Đã có vaccin phòng chống sốt xuất huyết nhưng không được chủ quan

Sốt xuất huyết Dengue (SXH-D) là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Bệnh gây ra bởi virus Dengue với 4 type huyết thanh: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Muỗi Aedes là vật chủ trung gian truyền bệnh chính.

Dựa trên môi trường sống “ưa thích” của tác nhân gây bệnh SXH-D là muỗi Aedes, ta có thể xác định được các khu vực mà bệnh SXH-D phổ biến trên thế giới là Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông, Trung Mỹ, Nam Mỹ, khu vực Caribe, châu Úc, châu Phi và Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành rất phổ biến ở cả 4 khu vực bao gồm miền Bắc, Trung, Nam và khu vực Tây Nguyên. Theo kết quả thống kê của Bộ Y Tế Việt Nam, trong số các ca mắc sốt xuất huyết thì số lượng ca mắc sốt xuất huyết do virus Dengue chiếm đến 85%, trong đó có đến 90% ca tử vong là các bệnh nhân có độ tuổi dưới 15.

WHO cấp phép vắc xin sốt xuất huyết thứ hai

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc mới SXH-D đã tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua. Ước tính hằng năm có khoảng 50-100 triệu trường hợp mắc SXH-D tại 100 quốc gia có dịch bệnh lưu hành. Gánh nặng kinh tế toàn cầu do SXH-D gây ra ước tính rơi vào khoảng 8,9 tỷ USD hằng năm. Trong đó, 40% thiệt hại kinh tế gây ra bởi năng suất lao động bị ảnh hưởng, khi người bệnh phải nghỉ làm hay nhập viện điều trị. Hằng năm Việt Nam có hàng trăm ngàn ca nhiễm và hàng chục ca tử vong do mắc SXH-D ở trẻ em và người lớn, tuy nhiên nhiều năm qua chưa có vắc xin phòng ngừa, các biện pháp kiểm soát nguồn lây như tiêu diệt muỗi trung gian truyền bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê từ Bộ Y tế, năm 2023 cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc SXH-D, 43 người trong đó đã tử vong.

Nhu cầu của cộng đồng về các biện pháp can thiệp hiệu quả trong phòng chống SXH-D (do 4 chủng virus hay còn gọi là 4 type huyết thanh từ 1- 4 gây ra) ngày càng gia tăng. Một vaccin dengue hiệu quả, an toàn cho cả 4 chủng virus trên sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh và có thể là một công cụ giúp đạt được mục tiêu của WHO trong việc giảm ca mắc xuống dưới 25% và ca tử vong xuống dưới 50% đến năm 2020.

SXH-D có 4 nhóm huyết thanh gây bệnh, không tạo miễn dịch chéo nêng về lý huyết mỗi người có thể mắc bệnh 4 lần trong đời và những lần mắc sau sẽ nặng hơn do sự ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo. Chính những điều này khiến việc có một vắc xin sốt xuất huyết thực sự hiệu quả vô cùng khó khăn, dù khoa học đã bắt đầu hành trình này từ gần một thế kỷ trước.

Tập đoàn Sanofi Pasteur đã phải mất 20 năm nghiên cứu và phát triển vaccine Dengvaxia (CYD-TDV) với số tiền đầu tư lên tới 1,5 tỷ Euro. Và cũng trong vòng hơn 20 năm, đã có 23 nghiên cứu vaccin sốt xuất huyết ở cả 3 giai đoạn được tiến hành ở hơn 17 quốc gia trên khắp thếSanof, trong đó ó Việt Nam. Sanofi cũng đã đề nghị 20 nước tại châu Á và Mỹ Latinh sử dụng loại vaccin này.

Ngày 9/12/2015, Mexico là nước đầu tiên đã cho phép sử dụng vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết.

Dengvaxia đã được bán trên thị trường vào năm 2016 tại 11 quốc gia: Mexico, Philippines, Indonesia, Brazil, El Salvador, Costa Rica, Paraguay, Guatemala, Peru, Thái Lan và Singapore.

