Điều trị triệu chứng ho trong bệnh ho gà

Symptomatic treatment of the cough in whooping cough.

Tác giả: Bettiol, Silvana; Thompson, Matthew J; Roberts, Nia Wyn; Perera, Rafael; Heneghan, Carl J; Harnden, Anthony

Nguồn: Cochrane Database of Systematic Reviews. , 2009.

Vấn đề: Tỉ lệ mắc phải của bệnh ho gà (pertussis) trên toàn thế giới được ước lượng khoảng 48.5 triệu trường hợp và gần 295 000 trường hợp tử vong mỗi năm. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, tỉ lệ tử vong ở trẻ em cao khoảng 4%. Hầu hết tử suất do ho gà ở trẻ em và người lớn là do ảnh hưởng của cơn ho kịch phát. Những phương cách điều trị ho đã được đề xuất bao gồm corticosteroids, đồng vận beta 2 adrenergic, globulin miễn dịch đặc hiệu cho pertussis, kháng histamin và có thể cả thuốc ức chế leukotriene (đối vận trên receptor của leukotriene LTRAs)

Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả và an toàn của các can thiệp làm giảm độ nặng của cơn ho kịch phát của bệnh ho gà ở trẻ em và người lớn.

Chiến lược nghiên cứu: Chúng tôi dò tìm ở trung tâm đăng ký các nghiên cứu có đối chứng Cochrane (2009, tập 1), bao gồm nhóm đăng ký chuyên biệt của nhiễm khuẩn hô hấp cấp Cochrane và Cơ sở dữ liệu các trích đoạn tổng quan về hiệu quả (DARE); MEDLINE (1950 đến tháng 3/2009); EMBASE (1980 đến 3/2009); AMED (1985 đến 3/2009); CINAHL (1982 đến 3/2009) và LILACS (3/2009).

Tiêu chuẩn lựa chọn: Các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng và bán ngẫu nhiên có đối chứng về bất kỳ sự can thiệp nào (ngoại trừ kháng sinh và vaccine) để làm giảm ho trong bệnh ho gà.

Thu thập và phân tích dữ liệu: Hai tác giả độc lập (SB,MT) lựa chọn nghiên cứu, chiết lọc dữ liệu và đánh giá chất lượng của mỗi nghiên cứu. Kết cục tiên phát là tần suất của cơn ho kịch phát. Kết cục thứ phát là tấn suất nôn ói, tần suất ho, tần suất tím tái, sự phát triển của các biến chứng nghiêm trọng, tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào, tác dụng phụ do thuốc, nhập viện và thời gian nằm viện.

Kết quả cuối cùng: 10 nghiên cứu với những cỡ mẫu khác nhau (n= 9 đến 135) từ các quốc gia thu nhập cao. Chất lượng nghiên cứu nhìn chung không tốt. Các nghiên cứu được bao gồm không cho thấy lợi ích có ý nghĩa thống kê đối với bất kỳ can thiệp nào. Diphenhydramine không làm thay đổi bệnh cảnh cơn ho; sự khác biệt trung bình của mỗi đợt ho mỗi 24h là 1.9 (KTC 95% : 4.7 đến 8.5). Một nghiên cứu trên globulin miễn dịch pertussis báo cáo sự giảm trung bình có thể là –3.1 cơn ho mỗi 24h (KTC 95%: -6.2 đến 0.02) nhưng không thay đổi khi nằm viện (-0.7 ngày) (KTC 95%: -3.8 đến 2.4). Dexamethasone không làm giảm rõ thời gian nằm viện (-3.5 ng ày) (KTC 95%: -15.3 đến 8.4) và Salbutamol không làm thay đổi cơn ho kịch phát mỗi 24 h (-0.22) (KTC 95%: -4.13 đến 3.69).

Kết luận: Không đủ bằng chứng để rút ra kết luận về hiệu quả can thiệp điều trị ho trong bệnh ho gà.

Người dịch: BS Phương Tâm, BV Nhi Cần Thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)