Đánh giá sử dụng kháng sinh trong điều trị ngoại trú

Nguyễn Kim Chi, Nguyễn Minh Loan, Phạm Chí Hiền, Lê Hoàng Vũ

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá các chỉ số kê đơn sử dụng kháng sinh điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang 6 tháng đầu năm 2017. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang. Tiêu chuẩn chọn mẫu: Lấy ngẫu nhiên đơn thuốc tại thời điểm nghiên cứu (172.877 đơn thuốc). Kết quả: Số đơn sử dụng từ 1 – 4 thuốc chiếm tỉ lệ cao (86,01%). Số đơn sử dụng từ 5 – 8 thuốc chiếm tỉ lệ 13,73%. Số đơn thuốc sử dụng từ 9 – 13 thuốc chiếm tỉ lệ 0,27%. Số đơn có sử dụng kháng sinh chiếm tỉ lệ 14,73%. Số lượng đơn thuốc sử dụng một kháng sinh là 94,34%; Số lượng đơn thuốc sử dụng kết hợp kháng sinh là 5,66%. Nhóm β – lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất (58,01%), nhóm quinolon là 16,33% và nhóm aminoglycosid là 12,12%. Số đơn sử dụng từ 1 – 4 thuốc đối với người bệnh có BHYT chiếm tỉ lệ 89,52%, đơn thuốc không có BHYT là 71,92%; Số đơn sử dụng từ 5 – 8 thuốc đối với đơn có BHYT thấp hơn đơn thuốc không có BHYT (10,34% và 28,04%) và số đơn sử dụng từ 9 – 13 thuốc chiếm tỉ lệ 0,05%. Đơn thuốc có sử dụng kháng sinh của người bệnh không có BHYT là 36,04% cao hơn đơn thuốc có BHYT (9,41%). Tỉ lệ đơn có một kháng sinh đối với đơn thuốc có BHYT chiếm tỉ lệ 92,6%, đơn thuốc không có BHYT là 96,17%. Tỉ lệ sử dụng kết hợp kháng sinh trong đơn thuốc có BHYT là 7,4% và đơn không có BHYT là 3,83%. Nhóm β – lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất kể cả đơn có BHYT và không có BHYT (55,99% và 60,20%).

ABSTRACT

Objectives: Evaluate the indications of antibiotic use for outpatient treatment at An Giang General Hospital in the first 6 months of 2017. Methods: cross sectional description. Sample: randomized prescriptions at the time of study (172.877 prescriptions). Results: The number of applications from 1 to 4 drugs accounted for a high proportion (86.01%). The number of applications ranging from 5-8 drugs accounted for 13.73%. Number of prescriptions used from 9 to 13 accounted for 0.27%. The number of applications using antibiotics was 14.73%. The number of prescriptions using an antibiotic was 94.34%; The number of prescriptions using antibiotic combination was 5.66%. The β-lactam group is the most commonly used antibiotic (58.01%), quinolones group is 16.33% and the aminoglycoside group is 12.12%. The number of applications from 1-4 drugs for patients with health insurance accounted for 89.52%, the drug without health insurance was 71.92%; The number of applications for 5-8 drugs was lower than that of non-health insurance (10.34% and 28.04%) and the number of applications was 9-13, accounting for 0.05%. Prescriptions for antibiotic use of patients without health insurance were 36.04% higher than those with health insurance (9.41%). The proportion of antibiotic prescriptions applied to health insurance accounts for 92.6%, and prescriptions for non-health insurance are 96.17%. The proportion of antibiotic use in the prescription drug with health insurance is 7.4% and the application without health insurance is 3.83%. The β-lactam group is the most commonly used antibiotic group, including health insurance and non-health insurance (55.99% and 60.20%).

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây tình hình vi khuẩn kháng kháng sinh đối với các kháng sinh hiện có ngày càng gia tăng và trở thành mối quan ngại của toàn cầu. Việc kê đơn điều trị cho bệnh nhân được quan tâm rất nhiều ở các cơ sở khám chữa bệnh, sử dụng kháng sinh không hợp lý dẫn đến không có hiệu quả trong điều trị, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, làm tăng đáng kể chi phí cho người bệnh, mà còn là nguyên nhân làm gia tăng kháng kháng sinh của vi khuẩn đối với các kháng sinh hiện có.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

1. Khảo sát tỉ lệ phân bố số thuốc trong một đơn thuốc;

2. Đánh giá các chỉ số kê đơn kháng sinh:

– Đánh giá tỉ lệ đơn thuốc có sử dụng kháng sinh;

– Tỉ lệ các nhóm kháng sinh được sử dụng.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Đối tượng nghiên cứu

Đơn thuốc ngoại trú được kê đơn điều trị tại BVĐKTT – An Giang 06 tháng đầu 2017.