Dengvaxia là một vaccin sống tái tổ hợp, nó có thể ngăn chặn sự phát triển của 4 type vius sốt xuất huyết. Tỷ lệ phòng sốt xuất huyết của vaccin này là 60,8%. Vaccin chủ yếu dùng cho người từ 9-45 tuổi sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành. Điều này có nghĩa là trẻ dưới 9 tuổi không thuộc đối tượng sử dụng vaccin do hiệu quả bảo vệ đối với trẻ ở độ tuổi này rất thấp. Tuy nhiên, trẻ em lại là đối tượng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao nhất. Vaccin được sử dụng 3 mũi mỗi mũi cách nhau 6 tháng.

Dengvaxia là  vaccin ghép được tạo ra bằng công nghệ DNA tái tổ hợp bằng cách thay thế các gen cấu trúc PrM (tiền màng) và E (vỏ) của vaccin sốt vàng giảm độc lực chủng 17D bằng các gen từ bốn type huyết thanh sốt xuất huyết. Bằng chứng cho thấy CYD-TDV có hiệu quả một phần trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn ở những người chưa từng bị nhiễm trước đó và sau đó tiếp tục mắc bệnh. Không rõ tại sao quần thể huyết thanh âm tính đã được tiêm vaccin lại có kết quả bất lợi nghiêm trọng hơn. Một giả thuyết hợp lý là hiện tượng tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE).  Nhà virus học người Mỹ Scott Halstead là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên xác định hiện tượng ADE.Tiến sĩ Halstead và đồng nghiệp của ông là Tiến sĩ Phillip Russell đề xuất rằng vaccin chỉ được sử dụng sau khi xét nghiệm kháng thể, để kiểm tra tình trạng phơi nhiễm sốt xuất huyết trước đó và tránh tiêm vaccin cho những người huyết thanh âm tính.

Năm 2017, nhà sản xuất khuyến cáo rằng vaccin chỉ nên được sử dụng cho những người đã từng bị nhiễm sốt xuất huyết, vì kết quả có thể trở nên tồi tệ hơn ở những người chưa từng bị nhiễm do tình trạng tăng cường phụ thuộc vào kháng thể . Điều này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi ở Philippines , nơi hơn 733.000 trẻ em và hơn 50.000 tình nguyện viên trưởng thành đã được tiêm vắc-xin bất kể tình trạng huyết thanh .

Tháng 12/2018, Dengvaxia đã được chấp thuận tại Liên minh Châu Âu.

Đến tháng 5/2019, Dengvaxia đã được chấp thuận tại Hoa Kỳ.

WHO hiện khuyến nghị chỉ sử dụng Dengvaxia với người đã có kết quả xét nghiệm máu cho thấy từng mắc sốt xuất huyết. Vaccin này được phê duyệt ở một số quốc gia châu Á, châu Âu và Mỹ cho người từ 9 tuổi trở lên.

Theo Martin Hibberd (Trường Y học nhiệt đới & vệ sinh London, Anh), Dengvaxia dựa trên vius sốt vàng đã được chỉnh sửa để thể hiện protein từ cả bốn chủng vius Dengue. Tuy nhiên, vaccine này chỉ có tác dụng mạnh nhất đối với chủng DEN-4 và yếu nhất với DEN-2 dù không rõ lý do.

Nhưng ngay cả với DEN-4, Dengvaxia vẫn trở nên kém hiệu quả hơn rõ rệt khoảng một năm sau liều cuối cùng. Điều này cùng với yêu cầu phải xét nghiệm máu trước khi tiêm chủng và tổng cộng phải tiêm đến ba mũi (cách nhau 6 tháng) đã dẫn đến tỉ lệ triển khai rất thấp, Hibberd nói với New Scientist. Đây là một số nhược điểm của Dengvaxia.

