Đánh giá hiệu quả dự phòng buồn nôn và nôn của dexamethasone ở bệnh nhân mổ nội soi ổ bụng

Nguyễn Thị Kim Loan, Trương Triều Phong,

Nguyễn Văn Tấn, Mai Vạn Thưởng

Khoa PTGM, Bệnh viện ĐKTT An Giang

TÓM TẮT

Mở đầu: Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện và sớm trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tỉ lệ buồn nôn và nôn sau mổ (BNNSM) còn cao ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả dự phòng buồn nôn và nôn của dexamethasone trong 06 giờ đầu sau mổ nội soi ổ bụng.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng. 120 bệnh nhân mổ nội soi ổ bụng có ASA I – II, tuổi 16 – 70. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: nhóm D (60 bệnh nhân ) được tiêm tĩnh mạch dexamethasone 8mg lúc khởi mê và nhóm C (60 bệnh nhân) không sử dụng thuốc chống nôn. Tất cả bệnh nhân được theo dõi buồn nôn – nôn và các tác dụng phụ trong 6 giờ đầu sau mổ.

Kết quả: Tỉ lệ BNNSM ở nhóm D 32,6% và nhóm chứng 67,4%. Tần suất BNNSM ở nhóm chứng cao hơn có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với nhóm D.

Kết luận: Dexamethasone 8 mg có hiệu quả dự phòng BNNSM trong mổ nội soi ổ bụng.

Từ khóa: Dexamethasone, mổ nội soi ổ bụng, buồn nôn và nôn sau mổ
THE EFFECT OF DEXAMETHASONE IN THE PREVENTION OF POSTOPERATIVE NAUSEA AND VOMITING IN THE PATIENTS LAPAROSCOPIC ABDOMINAL SURGERY.

ABSTRACT
Background: Laparoscopic surgery provides tremendous benefits to patients, including faster recovery, shorter hospital stay and prompt return to normal activities. Despite the minimally invasive nature of laparoscopy, high incidence of postoperative nausea and vomiting remains a major cause for morbidity.

Objectives: The effect of dexamethasone on preventing nausea and vomiting in the patients laparoscopic abdominal surgery.

Patients and Methods: 120 patients with ASA class I and II, aged between 16 – 70 years voluntarily participated in this randomized control trial. The patients were randomly divided into two groups: Group D (60 patients) received dexamethasone 8 mg at the induction and group C (60 patients) without using antiemetic. The incidence of PONV and side effects were recorded during the first 06 h postoperatively.
Results: The incidence of PONV was observed in 31.4 and 66.7 percent of D and C groups, respectively. The frequency of PONV was significantly higher in C-group (p =<0.05).

Conclusions: Dexamethasone 8 mg is effective in preventing PONV in the patients laparoscopic abdominal surgery.

Key words: Dexamethasone, laparoscopic abdominal surgery, postoperative nausea and vomiting (PONV)

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Buồn nôn và nôn sau mổ (BNNSM) là một vấn đề thường gặp trong 06 giờ đầu sau phẫu thuật. Tỉ lệ BNNSM theo Hội Gây mê Hồi sức Hoa Kỳ khoảng 20 – 30% và lên đến 70- 80% ở những bệnh nhân có nguy cơ rất cao về buồn nôn và nôn sau mổ.

Phương pháp mổ nội soi ít xâm hại hơn phương pháp phẫu thuật mở, nhưng tỉ lệ buồn nôn và nôn sau mổ (BNNSM) cao hơn mổ mở. BNNSM làm bệnh nhân ra mồ hôi, nhịp tim nhanh, đau bụng, kéo dài thời gian nằm ở phòng hồi tỉnh cũng như thời gian nằm viện và tăng nguy cơ viêm phổi do hít phải chất nôn (Hội chứng Mendelson). BNNSM mức độ nặng có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, bục vết mổ, chảy máu kéo dài ở vết thương. Do vậy, dự phòng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật là vấn đề cần thiết và cần quan tâm nhằm giảm biến chứng sau gây mê và phẫu thuật, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân sau mổ.

