Gắp khúc xương cá trong phế quản bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm

Ngày 09 tháng 9 năm 2020, bà Lê Thị Trang 39 tuổi ở Tà đảnh- Tri tôn- An giang đến khám Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang với triệu chứng ho thường xuyên, kèm đờm, cảm giác nặng ngực và thở khó. Đặc biệt triệu chứng này đã kéo dài suốt gần 01 năm mà không rõ nguyên nhân, dù trước đó bệnh đã từng đi khám ở nhiều nơi.

Kết quả chụp CT- scanner lồng ngực ghi nhận vùng ở phế quản trái, có dị vật lạ cản quang không rõ bản chất.

D:\noi soi\unnamed (1).jpg

Ê kip phòng nội soi phế quản (khoa Lao) thực hiện gắp dị vật trong phế quản bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm. Sau 10 phút thực hiện, các bác sĩ đã gắp ra mẫu xương kích thước 3x10mm kẹt trong đường thở ở phân thùy S6 phổi trái. Khi xương cá được lấy ra người bệnh cảm thấy dễ chịu và không còn nặng ngực khó thở như trước nữa.

D:\noi soi\unnamed.jpg

Hình ảnh dị vật trong lòng phế quản

Hình ảnh khúc xương cá kích thước 3x10mm

Người bệnh khai trước đây trên 01 năm, trong 01 lần ăn cá bị mắc xương và cố ho khạc ra nhưng không được, nghĩ là đã xuống dạ dày và tiêu hóa rồi.

Khuyến cáo:

  • Dị vật đường thở rất nguy hiểm, nếu lớn có thể bít cả đường thở gây suy hô hấp, thậm chí tử vong. Nếu dị vật ở trong phế quản phổi lâu ngày sẽ gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản …
  • Trong khi ăn uống mọi người KHÔNG nên ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói hay cười đùa, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Cần nhai kỹ, nuốt chậm để phòng ngừa dị vật lọt vào đường thở.
  • Khi bệnh có ho nhiều, viêm đường hô hấp tái phát không rõ nguyên nhân phải đến cơ sở chuyên khoa sâu về hô hấp để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra về sau.

BS CKII Phan Thanh Dũng

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)