Việc sản xuất một loại vaccin có phản ứng như nhau đối với cả bốn chủng vius Dengue là điều thực sự khó khăn. Hai ứng viên vaccin khác được kỳ vọng có thể khắc phục được những điểm yếu của Dengvaxia là vaccin của công ty Butantan và công ty Takeda

Takeda đã tiến hành 19 thử nghiệm giai đoạn 1, 2, và 3 của Qdenga trên hơn 28.000 tình nguyện viên ở nhiều khu vực nơi sốt xuất huyết có tỉ lệ lưu hành cao như châu Mỹ Latin (Brazil, Colombia, Panama, Cộng hòa Dominica và Nicaragua) và châu Á (Philippines, Thái Lan và Sri Lanka).

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy hai liều vaccin có hiệu quả 61% trong việc giảm tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết và 84% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện do bệnh nặng.

Các kết quả này là cơ sở để nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO khuyến nghị dùng Qdenga tại các khu vực có tỉ lệ lây truyền bệnh sốt xuất huyết cao.

Tháng 8-2022, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) phê duyệt cho phép tiêm Qdenga để “phòng sốt xuất huyết gây ra bởi bất kỳ chủng vius Dengue nào cho người từ 6 – 45 tuổi”.

Theo Nikkei, Qdenga là vaccin sốt xuất huyết duy nhất ở Indonesia được phê duyệt (2022) để sử dụng cho cá nhân bất kể đã từng nhiễm trước đó hay chưa và không cần xét nghiệm trước khi tiêm.

Sau đó, lần lượt EU (tháng 12-2022), Anh MHRA (2023), Brazil (3- 2023), Argentina (2023), Thái Lan (2023), Đan Mạch (2023), Đức (2023), Bồ Đào Nha (2023), Columbia (2023), Malaysia (2024)… phê duyệt vắc xin này. Vương quốc Anh, Iceland, Na Uy và Lichtenstein cũng đã cấp phép cho Qdenga.

Tại Mỹ – nơi đã phê duyệt Dengvaxia từ tháng 5-2019 – thì khó tiếp cận hơn, và chính xác là Takeda đã tạm “bỏ cuộc”.

Đến nay vaccin do Takeda sản xuất (Qdenga)đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia

Tại Việt Nam Qdenga đã được Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) phê duyệt vào chiều ngày 15/5/2024. Dự kiến vắc xin sốt xuất huyết vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước bắt đầu từ tháng 9-2024.

Qdenga (vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue) có thể bảo vệ chống lại cả bốn type huyết thanh của vi rút dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4), được chỉ định để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở những người từ 4 tuổi trở lên, đặc biệt ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết lưu hành mà không cần xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm hay không nhiễm với siêu vi Dengue trước đó.

Lịch tiêm gồm 2 liều, cách nhau 3 tháng. Hiệu lực lâm sàng của Qdenga đã được đánh giá qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 3, mù đôi, ngẫu nhiên đối chứng với giả dược được thực hiện tại nhiều quốc gia là trên 80% (thời điểm 1 năm sau tiêm) và thời gian bảo vệ lên đến 4,5 năm sau liều thứ 2, giảm dần còn 61% (sau 57 tháng sau tiêm). Tuy nhiên, liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch chưa được khuyến cáo.  Sau khi tiêm, một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như đau, sưng tại chỗ tiêm và sốt nhẹ.

WHO khuyến nghị sử dụng vaccin Qdenga cho trẻ từ 6- 16 tuổi ở khu vực có tỷ lệ mắc SXH cao.

