Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943: Văn kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cách mạng và con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam

Tháng 2/1943, Đảng ta ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) do đồng chí Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên).

Nguồn ảnh: Báo Tiền Phong

Văn kiện ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX, lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc. Nhật xâm chiếm Đông Dương, Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng mà còn phải đương đầu với những thủ đoạn thâm độc của phát xít Nhật, Pháp hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta. Một bộ phận tầng lớp trí thức “đêm trước cách mạng” tỏ ra chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc; số khác hoang mang, mất phương hướng, thiếu ngọn đèn dẫn lối về tư tưởng. Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết cần phải có một sự thay đổi mang tính đột phá, định hướng về tư tưởng văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có kết cấu gồm 05 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”.

Có thể khẳng định Đề cương về văn hóa năm 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Năm 1981, đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Đề cương về văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam … Nhưng Đề cương về văn hóa đã thâu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam” . Đề cương không chỉ có giá trị trong chỉ đạo hoạt động văn hóa – xã hội mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Cho đến nay, Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển./.

  

Infographic: TTXVN

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)