Dexamethasone là thuốc thuộc nhóm corticoide có tác dụng kháng viêm mạnh và chống dị ứng, còn có cơ chế đối kháng với dopamine receptor tại vùng CTZ ở sàn não thất IV làm cho nồng độ dopaminergic giảm đáng kể tại vùng này. Những chất trung gian hóa học là chất đồng vận của vùng CTZ có tác dụng dẫn truyền cảm giác nôn, khi nồng độ chất này giảm sẽ làm giảm nôn và buồn nôn.Thuốc này đã được sử dụng để điều trị nôn cho bệnh nhân hóa trị liệu, sau đó được đưa vào nghiên cứu trong điều trị dự phòng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật, nhiều nghiên cứu đã chứng minh nó có hiệu quả và an toàn.

Dexamethasone là thuốc dễ kiếm và giá thành rẻ, nhưng chưa sử dụng rộng rãi trong dự phòng BNNSM. Do vậy, chúng tôi tiến hành đề tài này.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU:

Đánh giá hiệu quả dự phòng buồn nôn và nôn của dexamethasone trong 06 giờ đầu ở bệnh nhân mổ nội soi ổ bụng.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng.

Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

Bệnh nhân có chỉ định mổ nội soi ổ bụng , tuổi từ 16– 70 tuổi, ASA I và II, không sử dụng thuốc chống nôn trước phẫu thuật và đồng ý tham gia nghiên cứu.
Phẫu thuật tại khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang từ tháng 03 năm 2017 đến tháng 08 năm 2017.

Tiêu chuẩn loại trừ

Chống chỉ định sử dụng dexamethasone, phụ nữ cho con bú hoặc có thai, có triệu chứng nôn và buồn nôn trước mổ, dùng thuốc chống nôn trước mổ, không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Cỡ mẫu

Theo nghiên cứu Kim Eun Jin sử dụng thuốc dự phòng nôn giảm tỉ lệ buồn nôn và nôn sau mổ từ 47,4% xuống còn 19,4 % .

Nghiên cứu của chúng tôi với giả thuyết hiệu quả dự phòng BNNSM với kết quả như trên. Áp dụng công thức tính cỡ mẫu so sánh 2 tỉ lệ với biên kết cục là biến nhị phân:

Trong đó:

n : Cỡ mẫu cho mỗi nhóm để nghiên cứu có ý nghĩa thông kê

p: Tỉ lệ BNNSM nhóm sử dụng thuốc chống nôn, p1 = 0,19 và q1= 0,81

p: Tỉ lệ BNNSM nhóm chứng, p2 = 0,47 và q2= 0.53

p = (p1 + p2)/2 = (0,19 + 0,47)/2 = 0,33

α : Xác suất sai lầm loại I : 0,05 thì Z2= 1,96

β: Xác suất sai lầm loại II : 0,2 thì Z2 = 1,04

Tính được n ≥ 49 bệnh nhân, vậy nhóm nghiên cứu của chúng tôi chọn 60 bệnh nhân cho mỗi nhóm.

Định nghĩa biến số nghiên cứu

Thời gian gây mê: từ lúc bắt đầu tiêm thuốc ngủ để khởi mê cho đến lúc rút nội khí quản.

Thời gian phẫu thuật: từ lúc bắt đầu rạch da đến lúc kết thúc đóng da.

Nôn là sự tống các chất trong dạ dày ra ngoài liên quan đến sự co nhịp nhàng của các cơ hô hấp, bao gồm cơ hoành và các cơ thành bụng.

Buồn nôn là một cảm giác khó chịu ở vùng họng, thượng vị và muốn nôn. Buồn nôn thường đi kèm với nôn nhưng không nhất thiết hai triệu chứng này xuất hiện cùng một lúc.

Các bước tiến hành

Tất cả bệnh nhân được khám tiền mê thường qui. Phân nhóm ngẫu nhiên dựa vào số nhập viện: Nhóm D gồm 60 bệnh nhân có số nhập viện lẻ: Tiêm tĩnh mạch 8 mg dexamethasone khi khởi mê và nhóm C gồm 60 bệnh nhân có số nhập viện chẵn: Không sử dụng thuốc dexamethasone.Tiền mê midazolam 0,02 mg/kg. Khởi mê bằng propofol 2 – 3 mg/kg, fentanyl 2 – 3 μg/kg, rocuronium 0,6 mg/kg, đặt nội khí quản và duy trì mê isoflurane, liều fentanyl lập lại 1µg/kg khi thời gian mổ kéo dài hơn 30 phút.