Các biện pháp can thiệp khác để kiểm soát SXH-D:

Kiểm soát véc-tơ là các chiến lược chính để kiểm soát hoặc ngăn ngừa sự lan truyền của vius Dengue. Các chiến lược này bao gồm:

  • Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng bằng cách quản lý và điều chỉnh môi trường sinh sống của muỗi
  • Xử lý rác thải rắn đúng kỹ thuật và loại bỏ môi trường sống của muỗi do con người tạo ra;
  • Đậy nắp, thay nước và làm sạch dụng cụ đựng nước sinh hoạt ít nhất hàng tuần;
  • Sử dụng các chất diệt côn trùng thích hợp cho các dụng cụ chứa nước ngoài trời;
  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ cho cá nhân trong nhà như màng chắn cửa sổ, quần áo tay dài, vật liệu được tẩm chất diệt côn trùngvà dụng cụ phun sương;
  • Cải thiện sự tham gia và dịch chuyển của cộng đồng để duy trì các biện pháp kiểm soát véc tơ;
  • Sử dụng chất diệt côn trùng như phun tồn lưu trong suốt vụ dịch như một trong các biện pháp kiểm soát véc-tơ khẩn cấp;
  • Theo dõi và giám sát chủ động véc-tơ để xác định hiệu quả của các biện pháp can thiệp.

Với vaccine ngừa SXH, chúng ta đang có thêm một giải pháp hiệu quả hỗ trợ cho công tác phòng chống SXH. Vaccine này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh SXH và nhất là giảm nguy cơ bị nặng, tức là nếu bị mắc bệnh sau tiêm vaccine thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ. Tuy nhiên, không phải hễ tiêm vaccine là không mắc bệnh.

Hàng năm, các tỉnh khu vực phía Nam nằm trong vùng lưu hành SXH, có nguy cơ mắc SXH khoảng 250 ca/100.000 dân. Với hiệu quả vaccine 80% nêu trên trong năm đầu tiên sau tiêm, trong điều kiện lý tưởng, vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh SXH còn 50 ca/100.000 dân.

Nguy cơ mắc bệnh SXH như vậy vẫn còn là rất cao do mầm bệnh và muỗi vằn luôn có sẵn trong cộng đồng. Nói cách khác, nguy cơ mắc bệnh sau tiêm vaccine sẽ tùy thuộc vào nguy cơ mắc SXH hiện hữu. Hơn nữa, SXH có thể gặp ở mọi nhóm tuổi, trong khi vaccine hiện tại có chỉ định tiêm chỉ cho người từ 4 tuổi trở lên.

Do vậy, để tối ưu hóa hiệu quả của vaccine và bảo vệ cho nhóm chưa đến tuổi chỉ định tiêm vaccine, cần giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc hiện hữu bằng cách duy trì và triển khai thường xuyên các biện pháp truyền thống, giải pháp tổng hợp và đang có hiệu quả – là kiểm soát véc tơ, diệt lăng quăng và muỗi.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia dù có áp dụng giải pháp vaccine vẫn phải bám sát chiến lược tích hợp với kiểm soát véc tơ nhằm đạt được hiệu quả kiểm soát dịch tối ưu. Các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái lan dù đã cấp phép sử dụng vaccine, vẫn đang áp dụng giải pháp toàn diện, tổng hợp trong phòng chống SXH.

Nói cách khác, có vaccine vẫn phải tích cực diệt lăng quăng và muỗi. Mỗi cá nhân sau tiêm vaccine cũng không được chủ quan, bỏ quên việc diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi chích

Tài liệu tham khảo:

  1. Dengue. (2024, February 21). World Health Organization. https://www.who.int/teams/immunization-vaccines-and-biologicals/diseases/dengue
  2. Information on Dengvaxia®. (n.d.). Sanofi. https://www.sanofi.com/en/our-company/social-impact/responsible-business-values/information-on-dengvaxia
  3. Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết khi đã có vắc xin- ThS.BS.Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM
  4. http://who.int/immunization/diseases/dengue/en/
  5. http://vnvc.vn
  6. http://bvbnd.vn
  7. http://hcdc.vn
  8. http://vncdc.gov.vn
  9. http://www.pasteurhcm.gov.vn
  10. http://www.who.int/immunization/research/development/dengue_q_and_a/en/
  11. http://afamily.vn/​

BS.CKII. Dương Quốc Hiền

Trưởng khoa Truyền nhiễm- BVĐK Trung tâm An Giang

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)