  1. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang.
  2. Tiêu chuẩn chọn mẫu: Lấy ngẫu nhiên đơn thuốc tại thời điểm NC.
  3. Cỡ mẫu: lấy tất cả các đơn thuốc có KS trong 6 tháng đầu năm 2017.
  4. Tiêu chuẩn loại trừ: các đơn thuốc không phải của BVĐKTT – An Giang, các đơn thuốc của BVĐKTT – An Giang nhưng không lĩnh, các đơn thuốc bệnh nhân không mua thuốc tại Hệ thống nhà thuốc Bệnh viện.
  5. Xử lý số liệu: tính toán và vẽ biểu đồ minh hoạ các kết quả nghiên cứu bằng phần mềm Microsoft Excel.

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

1. Kết quả nghiên cứu về sự phân bố số thuốc trong một đơn thuốc:

Bảng 1. Sự phân bố số thuốc trong một đơn thuốc

Số lượng thuốc trong một đơn thuốc Số lượng

(đơn)

Tỉ lệ
(%)
1 – 4 thuốc 148.688 86,01
5 – 8 thuốc 23.729 13,73
9 – 13 thuốc 460 0,27
TỔNG 172.877 100

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy:

– Số đơn sử dụng từ 1 – 4 thuốc chiếm tỉ lệ cao (86,01%), tỉ lệ này cao hơn nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long năm 2015 (77,05%).

– Số đơn sử dụng từ 5 – 8 thuốc chiếm tỉ lệ 13,73%, thấp hơn nghiên cứu của của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long năm 2015 (22,73%).

– Số đơn sử dụng từ 9 – 13 thuốc chiếm tỉ lệ 0,27%.

Đây là tỉ lệ mang ý nghĩa tích cực, sử dụng ít thuốc trong đơn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hạn chế những phản ứng có hại của thuốc (ADR) có thể xảy ra cũng như tránh được những tương tác bất lợi của các thuốc sử dụng chung [2], [9], [10]. Tuy nhiên vẫn còn 460 đơn thuốc sử dụng từ 9 – 13 thuốc chiếm tỉ lệ 0,27%, việc sử dụng nhiều thuốc trong một đơn dễ dẫn đến gia tăng nguy cơ xuất hiện phản ứng có hại [2]. Đây là vấn đề cần phải xem xét và can thiệp nhằm làm giảm bớt chi phí trong điều trị và hạn chế được những phản ứng bất lợi có thể xảy ra.

2. Kết quả nghiên cứu về tỉ lệ kê đơn kháng sinh trong điều trị ngoại trú:

2.1. Tỉ lệ đơn thuốc có kháng sinh

Biểu đồ 1. Tỉ lệ đơn thuốc có kháng sinh

Khảo sát 172.877 đơn thuốc tại các phòng khám của khoa Khám bệnh, kết quả nhận thấy số đơn có sử dụng kháng sinh là 25.457 đơn (chiếm tỉ lệ 14,73%). Tỉ lệ này thấp hơn khảo sát của ngành y tế An Giang năm 2011 (54%) và thấp hơn nghiên cứu của Bệnh viện Bạch mai năm 2013 (29%), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long năm 2015 (47,27%).

Nhận thấy tỉ lệ kê đơn kháng sinh thấp hơn các nghiên cứu của các bệnh viện, tuy nhiên cần phải quan tâm, xem xét việc chẩn đoán và kê đơn phù hợp nhằm hạn chế sự đề kháng sinh có thể xảy ra.

2.2. Tỉ lệ đơn thuốc sử dụng kết hợp kháng sinh:

Bảng 2.1. Kết quả đơn thuốc sử dụng kháng sinh kết hợp

Tỉ lệ đơn có kháng sinh Số lượng
(đơn)
Tỉ lệ
(%)
Tỉ lệ đơn có 1 kháng sinh 24.017 94,34
Tỉ lệ sử dụng kết hợp KS trong đơn thuốc 1.440 5,66
Tổng cộng 25.457 100

Qua 25.457 đơn thuốc ngoại trú có sử dụng kháng sinh, nhận thấy:

– Số lượng đơn thuốc sử dụng một kháng sinh là 24.017 đơn (chiếm tỉ lệ 94,34%);

– Số lượng đơn thuốc sử dụng kết hợp kháng sinh là 1.440 đơn (chiếm tỉ lệ 5,66%), tỉ lệ này gần bằng với tỉ lệ nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long năm 2015 (5,45%).