Tất cả bệnh nhân được theo dõi 06 giờ sau mổ. Tất cả bệnh nhân được chăm sóc và điều trị sau mổ như nhau. Theo dõi các tác dụng phụ của thuốc dự phòng nôn như  nhức đầu, chóng mặt…

Xử lý số liệu

Sử dụng phần mềm thông kê SPSS 16.0. Nếu các biến số là biến định lượng sẽ được kiểm định bằng T-test. Nếu các biến số là biến định tính sẽ được kiểm định bằng test chi bình phương χ2 , sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi P<0,05.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1: Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu:

Đặc điểm Nhóm C Nhóm D p
Tuổi (năm) 41,7±13,3* 37,3±13,68 0,07
Giới (Nam/Nữ) Nữ: 38(48,7%) 40(51,3%) 0,70
Nam22(52,4%) 20(47,6%)
ASA (I,II) I: 38(47,5%) 42(52,5%) 0,43
II: 22(55%) 18(45%)
Bệnh lý PT VRT:45(50,6%) 44(49,4%) 0,83
STM:16(51,6%) 15(48,4%)
TG mổ (phút) 52,5±12,9* 51,0±15,4* 0,58
TG gây mê (phút) 64,1±13,6* 62,4±16,6* 0,53
Fentanyl (μg) 138,8±35,6* 147±39,4* 0,23

*Trung bình ± độ lệnh chuẩn

Nhận xét: Các đặc điểm chung của 2 nhóm nghiên cứu tương đồng nhau.
Bảng 2: So sánh BNNSM trong 06 giờ sau mổ

Mức độ Nhóm C Nhóm D p
Buồn nôn – nôn 29(67,4%) 14(32,6%) 0,004
Không Nôn 31(40,3%) 46(59,7%)

Nhận xét: Tỉ lệ buồn nôn – nôn sau mổ ở nhóm C cao hơn nhóm D trong 06 giờ đầu sau mổ có ý nghĩa thống kê với P<0,05

Bảng 3: Tác dụng không mong muốn thuốc chống nôn:

Triệu chứng Tần số Tỉ lệ(%)
Nhức đầu 2/60** 3,3
Chóng mặt 3/60** 5
Khác 0/60** 0

**số bệnh nhân

BÀN LUẬN

– Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thể hiện các đặc điểm chung của 2 nhóm nghiên cứu tương đồng nhau.(bảng 1)

– Tỉ lệ BNNSM của nhóm D là 32,6% so với 67,4% ở nhóm C trong giai đoạn 0 – 6 giờ sau mổ, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với P<0,05(bảng 2).

