 9: Trại 6 Khoa Ngoại năm 1972 |
2. Giai đoạn từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 4 năm 2016
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang (cơ sở cũ) được tiếp thu từ cơ sở bịnh viện Long Xuyên của Chính quyền cũ với quy mô lúc bấy giờ chỉ có 420 giường bệnh. Bệnh viện được cải tạo và xây dựng trên tổng diện tích 2,4 ha (hectare), giới hạn bởi 4 con đường: Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, Lê Triệu Kiết và Châu Văn Liêm.
Trung tâm Y tế toàn khoa Long Xuyên được đổi tên thành bệnh viện đa khoa An Giang, rồi sau đó đổi tên thành bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, lúc này bệnh viện có 500 giường, sau đó tăng lên 650 giường, đến năm 2002 bệnh viện có số giường là 754 giường.
Năm 2007, bệnh viện tăng lên 900 giường, tổng số nhân sự 1.094 người, trình độ đại học 225 người, trong đó có 04 tiến sỹ, 12 thạc sỹ, 70 CKI, 04 CKII.
Năm 2012, Bệnh viện có 1.000 giường bệnh kế hoạch, có 36 khoa/phòng trong đó có 29 khoa lâm sàng bao gồm các lĩnh vực nội, ngoại, sản và nhi. Cuối năm 2012, Bệnh viện ĐKTT An Giang có 950 giường bệnh kế hoạch, do khoa Tim mạch lão học (55 giường bệnh) sáp nhập vào Bệnh viện Tim mạch An Giang.
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh, những năm qua tỉnh đã không ngừng đầu tư nâng cấp, cải tạo phát triển dần quy mô giường bệnh. Tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện cũ đã xuống cấp, lại thường xuyên quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, điều trị người bệnh, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Nhu cầu đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang mới là hết sức cấp bách và cần thiết.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương và ghi vốn chuẩn bị đầu tư vào năm 2007.
Công trình Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang là Công trình dân dụng, nhóm A, cấp I; cao 10 tầng (01 trệt và 9 lầu) với chiều cao công trình là 54,1m; Kết cấu bê tông cốt thép; Diện tích khu đất: 45.727 m2, diện tích xây dựng: 12.806 m2, Diện tích sàn xây dựng: 56.000 m2, mật độ xây dựng: 28%, hệ số sử dụng đất: 117%; Tổng mức đầu tư: 1.306 tỷ đồng; Nguồn vốn: vốn trái phiếu Chính phủ: 780,7 tỷ đồng, tỷ lệ: 60% tổng mức đầu tư; và ngân sách địa phương: 525,3 tỷ đồng, tỷ lệ: 40% tổng mức đầu tư (từ nguồn nộp ngân sách của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang).
Sau hơn 06 năm tổ chức xây dựng, công trình Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang khang trang, hiện đại, đáp ứng mong mỏi bấy lâu của Đảng bộ An Giang, ngành Y tế, tập thể CBVC bệnh viện và nhân dân tỉnh An Giang đã được hoàn thành.
3. Giai đoạn từ tháng 4 năm 2016 đến nay.
Ngày 06/04/2016, Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang tiến hành di dời về trụ sở mới, để lại bệnh viện cũ 300 giường của khoa Phụ Sản và khoa Nhi.
Ngày 29/04/2016, Bệnh viện mới được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó khối nhà chính 10 tầng, diện tích sàn trên 54.000m2 đã được khánh thành chính thức đưa vào sử dụng, tại số 60 Ung Văn Khiêm, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên.
Kể từ ngày 01/01/2017, Bệnh viện ĐKTT An Giang là bệnh viện đa khoa hạng II; là đơn vị tự chủ tài chính bảo đảm chi thường xuyên.
Trong sự phát triển đi lên của toàn xã hội nói chung và sự phát triển của ngành y tế nói riêng với những khó khăn, thách thức cùng với những cơ hội đan xen thì việc để tồn tại và phát triển, y đức và chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được coi là vấn đề cốt lõi của ngành y tế. Vì vậy, Đảng ủy và Ban giám đốc Bệnh viện ĐKTT An Giang đã xác định định hướng phát triển bệnh viện:
- Bệnh viện ĐKTT An Giang là bệnh viện khám, chữa bệnh chuyên sâu hàng đầu của tỉnh, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại ngang tầm với các bệnh viện khu vực và trung ương.
- Bệnh viện ĐKTT An Giang sẽ là bệnh viện hạng I, có chất lượng dịch vụ cao, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.
Sau hơn 5 năm phấn đấu, để đạt được những tiêu chí như: trình độ cán bộ, nhân viên y tế; trang thiết bị y tế; danh mục kỹ thuật; chuyển giao kỹ thuật; khoa học chuyên sâu… theo quy định của Bộ Y tế, Bệnh viện ĐKTT An Giang đã được Sở Y tế thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt công nhận bệnh viện hạng I kể từ ngày 31/12/2021. Đây là bệnh viện hạng I đầu tiên của tỉnh An Giang.
Những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân của Bệnh viện ĐKTT An Giang đạt được những thành tựu quan trọng. Nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn khi đến bệnh viện. Nhiều chỉ tiêu chuyên môn không ngừng tăng lên trong những năm gần đây; nhiều bệnh nguy hiểm được điều trị khỏi; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và phục vụ bệnh nhân được cải thiện; việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế được đầu tư đáp ứng nhu cầu thiết yếu của công tác khám chữa bệnh; trình độ đội ngũ cán bộ y tế và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng cao./.
BS.CKII. Khương Trọng Sửu
BS.CKII. Phan Văn Bé