2.3. Tỉ lệ các nhóm kháng sinh sử dụng

Bảng 2.2. Kết quả nghiên cứu về tỉ lệ sử dụng các nhóm kháng sinh

Nhóm kháng sinh Số lượng

(đơn)

Tỉ lệ
(%)
β – lactam 15.604 58,01
Quinolon 4.393 16,33
Aminoglycosid 3.260 12,12
5 – nitro – imidazol 1.825 6,78
Cyclin 1.460 5,43
Macrolid 349 1,30
Phenicol 7 0,03
Tổng cộng 26.898 100

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

– Nhóm β – lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất (58,01%). Nghiên cứu của Bệnh viện Bạch mai năm 2013 nhóm β – lactam là kháng sinh sử dụng phổ biến nhất (44,98%)[8].

– Thứ hai là nhóm quinolon (16,33%). Tiếp theo nhóm aminoglycosid (12,12%) và còn lại là các nhóm khác như: 5 – nitro – imidazol, cyclin, macrolid, phenicol.

3. So sánh tỉ lệ các chỉ số kê đơn BHYT và không có BHYT

3.1. Các chỉ số kê đơn

Bảng 3.1. Sự phân bố số thuốc trong một đơn thuốc giữa đơn có BHYT và không có BHYT

Số lượng thuốc trong một đơn thuốc BHYT THU PHÍ
Số lượng

(đơn)

Tỉ lệ
(%)
Số lượng

(đơn)

Tỉ lệ
(%)
1 – 4 thuốc 123.882 89,52 24.806 71,92
5 – 8 thuốc 14.312 10,34 9.671 28,04
9 – 13 thuốc 190 0,14 16 0,05
TỔNG 138.384 100 34.493 100

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

– Số đơn sử dụng từ 1 – 4 thuốc đối với đơn thuốc có BHYT chiếm tỉ lệ cao hơn đơn thuốc không có BHYT (89,52% và 71,92%);

– Số đơn sử dụng từ 5 – 8 thuốc đối với đơn có BHYT thấp hơn đơn thuốc không có BHYT (10,34% và 28,04%) và số đơn sử dụng từ 9 – 13 thuốc chiếm tỉ lệ 0,05% (16 đơn).

Vấn đề này cần phải được xem xét lại về sự phối hợp trong sử dụng thuốc nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn đồng thời giảm bớt chi phí cho người bệnh không có thẻ BHYT.

3.2. So sánh tỉ lệ các chỉ số kê đơn giữa đơn thuốc BHYT và không BHYT

Bảng 3.2. Kết quả so sánh tỉ lệ đơn thuốc có kháng sinh

Sử dụng kháng sinh Bảo hiểm y tế Không BHYT
Số lượng
(đơn)
Tỉ lệ
(%)
Số lượng
(đơn)
Tỉ lệ
(%)
Tỉ lệ đơn không có kháng sinh 125.357 90,59 22.063 63,96
Tỉ lệ đơn có kháng sinh 13.027 9,41 12.430 36,04
Tổng cộng 138.384 100 34.493 100

Số lượng đơn thuốc có BHYT là 138.384 đơn, trong đó số lượng đơn thuốc có sử dụng kháng sinh là 13.027 (chiếm tỉ lệ 9,41%); Đơn thuốc có sử dụng kháng sinh của người bệnh không có BHYT là 12.430 (tỉ lệ 36,04%).

Kết quả này cho thấy tỉ lệ kê đơn sử dụng cho người bệnh không có BHYT cao hơn 3 lần đơn thuốc của người bệnh có BHYT.

3.3. Tỉ lệ đơn thuốc sử dụng kết hợp kháng sinh:

Bảng 3.3. Kết quả đơn thuốc sử dụng kháng sinh kết hợp

Tỉ lệ đơn có kháng sinh Bảo hiểm y tế Không BHYT
Số lượng

(đơn)

Tỉ lệ

(%)

Số lượng

(đơn)

Tỉ lệ

(%)

Tỉ lệ đơn có 1 kháng sinh 12.063 92,60 11.954 96,17
Tỉ lệ sử dụng kết hợp kháng sinh trong đơn thuốc 964 7,40 476 3,83
Tổng cộng 13.027 100 12.430 100

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

– Tỉ lệ đơn có một kháng sinh đối với đơn thuốc có BHYT chiếm tỉ lệ 92,6%, tỉ lệ này thấp hơn đơn thuốc không có BHYT (96,17%).

– Tì lệ sử dụng kết hợp kháng sinh trong đơn thuốc có BHYT cao hơn (7,4%) tỉ lệ đơn không có BHYT (3,83%).