Kết quả của chúng tôi cũng tương đồng với tác giả Bùi Ngọc Đức Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc dự phòng buồn nôn và nôn trên 35 bệnh nhân cắt túi mật nội soi với 4mg dexamethasone và 39 bệnh nhân nhóm chứng không chích dexamethasone. Tỉ lệ BNNSM ở nhóm dùng thuốc là 31,4% so với nhóm chứng là 66,7%. Theo Kim Eun Jin và cộng sự [3] năm 2007 dự phòng BNNSM trên 374 bệnh nhân với Ondansetron 4mg + Dexamethasone 5mg và 2546 bệnh nhân nhóm chứng không dùng thuốc. Tỉ lệ BNNSM ở nhóm dùng thuốc là 19,4% so với nhóm chứng 47,3%. Theo tác giả Nguyễn Văn Chừng và cộng sự [4] khi dùng ondansetron 4mg phối hợp với dexamethasone 4mg làm giảm tỉ lệ BNNSM còn 8,7% so với nhóm chứng là 47,17%. Các kết quả này thấp hơn kết quả của chúng tôi có thể do nghiên cứu này phối hợp hai thuốc nên có kết quả dự phòng BNNSM tốt hơn. Gautam (2008) và cộng sự[2] thực hiện một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên mù đôi. Nhóm 1 nhận 4 mg ondansetron, nhóm 2 nhận 8 mg dexamethasone và nhóm 3 nhận 4 mg ondansetron và 8 mg dexamethasone. Mỗi nhóm gồm 50 bệnh nhân cắt túi mật nội soi. Kết quả nghiên cứu thể hiện tác dụng dự phòng của hai thuốc trên là tương đương nhau và hiệu quả dự phòng đơn trị kém hơn phối hợp. Năm 2012, Eidy và cộng sự[1] nghiên cứu 150 bệnh nhân cắt túi mật nội soi với phác đồ nghiên cứu giống như Gautam. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả dự phòng BNNSM của hai thuốc này là tương đương nhau. Tác dụng không mong muốn thường gặp là đau đầu là 02 bệnh nhân(3,3%), chóng mặt 03 bệnh nhân(05%). Kết quả của chúng tôi cũng tương đồng với tác giả Nguyễn văn Chừng [4] là nhức đầu 2,68% và chóng mặt là 2,68%. Theo tác giảThomas R và Jones N [7] năm 2001 đã sử dụng ondansetron đơn thuần 4mg hoặc phối hợp dexamethasone 8mg trên 177 bệnh nhân có 1,72% nhức đầu và 5,17% chóng mặt. Theo Usmani và cộng sự [8] nghiên cứu trên 90 bệnh nhân dùng ondansetron đơn thuần hoặc phối hợp dexamethasone kết quả có 7% bệnh nhân nhức đầu, 7% bệnh nhân chóng mặt. Tác dụng phụ của dexamethasone khi sử dụng với liều dự phòng buồn nôn – nôn sau mổ là rất hiếm. Các tác dụng phụ này chỉ xuất hiện thoáng qua với tỉ lệ thấp. Tác dụng phụ trong giới hạn chấp nhận được.

KẾT LUẬN

Dexamethasone 8mg có hiệu quả tốt trong dự phòng BNNSM sau phẫu thuật nội soi ổ bụng, an toàn và tác dụng phụ không đáng kể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Eidy M., Vafaei H. R., Rajabi M., Mohammadzadeh M. (2012), Effect of Ondansetron and Dexametasone on post-operative nausea and vomiting in patients undergoing laparoscopic cholecystectomy. Journal of Minimally Invasive Surgical Sciences,  1  (4),  138-143.

2. Gautam B., Shrestha B. R., Lama P., Rai S. (2008), Antiemetic prophylaxis against postoperative nausea and vomiting with ondansetron-dexamethasone combination compared to ondansetron or dexamethasone alone for patients undergoing laparoscopic cholecystectomy. Kathmandu Univ Med J (KUMJ),  6  (23),  319-28.

3. Kim Eun Jin, Justin Sang Ko, et al (2007). “Combination of Antiemetics for the Prevention of Postoperative Nausea and Vomiting in High Risk Patients”. The Korean Academy of Medical Sciences, pp 878 – 882.

4. Nguyễn Văn Chừng, Trần Thị Ánh Hiền. Nghiên cứu hiệu quả dự phòng buồn nôn-nôn của ondansetron phối hợp dexamethason sau phẫu thuật tai mũi họng. Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh.2011, tập 15, số 1.

5. Nguyễn Văn Chừng (2009). “Tai biến và biến chứng của gây mê”. Gây mê Hồi sức cơ bản. Nhà xuất bản Y học, tr 171 – 172.

6. Thomas R and Jones N, et al (2001). “Prospective randomized, double blind comparative study of dexamethasone, ondansetron, and ondansetron plus dexamethasone as prophylactic antiemetic therapy in patients undergoing day case gynaecological surgery”. British Journal of Anaesthesia, vol 87, no 4, pp 588 – 592.

7. Usmani Hammas, Quadir A, et al (2003). “Ondansetron and Dexamethason in middle ear procedures”. Indian Journal of Otolaryngology, vol 55, pp 97 – 99.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)