Covid-19 và sức khỏe tâm thần

Kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch (11-3-2020) tới nay, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của cộng đồng. Trong một số trường hợp các phương pháp phòng chống dịch như: cách ly, phong tỏa hay giãn cách xã hội cũng trực tiếp ảnh hưởng đến những người lớn tuổi, người sống một mình, những người với các bệnh lý nền mạn tính. Cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến lực lượng tuyến đầu trong công tác chống dịch, những lo lắng và căng thẳng phải chịu đựng như đè nặng lên tâm trí họ hằng ngày.

Dịch Covid gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mọi người. Nguồn ảnh: BookingCare

Chúng ta cần sự cảm thông, sự chia sẽ và trên hết chúng ta cần hiểu phải làm gì để tự giúp bản thân và người xung quanh vượt qua cơn khủng khoảng nghiêm trọng này:

a. Sự căng thẳng và những hạn chế trong thời gian này có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Nếu bạn đang cảm thấy buồn, vô vọng và có những suy nghĩ tiêu cực như tự làm hại bản thân. Hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc người mà bạn tin tưởng để chia sẽ cảm xúc của bạn.

b. Người bị cách ly có thể cảm thấy rất cô đơn – đặc biệt là người lớn tuổi hoặc người sống một mình. Sự cô đơn có thể khiến một người bị suy sụp thể chất và tinh thần. Do đó, hãy kết nối với những người khác thông qua mạng xã hội, điện thoại và cộng đồng trực tuyến để giữ vững tinh thần lạc quan.

c. Người lớn tuổi có thể cảm thấy khó khăn trong việc kết nối với người khác khi thực hiện cách ly do Covid-19. Do đó những người thân nên thường xuyên chủ động liên lạc với họ qua điện thoại, tin nhắn và mạng xã hội để giúp họ cảm thấy an toàn.

d. Là người làm việc tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, bạn có thể phải chịu sự kì thị không đáng có thậm chí từ gia đình, bạn bè và các nhân viên y tế khác. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy rất căng thẳng. Hãy trải lòng với cấp trên và đồng nghiệp về những điều bạn đang phải trải qua. Có thể họ cũng đang phải trải qua nhiều chuyện giống bạn và các bạn có thể hỗ trợ lẫn nhau.

e. Làm việc tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 có thể rất căng thẳng và khó khăn. Do đó, việc bạn cảm thấy quá tải và mệt mỏi là điều dễ hiểu. Chia sẽ cảm xúc của bạn với người mà bạn tin tưởng sẽ giúp bạn vượt qua cảm xúc này.

f. Những người được chẩn đoán mắc Covid-19 xứng đáng được nhận sự quan tâm chăm sóc tốt. Giúp họ kết nối với người thân qua điện thoại, cuộc gọi video hoặc tin nhắn, có thể giúp họ dễ chịu khi cách ly.

g. Những người làm việc ở tuyến đầu và những người lao động thiết yếu khác có thể phải chịu nhiều căng thẳng và mệt mỏi cực độ do công việc. Nếu bạn cảm thấy kiệt sức, cô lập và không thể tập trung làm việc, hãy nói chuyện với cấp trên về các vấn đề của bạn và tìm thời gian để nghỉ ngơi.

Những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 phải làm việc trong nhiều giờ liên tục, với khối lượng công việc nặng nề và có thể phải chịu sự kì thị và phân biệt đối xử. Những điều này nếu không được kiểm soát, sẽ khiến họ rất mệt mỏi suy sụp tinh thần và kiệt sức. Hãy luôn hỗ trợ và cảm ơn những người này vì tất cả những công việc họ làm.

i. Để bảo vệ bản thân và những người yêu thương khỏi Covid-19, bạn hãy:

  •  Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.
  •  Gập khuỷa tay áo hoặc dùng khăn giấy che miệng và mũi khi ho hắt hơi – chứ không dùng tay để che miệng.
  • Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
  • Hạn chế tụ tập hoặc đến những nơi đông người.
  • Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho, khó thở.
  • Thường xuyên làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt hay được chạm vào.

j. Cảm thấy sợ hãi và lo lắng trong thời gian này là phản ứng tâm lý hoàn toàn bình thường. Nói ra những cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng, phiền muộn.

k. Mỗi ngày đang có nhiều người mắc Covid-19 đang dần khỏe lại và hoàn toàn hồi phục. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau bằng việc chia sẽ những thông tin tích cực và giữ liên lạc với nhau.

l. Dành cho những người đang làm việc tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19: Các bạn hãy nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ dinh dưỡng, vận động thể chất và liên lạc với người thân giữa những ca trực để duy trì tinh thần tích cực.

m. Chọn và giới hạn khoảng thời gian mỗi ngày để cập nhật tin tức về Covid-19. Việc liên tục nghe về Covid-19 trên các kênh truyền thông có thể khiến bạn lo lắng và chán nản hơn.

n. Bất chấp những thách thức mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt hiện nay do Covid-19, chúng ta vẫn có thể tìm thấy mục đích sống của mình và giúp đỡ lẫn nhau. Khi gặp phải một tình huống khó khăn, hãy tập trung vào những gì bạn có thể thay đổi, chấp nhận những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát, và luôn cố gắng sống đúng với những giá trị thật của bạn.

o. Nếu bạn biết ai đó đang cảm thấy vô vọng và có ý nghĩ tự làm hại bản thân do tác động của Covid-19 – hãy nói chuyện với họ. Nói chuyện về chủ đề tự tử sẽ không làm tăng nguy cơ tử tự, ngược lại có thể giúp những người đang gặp khủng hoảng xử lý được cảm xúc và giảm bớt căng thẳng.

p. Việc cảm thấy xuống tinh thần có thể khiến bạn từ bỏ các hoạt động thường ngày. Đây là phản ứng phổ biến khi bạn gặp phải điều không như ý. Tuy nhiên, theo thời gian, điều này có thể khiến bạn bị rơi vào vòng cuốn của trạng thái ngưng hoạt động. Hãy cố gắng tìm động lực để tham gia vào các hoạt động bạn yêu thích. Điều này sẽ giúp khôi phục sức khỏe tinh thần của bạn.

q. Trẻ em có thể không hiểu rõ về Covid-19. Hãy dùng từ ngữ dễ hiểu, nhẹ nhàng đẻ nói chuyện với các em, và khuyến khích các em thực hành những thói quen lành mạnh thông qua các bài hát và điệu nhảy. Điều này sẽ giúp các em cảm thấy an toàn hơn.

r. Các nguồn lực cộng đồng – bao gồm các nhóm dân sự, các tổ chức ở khu phố và những người khác – có thể giúp hỗ trợ tâm lý xã hội cho những người đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong thời gian này. Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc chăm sóc và giữ gìn sức khỏe tâm thần của cộng đồng./.

Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Ths. Bs Nguyễn Hương Bảy

Khoa Tâm Thần Bệnh viện đa khoa trung tâm An giang

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)