3.4. Tỉ lệ các nhóm kháng sinh sử dụng

Nhóm Kháng sinh BHYT Tỉ lệ
(%)
Không có BHYT Tỉ lệ
(%)
β – lactam 7.834 55,99 7.770 60,20
Quinolon 2.018 14,42 2.375 18,40
Aminoglycosid 1.889 13,50 1.371 10,62
5 – nitro – imidazol 1.205 8,61 620 4,80
Cyclin 728 5,20 732 5,67
Macrolid 311 2,22 38 0,29
Phenicol 7 0,05 0 0,00
Tổng cộng 13.992 100 12.906 100

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nhóm β – lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất kể cả đơn có BHYT và không có BHYT (55,99% và 60,20%). Kết quả này cao hơn nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai năm 2011 (37,67% đơn BHYT và 45,9% đơn không có BHYT).

Đứng hàng thứ hai là nhóm quinolon (14,42% và 18,4%), tỉ lệ sử dụng ở những đơn thuốc không có BHYT cao hơn đơn thuốc có BHYT.

KẾT LUẬN

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy: Số đơn sử dụng từ 1 – 4 thuốc chiếm tỉ lệ cao (86,01%). Số đơn sử dụng từ 5 – 8 thuốc chiếm tỉ lệ 13,73%. Tuy nhiên vẫn còn 460 đơn thuốc sử dụng từ 9 – 13 thuốc chiếm tỉ lệ 0,27%

Về vấn đề sử dụng kháng sinh, qua khảo sát 172.877 đơn thuốc tại các phòng khám của khoa Khám bệnh kết quả cho thấy số đơn có sử dụng kháng sinh là 25.457 đơn (chiếm tỉ lệ 14,73%).

Vấn đề kết hợp kháng sinh, số lượng đơn thuốc sử dụng một kháng sinh là 24.017 đơn (chiếm tỉ lệ 94,34%); Số lượng đơn thuốc sử dụng kết hợp kháng sinh là 1.440 đơn (chiếm tỉ lệ 5,66%).

Tỉ lệ sử dụng các nhóm kháng sinh: Nhóm β – lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất (58,01%). Đứng hàng thứ hai là nhóm quinolon (16,33%). Tiếp theo nhóm aminoglycosid (12,12%) và còn lại là các nhóm khác.

So sánh tỉ lệ các chỉ số kê đơn BHYT và không có BHYT

Số đơn sử dụng từ 1 – 4 thuốc đối với đơn thuốc có BHYT chiếm tỉ lệ cao hơn đơn thuốc không có BHYT (89,52% và 71,92%); Số đơn sử dụng từ 5 – 8 thuốc đối với đơn có BHYT thấp hơn đơn thuốc không có BHYT (10,34% và 28,04%) và số đơn sử dụng từ 9 – 13 thuốc chiếm tỉ lệ 0,05% (16 đơn).

Đơn thuốc có sử dụng kháng sinh của người bệnh không có BHYT (tỉ lệ 36,04%) cao hơn đơn thuốc có BHYT (9,41%).

Tỉ lệ đơn có một kháng sinh đối với đơn thuốc có BHYT chiếm tỉ lệ 92,6%, tỉ lệ này thấp hơn đơn thuốc không có BHYT (96,17%).

Tỉ lệ sử dụng kết hợp kháng sinh trong đơn thuốc có BHYT là 7,4% và đơn không có BHYT là 3,83%.

Nhóm β – lactam là nhóm kháng sinh được sử dụng nhiều nhất kể cả đơn có BHYT và không có BHYT (55,99% và 60,20%).

Đứng hàng thứ hai là nhóm quinolon (14,42% và 18,4%), tỉ lệ sử dụng ở những đơn thuốc không có BHYT cao hơn đơn thuốc có BHYT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế, Quyết định 708/QĐ-BYT (2015) về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh”.
  2. Bộ Y Tế (2005), Tương tác thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn hợp lý, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
  3. Bộ Y Tế (2006), Tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
  4. Bộ môn dược lâm sàng – Trường Đại học dược Hà Nội (2003). Dược lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.
  5. Bộ môn nội Đại học y Hà Nội (2010). Bệnh học nội khoa. Nhà xuất bản Y học.
  6. Trần Nhân Thắng và CS (2006), Khảo sát tình hình sử dụng thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai, Y học lâm sàng, Volum 1, NXB Trẻ, Hà Nội, Tr 199-204.
  7. Trần Nhân Thắng và CS (2013), Khảo sát sử dụng kháng sinh trong điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai, Tạp chí Y học thực hành (878) – Số 8/2013, tr 84 – 88.
  8. David J, Lisa L, Moltke V,. (2002), Drug – Drug interactions clinical perspective, Drug and the pharmaceutical sciences, volume 116, New York, pp. 565 – 584.
  9. Hiroyuki K, Yuichi S, (2002), Drug – Drug interactions involving the membrane transport process, Drug and the pharmaceutical sciences, volume 116, New York, pp. 123-188.
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)