1. Khái niệm
Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau.
2. Vai trò của sắt và nhu cầu sắt trong cơ thể:
Sắt là một trong những chất vi lượng có vai trò quan trọng trong hầu hết các tổ chức của cơ thể như trong hemoglobin (Hb). Sắt tham gia vào các quá trình chuyển hoá như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA,…
Ở người bình thường, 90-95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra, có 5 – 10% (1 – 2mg) lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để bù lại lượng sắt mất, cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng
3. Nguyên nhân thiếu sắt:
a. Không cung cấp đủ nhu cầu sắt:
Do tăng nhu cầu sắt: Trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…;
Do cung cấp thiếu: Ăn không đủ, ăn kiêng, chế độ ăn không cân đối, người nghiện rượu, người già…;
Do cơ thể giảm hấp thu sắt: Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột; Do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như tanin, phytat trong trà, cà phê.
b. Mất sắt do mất máu mạn tính:
Loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa , nhiễm giun móc, polyp đường ruột… ; viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu nhiều qua kinh nguyệt; sau phẫu thuật, sau chấn thương, U xơ tử cung
c. Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh.
4. Những dấu hiệu thường gặp:
a. Triệu chứng cơ năng: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế, tức ngực, giảm khả năng hoạt động thể lực và trí lực.
b. Triệu chứng thực thể: Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy.
5. Xét nghiệm:
+ Tổng phân tích tế bào máu: Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc.
+ Sinh hóa máu: Ferritin < 30 ng/mL và hoặc độ bão hòa transferrin < 30%.
IV. DỰ PHÒNG:
Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.
Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như: rau ngót, dền, muống,… Tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.
Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.
Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột.
Sổ giun định kỳ 6 tháng/lần
Những thức ăn giàu chất sắt: (như hình)
BS TRẦN NGỌC BÍCH – KHOA NỘI TIÊU HÓA HUYẾT HỌC